Chuyện Công viên 23.9: Tiếp tục 12 năm 'lận đận'!
24 năm. Kể từ khi dự án Trung tâm Văn hóa Thương mại Sài Gòn tại Công viên 23.9 khởi sự, có thể chia làm 2 giai đoạn, nhưng sự kêu gọi đầu tư vào khu vực tuyệt đẹp này rốt cuộc đều dẫn đến bất thành.
*Chuyện Công viên 23.9: Kiện tụng ở trung tâm thành phố
Công viên 23.9 đang bị xẻ nhỏ làm bãi giữ xe, sân khấu, khu mua bán...
Ảnh: Ngọc Dương
|
Và nhờ vậy, nên từ nay người dân có thể thụ hưởng được một khu công viên đúng nghĩa!
Tính từ ngày 24.8.2005, sau khi Văn phòng Chính phủ có công văn gửi các Bộ ngành và UBND TP.HCM truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Khoan đồng ý chuyển đổi công ty liên doanh Vijico thành doanh nghiệp 100% vốn trong nước, thì khu vực Công viên 23.9 đã phải qua 10 năm bỏ lãng phí, nhưng nếu kể từ tháng 3.2007, khi Sở Quy hoạch-Kiến trúc được sự ủy quyền của UBND TP.HCM công bố 10 ô phố tại khu vực trung tâm được quy hoạch thiết kế để kêu gọi đầu tư, Công viên 23.9 lại tiếp tục 12 năm “lận đận".
Bị chia 5 xẻ 7
Sau khi Công viên 23.9 chính thức “trở lại” với phía Việt Nam, trải qua những năm tháng “trơ gan cùng tuế nguyệt”, vào một ngày tháng 3.2007, Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP.HCM tổ chức một buổi họp công bố những vấn đề quan trọng liên quan đến những khu đất vàng tại trung tâm TP.HCM, tất nhiên khu vực Công viên 23.9 cũng không ngoại lệ. Tại buổi công bố này, ông Nguyễn Trọng Hòa, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc cho rằng sức ép đầu tư vào khu vực trung tâm TP.HCM là rất lớn. Ông Hòa cũng thông tin, sở đã phát ra “đầu bài” cho cuộc thi quy hoạch khu đô thị trung tâm TP.HCM với diện tích 930 ha, trong đó có diện tích 20 khu đất vào hạng “đắc địa” nhất, thuộc quận 1 có tổng diện tích trên 50 ha, diện tích khu nhỏ nhất là 2.530 m2 và lớn nhất là khu Ba Son rộng 22 ha. Lãnh đạo Sở Quy hoạch-Kiến trúc cũng cho biết trong số 20 khu đất này, quy hoạch thiết kế 10 ô phố cũng đã được đưa ra để các nhà đầu tư chọn lựa.
Cũng tại buổi làm việc này, thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở Kế hoạch-Đầu tư cho biết đã soạn thảo một bản dự thảo cho việc đấu thầu công khai các dự án tại khu vực trung tâm TP.HCM, và cho biết thêm là “sẽ ban hành trong nay mai”. Điều quan trọng là, vào lúc này lãnh đạo UBND TP.HCM cũng đã có chỉ đạo Sở Kế hoạch-Đầu tư, khi soạn thảo văn bản nói trên bắt buộc phải có một số tiêu chí như sau: “Phải chắt lọc và lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, việc thực hiện 1 dự án không được kéo dài quá 5 năm; các dự án thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn tại khu vực trung tâm hiện hữu không được bố trí căn hộ, hạn chế tối đa căn hộ cho thuê; phải thực hiện tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa khi có nhu cầu. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài phải kèm theo điều kiện có hoạt động tại Việt Nam, có giới thiệu của cơ quan ngoại giao và bảo lãnh của ngân hàng”.
