Tùy tiện xử lý nhà xây không phép
Nhiều nhà xây trên một sổ đất nhưng chỉ đập một nhà. Câu chuyện xử lý nhà không phép ở Bình Dương có nhiều bất cập, khó hiểu
Hiện cán bộ cơ sở có nhận tiền rồi làm lơ để người dân xây nhà trái phép hay không phải chờ ngành chức năng làm rõ nhưng việc ở Bình Dương mọc lên hàng loạt khu nhà xây dựng không phép, phá nát quy hoạch, dẫn đến tình trạng có nhà mà không có điện, hệ thống thoát nước... là chuyện có thật. Đằng sau câu chuyện này là sự tùy tiện trong xử lý.
Một nhà bị đập, nhiều nhà tồn tại
Gặp phóng viên, ông Lương Văn Hóa (ngụ phường Hòa Lợi, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) liền tuôn ra hàng loạt nghi ngờ khi trên khu đất nông nghiệp mà ông xây nhà không phép có hàng loạt gia chủ khác cùng xây nhưng chỉ riêng nhà ông là bị cưỡng chế tháo dỡ.
Dù có bảng cấm nhưng nhà xây không phép vẫn mọc lên ở phường Hòa Lợi (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương)
Theo ông Hóa, có một người nắm sổ đỏ khu đất rộng hơn 1.700 m2 ở khu phố An Lợi, phường Hòa Lợi. Người này tự ý phân đất ra nhiều lô và bán lại cho nhiều người (phần lớn diện tích đất là đất trồng cây lâu năm, hình thức mua bán là giấy tay); trong đó, ông Hóa mua miếng đất diện tích 106 m2 với giá 640 triệu đồng. Thấy mọi người xây dựng nhà ở đàng hoàng nên ông Hóa cũng xây. Thế nhưng, trong khi các nhà xây trái phép khác yên ổn thì quá trình xây nhà của ông Hóa liên tục bị cán bộ cử lực lượng xuống đập vách. Bất chấp, ông Hóa cho thợ xây lén. Khi nhà hoàn thành phần thô thì nhận được thông tin vào ngày 13-3, lực lượng chức năng phường sẽ cưỡng chế tháo dỡ hoàn toàn nhà ông Hóa.
"Xây dựng không phép bị cưỡng chế là đúng pháp luật. Thế nhưng, ở đây tôi bức xúc là các nhà xây không phép sát vách nhà tôi vẫn tồn tại. Thật khó hiểu, chung một sổ đỏ, hơn 10 nhà đã xây, có nhà xây trước nhà tôi chỉ 2 tháng, giờ họ vào ở rồi còn nhà tôi thì bị đập. Phải chi chính quyền làm nghiêm với các nhà xây không phép trước thì tôi đâu có dại bỏ cả đống tiền ra xây rồi bị đập" - ông Hóa đặt vấn đề.
Giải thích về cách xử lý khó hiểu trên, ông Trần Tấn Hưng, Chủ tịch UBND phường Hòa Lợi, cho rằng khu vực xây dựng không phép trong đó có nhà ông Hóa là khu vực mới được cán bộ phường phát hiện (!?). Về nguyên nhân vì sao để mọc lên nhiều khu phân lô, xây dựng không phép như vậy, ông Hưng nêu nhiều lý do trong đó có "lực lượng mỏng", "thiếu sâu sát"... Nhiều nhà xây không phép, khi phát hiện thì người dân đã vào ở nên khó cưỡng chế (!).
Trong khi đó, vợ chồng anh L. - chị H. lại kể câu chuyện anh chị mua một lô đất nằm trong khu vực phân lô trái phép trên đất nông nghiệp ở Bình Dương, sau đó xây nhà và dọn vào ở mà chẳng hề hấn. Khi được hỏi vì sao dám xây nhà không phép và xây thành công thì anh L. nói: "Mấy ổng đến thì mình biết điều một chút. Mình xây cho nhanh rồi vào ở. Ở rồi thì cứ yên tâm, ai mà đập. Ở lâu thì sẽ được hợp thức hóa, cấp sổ thôi" (!).
