Dân không đồng tình nếu Nhà nước đền bù thấp nhưng DN lại bán đất giá cao
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã lưu ý vấn đề trên tại hội thảo quốc tế về hợp tác công tư (PPP) trong một số lĩnh vực ở TP.HCM, do UBND TP phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức ngày 27-3.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với ông Ousmane Dione - giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam - bên lề hội thảo - Ảnh: NGỌC HIỂN
Theo Bí thư thành ủy, các cơ quan nhà nước cần phải chủ động đề xuất dự án và mời gọi các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện thay vì ngồi chờ nhà đầu tư trình dự án để cân nhắc thực hiện. Ông Nhân cho rằng chính quyền thường đưa ra lý do không đủ tiền nên không thể làm đề xuất dự án PPP, để DN chủ động đề xuất.
"Việc chuẩn bị, đề xuất dự án không tốn quá nhiều kinh phí, mà ngược lại sẽ đem lại thuận lợi, tiết kiệm hơn cho giai đoạn đấu thầu. Vấn đề là chúng ta cần phải dành thời gian, công sức ban đầu bằng việc phải tự chuẩn bị để đề xuất dự án mời gọi các DN" - Bí thư khẳng định.
Nhìn từ thực tiễn của TP, ông Nhân cho rằng hợp tác PPP cần phải phù hợp với từng địa phương, như đối với những dự án PPP mà nhà nước đóng góp đất, khâu đền bù đối với người dân sống trong diện giải phóng mặt bằng là một vấn đề lớn, cần được thảo luận nhiều hơn. Nếu nhà nước đền bù cho dân ở mức giá thấp, nhưng DN lại bán đất đó với mức giá cao hơn thì người dân sẽ không đồng tình với chính sách đền bù, tái định cư của nhà nước.
Bên cạnh vấn đề đầu tư, ông Nhân cho rằng việc hợp tác công tư cũng cần tính toán đến các vấn đề về vận hành, bảo dưỡng trong các dự án PPP. Ngoài ra, cần phải quan tâm đến vấn đề thanh toán, chia sẻ rủi ro, công khai minh bạch quyền lợi giữa các bên...
Các chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng hợp tác công tư sẽ góp phần thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng của TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết số lượng dự án hợp tác công tư chỉ chiếm 5% trong tổng số dự án đầu tư công của TP, nhưng nguồn lực xã hội đã huy động gấp 3 lần tổng nguồn lực đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Theo ông Phong, một dự án hợp tác công tư có thể giúp TP huy động khoảng 3.000 tỉ đồng từ xã hội.
Đây là một nguồn lực đầu tư lớn, trong khi mỗi năm ngân sách chỉ có thể cân đối khoảng 30.000 tỉ đồng cho các dự án đầu tư trên địa bàn TP. "Năm 2019, TP đột phá về cải cách hành chính sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, phát triển tạo chuyển biến mạnh mẽ nhằm giảm bớt thủ tục cho người dân và DN. TP cam kết tạo mọi điều kiện đầu tư tốt nhất để các nhà đầu tư có những trải nghiệm mới khi lựa chọn TP là điểm đến đầu tư lâu dài" – ông Phong khẳng định.
Theo ông Ousmane Dione - giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, để duy trì lợi thế cạnh tranh và giải quyết thách thức từ tốc độ đô thị hóa nhanh, TP cần đầu tư mạnh về hạ tầng, đặc biệt là trong các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục và môi trường. Tuy nhiên, TP sẽ không đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn về hạ tầng và dịch vụ nếu chỉ dựa vào đầu tư công. Do đó, đại diện WB cho rằng TP cần cải thiện hiệu quả đầu tư công và hướng đến việc phát huy tốt nguồn lực từ khu vực tư nhân để giải quyết nhu cầu hạ tầng, gia tăng phúc lợi xã hội.
Tại hội thảo, bà Lê Thị Huỳnh Mai - phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM, cho biết từ năm 2000 đến nay có 22 dự án đã hoàn tất ký kết hợp đồng PPP với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 69.869 tỉ đồng. Trong đó có 16 dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, 3 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, 2 dự án thuộc lĩnh vực môi trường và 1 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa.
Bên cạnh đó, TP đang tiếp tục thực hiện 130 dự án (hiện đang ở bước chuẩn bị đầu tư như lập, phê duyệt đề xuất dự án; lập phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đám phán ký kết hợp đồng dự án) với tổng mức đầu tư dự kiến là 380.947 tỉ đồng.
|
NGỌC HIỂN
Tuổi Trẻ
|