Dow Jones lao dốc hơn 450 điểm, S&P 500 sụt gần 2%
Tuần qua, Dow sụt 1.3%, S&P giảm 0.8% và Nasdaq mất 0.6%
Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm mạnh vào ngày thứ Sáu (22/03), khi những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu cùng với dự báo kinh tế thận trọng hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khiến nhà đầu tư lo lắng vào cuối tuần, CNBC đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones chìm xuống đáy trong phiên trước khi đóng cửa rớt 460.19 điểm xuống 25,502.32 điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu đà giảm điểm do sự sụt giảm mạnh của lợi suất trái phiếu Chính phủ dài hạn. Chỉ số S&P 500 mất 1.9% còn 2,800.71, đánh dấu phiên tồi tệ nhất kể từ ngày 03/01/2019. Chỉ số Nasdaq Composite sụt 2.5% xuống 7,642.67 điểm, khi cổ phiếu Facebook, Amazon, Netflix, Alphabet và Apple đồng loạt chìm trong sắc đỏ.
Tuần qua, Dow Jones giảm 1.3%, S&P 500 mất 0.8% và Nasdaq Composite lùi 0.6%.
“Có một loạt nỗi lo ngoài kia và những lo ngại đó tiếp tục gia tăng. Lo ngại về sự suy thoái kinh tế ngày càng tăng”, Peter Cardillo, Chuyên gia kinh tế thị trường hàng đầu tại Spartan Capital Securities, cho hay.
“Kết quả là, chúng ta có một thị trường đang cân nhắc lại về một số thông tin lạc quan đã được định giá”, ông Cardillo chia sẻ.
Khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng lao dốc là sự đảo ngược của đường cong lợi suất. Chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kỳ hạn 3 tháng và trái phiếu kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên chuyển sang âm kể từ năm 2007, do đó dẫn đến sự đảo ngược đường cong lợi suất. Đường cong lợi suất đảo ngược xảy ra khi lợi suất ngắn hạn vượt qua lợi suất dài hạn. Đường cong lợi suất đảo ngược cũng được xem là một chỉ báo cho sự suy thoái kinh tế.
Cổ phiếu Citigroup sụt hơn 4%. Cổ phiếu Goldman Sachs, Morgan Stanley, J.P. Morgan Chase và Bank of America đều giảm ít nhất 2.9%.
Các động thái trong phiên ngày thứ Sáu diễn ra sau khi Fed gây ngạc nhiên cho nhà đầu tư bằng cách áp dụng lập trường “bồ câu” rõ rệt hôm thứ Tư (20/03), dự kiến sẽ không nâng lãi suất trong năm nay và kết thúc chương trình cắt giảm bảng cân đối kế toán. Mặc dù nhà đầu tư thường không thích chi phí vay tăng cao và nâng lãi suất, nhưng động lực thúc đẩy sự kiềm chế từ Fed đã làm dấy lên lại lo ngại về đà giảm tốc tăng trưởng GDP. Fed chứng minh cho một triển vọng ôn hòa hơn bằng cách hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2019.
Phiên ngày thứ Sáu cũng chứng kiến hàng loạt dữ liệu kinh tế yếu kém từ khắp nơi trên toàn cầu đã làm dấy lên những nỗi lo trên.
Theo đó, chỉ số hoạt động sản xuất IHS Markit ở Đức đã sụt xuống mức thấp nhất trong hơn 6 năm vào tháng 3/2019. Tại Pháp, chỉ số sản xuất và dịch vụ lần lượt giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng và 2 tháng. Đối với toàn bộ khu vực đồng Euro, chỉ số sản xuất lùi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2013. Những dữ liệu này đã khiến lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức tích tắc chìm vào sắc đỏ, chạm mức thấp nhất kể từ năm 2016.
Nike cũng gây sức ép lên thị trường trong suốt phiên ngày thứ Sáu. Cổ phiếu công ty may mặc đồ thể thao này lao dốc 6.6% sau khi công bố tăng trưởng doanh số quý yếu kém ở Bắc Mỹ. Cổ phiếu Boeing mất 2.8% sau khi hãng hàng không Garuda của Indonesia hủy đơn đặt hàng 49 chiếc máy bay 737 Max trị giá 6 tỷ USD.
Dẫu vậy, bất chấp đà giảm điểm trong ngày thứ Sáu, chứng khoán vẫn nhảy vọt trong năm nay. Cụ thể, S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt leo dốc 11.7% và 15.2%, còn Dow Jones vọt 9.2%.
An Trần
Fili
|