Theo tư liệu người viết còn lưu lại, trong danh sách 10 ô phố được đặc biệt ưu tiên kêu gọi đầu tư, phần diễn giải chức năng trong thiết kế quy hoạch của khu Công viên 23.9 được ghi rõ như sau: “Diện tích 9,46 ha, giới hạn bởi các đường Lê Lai, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi, vòng xoay Quách Thị Trang. Chức năng: Công viên cây xanh, quảng trường, ga xe điện ngầm, trạm điều hành xe buýt và thương mại dịch vụ”. Từ “đầu bài” này của Sở Quy hoạch- Kiến trúc, mà sau đó Công viên 23.9 bị chia năm xẻ bảy do nhiều đơn vị quản lý cho đến ngày nay. Theo đó, khu A là khu vực cây xanh, không có các công trình trên đất do Sở Giao thông vận tải quản lý. Khu B là khu vực trước đây được giao làm dự án Trung tâm Văn hóa Thương mại Sài Gòn bao gồm khu vực cây xanh và các công trình hiện hữu như khu nhà văn phòng cũ của công ty liên doanh Vijico, hiện là văn phòng làm việc của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.HCM và Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương). Một phần của dự án được TP giao Trung tâm tổ chức và biểu diễn điện ảnh TP thuộc Sở Văn hóa-Thể thao liên kết với Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong xây dựng sân khấu biểu diễn nghệ thuật Sen Hồng với diện tích hơn 5.000 m2, 2 căn tin và một phần làm bãi giữ xe. Tiếp sau đó là một công trình ngầm do công ty Cửu Long đầu tư được sự cho phép của UBND TP.HCM và một phần công viên để khai thác tạm thời dịch vụ mua sắm, vui chơi, giải trí cho du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, một phần đất khác của khu vực này cũng được xây dựng trạm thông tin và hỗ trợ khách du lịch do Trung tâm xúc tiến du lịch quản lý…Còn lại toàn bộ khu C rộng 18.433 m2 thì được “cắt” làm bến xe buýt do Sở Giao thông vận tải quản lý từ đó đến nay.
"Suýt" bị biến thành cao ốc chọc trời
Cũng lần theo tư liệu còn để lại, xa hơn trước nữa, vào năm 2004, lúc lãnh đạo TP nhận thấy rằng dự án của liên doanh Vijico có dấu hiệu sụp đổ, liền giao cho Sở Quy hoạch-Kiến trúc lập một tờ trình quy hoạch chi tiết khu vực Công viên 23.9. Tháng 12.2004, Sở Quy hoạch-Kiến trúc đã trình văn bản này lên, nhưng rồi cũng “loay hoay” vì bị dư luận chỉ trích, bởi trong bản đồ án quy hoạch kèm tờ trình, có đề xuất xây dựng một khu trung tâm thương mại cao từ 20-25 tầng. Dư luận, mà đặc biệt là nhiều thành viên Hội Kiến trúc sư TP.HCM kịch liệt chỉ trích bản đồ án này, vì: “nếu cho phép xây dựng công trình cao tầng trong khu vực này sẽ làm phá vỡ cảnh quan khu vực và mất đi khoảng xanh cần thiết trong công viên”.
Thế nhưng, một điều nực cười đã xảy ra, chỉ hơn 1 năm sau, vào tháng 2.2006, dư luận lại một lần nữa ngỡ ngàng và lập tức nổ ra một cuộc chiến giành lại mảng xanh cho Công viên 23.9, vì có nhà đầu tư mới đề xuất xin phép xây dựng một cao ốc 54 tầng tại khu vực 1,2 ha (vị trí theo “đầu bài” của Sở Quy hoạch-Kiến trúc là dành để làm khu trung tâm thương mại), nằm trong khuôn viên Công viên 23.9 theo phương thức “đổi đất lấy hạ tầng”. Và điều đặc biệt là bằng con đường nào đó, đề xuất này lại được UBND. TP xem xét. Nhưng dưới áp lực quá lớn của dư luận, dự án cao tầng này sau đó bị “xếp xó”!
Kể lại tất cả những câu chuyện trên, để thấy rõ một điều: sự “lăm le xâm chiếm” một khu đất ở trung tâm TP đã khiến cho bản thân nó phải “oằn mình” gánh chịu biết bao nhiêu toan tính. Nhưng dù trải qua bao thăng trầm, lận đận nào, thì cho đến bây giờ, khi gần đến ngày G mà UBND TP đương nhiệm quyết định thu hồi, người dân đã có thể an tâm thụ hưởng một khu công viên mát mẻ, thực sự thuộc về mình, như ước vọng bao năm của họ.
Và tôi hy vọng rằng, quyết định thu hồi khu công viên này để trả lại cho người dân, là quyết định cuối cùng!
An Phong
THANH NIÊN
|