Lợi suất trái phiếu Đức kỳ hạn 10 năm xuống phạm vi âm lần đầu tiên kể từ năm 2016
Trong ngày thứ Sáu (22/03), lợi suất trái phiếu Chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm giảm xuống phạm vi âm lần đầu tiên kể từ tháng 10/2016.
Rơi xuống mức -0.001%, đà giảm của lợi suất trái phiếu Chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm diễn ra giữa lúc nhà đầu tư ngày càng lo ngại về hướng đi của nền kinh tế lớn nhất của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), trong đó hàng loạt dữ liệu yếu kém trong vài tháng gần đây đã làm dấy lên suy đoán Đức có thể sớm rơi vào suy thoái.
Holger Schmieding, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Berenberg, nói với CNBC trong ngày thứ Sáu rằng động thái của lợi suất trái phiếu chủ yếu là do “lo sợ về Brexit”và “đà suy yếu của triển vọng xuất khẩu và hoạt động sản xuất công nghiệp”.
IHS Markit cho biết trong ngày thứ Sáu (22/03) rằng hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 3/2019 ở Đức rớt xuống mức thấp nhất trong 6 năm. Ở Pháp, hoạt động sản xuất công nghiệp giảm tốc xuống mức yếu nhất trong 3 tháng và dịch vụ tăng trưởng yếu nhất trong 2 tháng. Đối với cả khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), hoạt động sản xuất công nghiệp giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2013.
“Có hàng đống nỗi lo ngại ngoài kia và những nỗi lo ấy ngày càng dâng cao”, Peter Cardillo, Trưởng bộ phận kinh tế thị trường tại Spartan Capital Securities, nhận định. “Nỗi lo về suy thoái cũng vì thế mà gia tăng. Kết quả là thị trường đang suy nghẫm lại về những tâm lý lạc quan đã phản ánh vào giá trước đây”.
Ở Mỹ, chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 3 tháng và 10 năm chuyển sang âm lần đầu tiên kể từ năm 2007 – xảy ra hiện tượng đảo ngược đường cong lợi suất, dữ liệu từ Refinitiv Tradeweb cho thấy. Một đường cong lợi suất bị đảo ngược diễn ra khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn ngắn hơn vượt lợi suất kỳ hạn dài hơn. Đây thường được xem là chỉ báo đáng tin cậy về chuyện suy thoái sắp xảy ra trong tương lai gần.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|