Thứ Sáu, 22/03/2019 21:21

Bóng đen u ám bao trùm Phố Wall, Dow Jones rớt gần 300 điểm

Chứng khoán Mỹ rớt mạnh vào đầu phiên ngày thứ Sáu (22/03) khi nỗi lo sợ về nền kinh tế toàn cầu lại dâng cao sau loạt dữ liệu sản xuất công nghiệp đáng lo ngại từ châu Âu và quan điểm thận trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về nền kinh tế Mỹ.

Tính tới lúc 21h10 ngày thứ Sáu (22/03 – giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones rớt 274 điểm khi cổ phiếu Nike giảm mạnh. Chỉ số S&P 500 giảm 0.9%, dẫn đầu là đà lao dốc của lĩnh vực năng lượng và tài chính. Chỉ số Nasdaq Composite hạ 1.1%.

“Có hàng đống nỗi lo ngại ngoài kia và những nỗi lo ấy ngày càng dâng cao”, Peter Cardillo, Trưởng bộ phận kinh tế thị trường tại Spartan Capital Securities, nhận định. “Nỗi lo về suy thoái cũng vì thế mà gia tăng. Kết quả là thị trường đang suy nghẫm lại về những tâm lý lạc quan đã phản ánh vào giá trước đây”.

Cổ phiếu Nike đè nặng lên thị trường chung. Cổ phiếu của công ty sản xuất đồ thể thao này lao dốc 4.7% sau khi ghi nhận tăng trưởng doanh số hàng quý yếu ớt ở Bắc Mỹ.

IHS Markit cho biết trong ngày thứ Sáu (22/03) rằng hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 3/2019 ở Đức rớt xuống mức thấp nhất trong 6 năm. Ở Pháp, hoạt động sản xuất công nghiệp giảm tốc xuống mức yếu nhất trong 3 tháng và dịch vụ tăng trưởng yếu nhất trong 2 tháng. Đối với cả khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), hoạt động sản xuất công nghiệp giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2013.

Dữ liệu trên đã đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm xuống thấp nhất kể từ năm 2016, tích tắc rơi vào phạm vi âm.

Ở Mỹ, chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 3 tháng và 10 năm chuyển sang âm lần đầu tiên kể từ năm 2007 – xảy ra hiện tượng đảo ngược đường cong lợi suất, dữ liệu từ Refinitiv Tradeweb cho thấy. Một đường cong lợi suất bị đảo ngược diễn ra khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn ngắn hơn vượt lợi suất kỳ hạn dài hơn. Đây thường được xem là chỉ báo đáng tin cậy về chuyện suy thoái sắp xảy ra trong tương lai gần.

Chứng khoán Mỹ diễn biến tiêu cực sau khi Fed gây bất ngờ khi đưa ra quan điểm đậm chất “bồ câu” trong ngày thứ Tư (20/03), dự báo không có thêm đợt nâng lãi suất nào trong năm nay và dự định chấm dứt chương trình cắt giảm số dư trên bảng cân đối kế toán vào tháng 9/2019. Tâm lý thị trường cải thiện nhờ triển vọng của Fed về lãi suất. Thế nhưng, câu chuyện đằng sau việc hạ triển vọng lãi suất của Fed khiến nhiều người “đứng ngồi không yên”.

Chứng khoán Mỹ sắp ghi nhận đà tăng mạnh trong tuần qua (tính tới ngày thứ Năm) khi đà tăng mạnh của lĩnh vực công nghệ và hàng tiêu dùng không thiết yếu làm giảm bớt nỗi lo về đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Trong ngày thứ Năm (21/03) ở Bắc Kinh, Phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sẽ đến thăm Trung Quốc vào ngày 28-29/03/2019. Sau đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ tới Mỹ vào đầu tháng 4/2019. Vị phát ngôn viên này nói thêm ông Robert Lighthizer và ông Steven Mnuchin đã điện đàm nhiều lần với ông Lưu Hạc trong thời gian gần đây.

Trong ngày thứ Tư (20/03 – giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết các hàng rào thuế quan đã áp lên hàng hóa Trung Quốc có thể được giữ nguyên vô thời hạn cho tới khi Bắc Kinh tuân thủ theo thỏa thuận thương mại. Điều này đã đập tan kỳ vọng hai quốc gia sẽ gỡ bỏ hàng rào thuế quan như là một phần trong thỏa thuận thương mại.

“Chúng tôi không trao đổi về chuyện dỡ bỏ thuế quan, chúng tôi nói về chuyện giữ nguyên thuế quan trong một khoảng thời gian rất dài, vì chúng tôi buộc phải đảm bảo rằng nếu có một thảo thuận thì Trung Quốc phải tuân theo thỏa thuận đó”, ông Trump nói với các phóng viên ở Nhà Trắng. “Họ có nhiều vấn đề về tuân thủ thỏa thuận”.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi

Các tin tức khác

>   Chứng khoán châu Á biến động dữ dội (22/03/2019)

>   Chứng khoán Trung Quốc sắp tăng chậm lại? (22/03/2019)

>   Nếu Mỹ-Trung tiến tới thỏa thuận, chứng khoán Trung Quốc sẽ tăng vọt 15%? (22/03/2019)

>   Siêu sao đầu tư Trung Quốc huy động 10 tỷ USD chỉ trong 10 tiếng đồng hồ (22/03/2019)

>   Chứng khoán châu Á bớt giảm, Nhật Bản và Hàn Quốc đảo chiều thành công (22/03/2019)

>   Sắc đỏ lại về với chứng khoán châu Á, Shanghai giảm gần 1% (22/03/2019)

>   Bứt phá hơn 200 điểm, Dow Jones ghi nhận phiên tăng mạnh nhất trong 1 tháng (22/03/2019)

>   Chứng khoán châu Á khởi sắc sau tuyên bố giữ nguyên lãi suất của Fed (21/03/2019)

>   Nghi ngờ thao túng cổ phiếu, Hồng Kông đóng băng các tài khoản có liên quan tới đà tăng bí ẩn 8,500% (21/03/2019)

>   Nhận tin vui từ Fed, Chứng khoán Trung Quốc tăng gần 1% (21/03/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật