Bấp bênh giá nông sản Tây nguyên
Nhiều loại cây trồng chủ lực như hồ tiêu, cà phê, điều, cao su... giá xuống kỷ lụckhiến hàng chục ngàn nông dân các tỉnh Tây nguyên thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng.
Hàng ngàn tấn khoai lang của nông dân đang có giá rẻ mạt. ẢNH: TRẦN HIẾU
|
Tây nguyên là vùng chuyên canh nhiều loại cây trồng lớn cho năng suất cao và thu về nguồn ngoại tệ đáng kể. Song vài năm nay, giá cả sụt giảm khiến hàng chục ngành nông dân bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó, việc đang phải đối mặt với nạn hạn hán được dự báo khốc liệt như năm nay khiến nguy cơ mất mùa đe dọa.
Lỗ nặng với khoai lang Nhật
Cà phê “đắng”
Hiện cả nước có khoảng 600.000 ha cà phê thì riêng khu vực Tây nguyên đã chiếm đến hơn 90% diện tích. Đa số diện tích này là cà phê kinh doanh. Niên vụ cà phê 2018 - 2019 do thời tiết biến động thất thường, lượng mưa kéo dài khiến cây bị rụng trái, lép hạt... dẫn đến giảm năng suất mạnh. Nhiều vùng bị giảm năng suất từ 20 - 30%. Hiện giá cà phê nhân xô ở khu vực các tỉnh Tây nguyên dao động trên dưới 33.000 đồng/kg. Hai niên vụ trước, giá cà phê nhân xô ở khu vực này từ mức giá hơn 40.000 đồng đã tụt xuống 35.000 đồng/kg và tụt xuống mức giá như hiện nay. Hàng chục ngàn hộ trồng cà phê ở Tây nguyên thiệt đơn thiệt kép.
|
Hơn 700 ha khoai lang Nhật ở H.Phú Thiện (Gia Lai) đang trong thời điểm thu hoạch song không tìm ra thương lái mua với số lượng lớn, phải bán rẻ mạt. Số diện tích này tập trung chủ yếu ở các xã Chư A Thai và Ia Sol. Lúc cao điểm, giá khoai có khi lên tới 14.000 đồng/kg, hiện chỉ trong khoảng 1.500 - 5.000 đồng/kg tùy loại. Trung bình mỗi héc ta khoai lang Nhật có năng suất 15 - 30 tấn, tùy đất và công đầu tư, chăm sóc.
Ông Nguyễn Trung Hoài, một nông dân ở H.Phú Thiện, cho biết: “Mỗi héc ta khoai lang chúng tôi đầu tư 50 - 60 triệu đồng. Hộ nào thuê đất thì phải tốn chi phí gần cả trăm triệu đồng. Trồng xong chúng tôi tự liên hệ thương lái đến mua. Nhà tôi trồng 2 ha, năng suất được khoảng 30 tấn. Nay giá khoai xuống thấp quá, lỗ nặng”.
Hiện hàng ngàn tấn khoai lang của nông dân đang chờ thương lái mua, dù giá rẻ mạt. Trong khi đó, nhiều thương lái cho biết họ cũng gặp cảnh tiến thoái lưỡng nan. “Khi giá cao, thương lái chúng tôi đặt mua khoai. Nhiều người đặt cọc một nửa tiền. Bây giờ giá xuống thấp quá. Tôi cũng đã đặt gần 1 tỉ đồng để mua 20 ha khoai nhưng đến giờ giá xuống thế này, nguy cơ mất trắng tiền đặt cọc vì mua vào như cam kết ban đầu càng lỗ nặng. Nhiều thương lái lớn còn lỗ hơn tôi”, anh Hoàng Văn Giang, một thương lái thu mua khoai lang Nhật, chia sẻ.
Ôm nợ vì tiêu, điều
Tương tự là cây điều, tiêu. Sau 2 năm giá điều tăng chóng mặt, lúc cao điểm lên đến 50.000 đồng/kg tươi khiến người dân đổ xô trồng loại cây này. Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, diện tích cây điều toàn tỉnh lên đến 15.000 ha từ năm 2015 và tăng mạnh những năm gần đây do giá điều cao. Số diện tích này tập trung ở các huyện Krông Pa, Ia Pa, Đức Cơ, Ia Grai, Kon Chro. Thế nhưng, trái ngược với mức tăng diện tích, hiện giá điều chỉ dao động từ 28.000 - 31.000 đồng/kg tươi khiến nhiều nông dân trồng loại cây này vỡ mộng!
Trong khi đó, hồ tiêu từng được ví là “vàng đen” bởi lúc cao điểm trong các năm 2014 - 2015 giá lên đến 200.000 - 220.000 đồng/kg. Giá cao, cả nông dân cùng những người không chuyên như cán bộ, công nhân viên nhà nước cũng bị cuốn vào “cơn lốc” đổ xô mua đất trồng tiêu. Nhiều vườn cà phê đang kinh doanh bị phá ngang để trồng loại cây này. Toàn khu vực Tây nguyên bị vỡ quy hoạch, diện tích hồ tiêu lên đến cả chục ngàn héc ta. Cả nước có khoảng 150.000 ha hồ tiêu thì Tây nguyên đã chiếm 2/3 diện tích.
Từ hai năm trở lại đây, giá tiêu tuột dốc không phanh, hiện chỉ còn 42.000 - 43.000 đồng/kg. Với suất đầu tư từ 250 - 300 triệu đồng/ha, nếu có đất sẵn, và phải đến năm thứ 3 mới bắt đầu cho thu hoạch, giá hồ tiêu rớt sâu khiến nông dân bị lỗ nặng. Nhiều nông dân đang ôm đống nợ ngân hàng và khó có khả năng trả.
Nhiều diện tích hồ tiêu chết do bệnh hại
|
Nghiêm trọng hơn, nhiều diện tích hồ tiêu ở khu vực này hạn hán, bệnh chết. Theo thống kê của Viện Khoa học nông - lâm nghiệp Tây nguyên, từ cuối năm 2018, toàn vùng Tây nguyên có hơn 3.000 ha hồ tiêu bị chết do bệnh hại và hàng ngàn héc ta nữa đang nhiễm bệnh. Trong đó, tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm nhiều nhưng hiện chưa có thuốc đặc trị.
Để có vườn hồ tiêu, nhiều nông dân đã thế chấp nhà cửa, ruộng đất vay ngân hàng, nay đối diện nguy cơ trắng tay. Hiện dư nợ hồ tiêu tại các ngân hàng lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Ông Nguyễn Văn Cư, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Gia Lai, cho biết: “Theo đánh giá, kiểm tra của các chi nhánh ngân hàng thương mại ở Gia Lai, cho vay hồ tiêu đạt khoảng 4.100 tỉ đồng. Hơn 21.000 hộ đã vay tiền phát triển hồ tiêu, tập trung ở 9 huyện, thị. Hiện có khoảng 1.600 tỉ đồng tiền vay đang gặp khó khăn trong việc thu nợ vì giá tiêu xuống quá thấp, tiêu bị bệnh, tiêu chết. Tình trạng này đã khiến 5.137 khách hàng bị thiệt hại nặng”.
TRẦN HIẾU
THANH NIÊN
|