Vì đã từng được hợp thức hóa!
Ông Bùi Duy Hiền - Chủ tịch UBND thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương - cho biết ông vừa chỉ đạo các ngành chuyên môn xuống địa bàn làm rõ thông tin về việc tại phường Hòa Lợi vừa mọc thêm nhiều nhà xây không phép kề nhau nhưng chính quyền phường chỉ cưỡng chế, tháo dỡ một nhà. "Nếu kiểm tra mà thấy chính xác thì chúng tôi sẽ thành lập đoàn thanh tra xử lý những trường hợp sai phạm về xây dựng và đất đai. Thứ hai là xem xét xử lý trách nhiệm lãnh đạo địa phương". Ông Hiền cho biết trước đó ở phường này đã tồn tại 14 khu vực phân lô, xây dựng tự phát, một số cán bộ đã bị kỷ luật.
Còn lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương nói: "Tinh thần của tỉnh là tạo điều kiện cho dân. Tuy nhiên, những khu xây dựng trái phép không phù hợp quy hoạch, kế hoạch đã phê thì phải xử lý theo quy định pháp luật, phải tháo dỡ".
Thế nhưng theo tìm hiểu, hiện rất nhiều khu nhà ở xây dựng trái phép, không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở Bình Dương nhưng không bị xử lý tháo dỡ như cơ quan chức năng tuyên bố.
Lý giải chuyện "tréo ngoe" trên, lãnh đạo một thị xã ở Bình Dương cho rằng: "Việc cưỡng chế hàng loạt là không khả thi, người dân vào ở nhiều quá rồi sao tháo dỡ được! Hiện tượng "trên cứng, dưới mềm", không cương quyết từ đầu đã khiến người dân tin rằng cứ xây lụi rồi nhà sẽ được hợp thức hóa. Dẫn đến quy hoạch bị băm nát, nhà cửa, hạ tầng nhiều khu nhếch nhác!".
Vì sao người dân tin rằng xây không phép rồi sẽ được hợp thức hóa? Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2017, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường ra văn bản hướng dẫn xử lý những nhà xây không phép trước tháng 1-2014. Theo đó, những khu nhà xây không phép nhưng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc phù hợp với quy hoạch phân khu chức năng đã được phê duyệt thì tiến hành xử phạt, chỉnh trang và cấp sổ đỏ cho dân. Đối với những nhà xây không phép, trái phép ở khu vực không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt thì UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phạt, cưỡng chế, tháo dỡ.
TP Vũng Tàu còn nhiều điểm nóng
Tình trạng xây dựng không phép, trái phép trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là vấn đề nhức nhối từ nhiều năm qua.
Trong khoảng thời gian từ năm 2013-2015, tình trạng này diễn ra ồ ạt, một phần do sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương, để hình thành nên những con hẻm xây trái phép. Gần đây, cơ quan chức năng của tỉnh và chính quyền các địa phương đã tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Nhờ đó, số vụ vi phạm có giảm nhưng tình trạng xây dựng không phép, trái phép vẫn tái diễn với nhiều "điểm nóng" chưa được xử lý triệt để, trong đó nhiều nhất là ở TP Vũng Tàu.
Trong năm 2018, TP Vũng Tàu đã xử lý hơn 200 trường hợp xây dựng trái phép, trong đó nhiều trường hợp đã nộp phạt, tự giác tháo dỡ nhưng cũng có nhiều trường hợp vi phạm chưa chịu tháo dỡ, buộc địa phương phải cưỡng chế. Đặc biệt, trong 2 năm 2017-2018, TP Vũng Tàu đã xem xét kỷ luật 85 cán bộ, công chức các đơn vị, phường, xã thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra xây dựng trái phép hoặc không xử lý triệt để công trình xây dựng trái phép.
N.Giang
|
Bài và ảnh: NHƯ PHÚ
Người Lao động
|