Giá cả chênh lệch, heo từ vùng dịch đang được đưa vào Nam
TP.HCM đã đặt ra phương án dịch tả heo châu Phi lan tới TP và chuẩn bị nhiều phương án đối phó như dự trữ nguồn thịt heo, tuyên truyền để người dân không quay lưng với thịt heo.
Ông Phạm Thành Kiên - giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cho biết đã chuẩn bị nguồn hàng để ứng phó khi có dịch tả heo châu Phi - Ảnh: TỰ TRUNG
|
Sáng 5-3, tại phiên họp kinh tế - xã hội tháng 2 của UBND TP.HCM, ông Phạm Thành Kiên - giám đốc Sở Công thương TP - cho hay ngoài việc ngăn chặn dịch bệnh tả heo châu Phi thì nguồn hàng cung cấp cho TP cũng hết sức cần thiết.
TP.HCM không được để xảy ra dịch
Sở đã làm việc với các đơn vị cung cấp nguồn heo cho TP để lắng nghe các giải pháp. Công ty Vissan đưa ra 2 giải pháp: Thứ nhất là thu mua heo dự trữ khoảng 3,6 ngàn tấn trong khi nguồn heo TP cần khoảng 800 tấn/ngày. Thứ hai là tìm thêm nguồn heo an toàn nhập khẩu từ nước ngoài.
Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn cũng chuẩn bị các phương án về con giống sạch trong trường hợp đàn heo bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Ngoài ra TP còn làm việc với một số doanh nghiệp cung cấp trứng, thịt gà để trong trường hợp thịt heo không có đủ nguồn cung an toàn thì có thịt gia cầm bổ sung kịp thời.
Phó chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm chỉ đạo: "Tuyệt đối TP.HCM không được để xảy ra dịch. TP cũng là thị trường tiêu thụ thịt heo lớn nhất cả nước nên phải kiểm soát thật chặt các nguồn thịt, heo nhập vào TP. Đây là dịch bệnh hết sức nguy hiểm, một khi nhiễm bệnh là heo chết 100%".
Ngưng nhận heo từ các tỉnh phía Bắc
Ông Nguyễn Phước Trung - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP - cho biết hiện dịch đã xuất hiện ở 7 tỉnh, với hơn 4.000 con heo bị tiêu hủy. Về phía TP, sở đặt giả định có dịch và chuẩn bị các giải pháp.
Đó là tăng cường lực lượng kiểm soát các tuyến giao thông từ các tỉnh vào TP; kiểm soát tại các cơ sở giết mổ, chế biến, chợ đầu mối, kiểm soát nguồn nhập vào để đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng; yêu cầu các quận huyện kiểm soát việc giết mổ trái phép.
Ông Trung kể đã có một trường hợp bị phát hiện với 300 con heo từ huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) di chuyển qua TP đi về Vĩnh Long, nhưng qua kiểm tra lại không về Vĩnh Long mà được đưa về đâu đó, không loại trừ việc lén mổ ở TP.
Sở cũng đã yêu cầu các lò mổ ngưng nhận heo từ các tỉnh phía Bắc mà chỉ nhận heo từ các vùng an toàn. Sở kiểm tra thấy các lò thực hiện đúng cam kết này.
Ông Trung lưu ý do các tỉnh phía Bắc đang có dịch, giá heo đang xuống thấp hơn phía Nam nên có hiện tượng đưa vào Nam tiêu thụ.
Bệnh tả heo không lây cho người
Bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban An toàn thực phẩm TP - nhận định: "Với việc giá cả chênh lệch (nguồn heo từ các tỉnh phía Bắc có giá thành rẻ hơn), thị trường TP.HCM là thị trường mở nên khả năng lây nhiễm là hoàn toàn có thể xảy ra".
Bà Lan cũng khẳng định bệnh này không lây cho người, dịch sẽ chỉ làm ảnh hưởng đến đàn heo. Nhưng khi có heo bệnh vào TP, thịt heo bệnh mổ ra sẽ có khả năng bị nhiễm khuẩn gây thêm nhiều loại bệnh khác.
"Chúng tôi bố trí lực lượng để chốt chặn, kiểm tra nguồn gốc: kiểm tra cả giấy tờ, vòng kiểm soát, kể cả nhìn bằng mắt để phát hiện heo bệnh từ kinh nghiệm của anh em", bà Lan cho biết. Kết quả đến giờ phút này chưa phát hiện heo mắc bệnh tả châu Phi vào TP, tuy nhiên có phát hiện một số trường hợp heo bị lở mồm long móng.
TP.HCM đã phát hành 4.000 tờ thông tin cho các hộ và đưa tin trên các báo, đặc biệt là tuyên truyền việc bệnh tả heo châu Phi không lây cho người, vì nếu người dân không hiểu, quay lưng đi thì giá heo sẽ xuống càng thấp.
|
MAI HOA - MAI HƯƠNG
TUỔI TRẺ
|