Thứ Hai, 18/03/2019 07:18

'Cởi trói' Đà Nẵng, tạo động lực cả khu vực

Nghị quyết về xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (NQ 43) của Bộ Chính trị mới ban hành được kỳ vọng sẽ “cởi trói” cho TP.Đà Nẵng phát triển, vươn lên đẳng cấp châu Á.

Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ trở thành thành phố đẳng cấp ở khu vực châu Á. ẢNH: HOÀNG SƠN

Tốc độ tăng trưởng trên 12%/năm

 

"Xây dựng và phát triển Đà Nẵng không chỉ riêng cho Đà Nẵng mà còn tạo ra động lực và sự lan tỏa cho cả vùng."

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư

 

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư, NQ 43 là một NQ hết sức quan trọng, vạch ra chủ trương, đường lối cho phát triển TP.Đà Nẵng trong 10 năm tới và các năm tiếp theo sau 15 năm thực hiện NQ 33 về xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo đó, để phát triển Đà Nẵng phải xuất phát trên cơ sở phân tích, nhận định, đánh giá đầy đủ các lợi thế so sánh của TP. “Chúng ta phải thấy Đà Nẵng sẽ là trung tâm phát triển của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Vì thế, xây dựng và phát triển Đà Nẵng không chỉ riêng cho Đà Nẵng mà còn tạo ra động lực và sự lan tỏa cho cả vùng”, ông Bình nhận định.

Xác định như vậy, T.Ư đã đặt ra 3 trụ cột lớn cho phát triển Đà Nẵng trong thời gian tới. Về du lịch, phát triển Đà Nẵng thành một trong những trung tâm du lịch của quốc tế. Về công nghiệp, tập trung phát triển Đà Nẵng theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp thông minh. Về dịch vụ, có lợi thế rất lớn về địa kinh tế và một cảng biển hết sức quan trọng, do vậy phải phát triển kinh tế dịch vụ cảng theo hướng tăng cường hoạt động về logistics. Mục tiêu đến năm 2030, xây dựng Đà Nẵng trở thành một TP thông minh, sinh thái, một TP đáng sống. Tầm cỡ của Đà Nẵng không phải một TP hàng đầu của cả nước mà còn là một TP hàng đầu của khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2045, trở thành một trong những TP hàng đầu của châu Á...

Ông Võ Công Trí, Phó bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng, cho rằng để đạt được mục tiêu đề ra, NQ xác định tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 phải trên 12%/năm. Đây là tốc độ tăng trưởng rất cao so với thực tế hiện nay nhưng cũng thể hiện khát vọng tăng trưởng nhanh của TP và kỳ vọng rất lớn của T.Ư về việc thực hiện vai trò động lực, có sức lan tỏa của TP đối với khu vực. Theo ông Trí, NQ 43 có nhiều điểm mới so với NQ 33 trước đây với chính sách ưu tiên nguồn lực, chú trọng phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn. “Với những mục tiêu quan trọng này, Bộ Chính trị đã thống nhất cao, đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để “cởi trói”, xây dựng và phát triển Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây nguyên và cả nước”, ông Trí đánh giá.

Định hướng chuẩn tạo sức bật cho Đà Nẵng

 

"“Với việc Bộ Chính trị ban hành NQ 43, tạo điều kiện để Đà Nẵng đổi mới về cơ chế xây dựng mô hình quản trị có hiệu quả của môi trường đô thị và tinh thần của NQ là tạo một luồng gió mới, một niềm tin phù hợp với khát vọng của người dân để phát triển xây dựng TP.Đà Nẵng. Tôi cho rằng NQ tạo một cơ sở, quan điểm, chỉ đạo cũng như định hướng để Đà Nẵng mạnh dạn triển khai...”."

TS.Trần Du Lịch ,thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ

Phó bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng cho biết, các cơ chế, chính sách đặc thù tập trung vào 3 lĩnh vực chính. Thứ nhất là phân cấp, phân quyền mạnh hơn gắn với trách nhiệm địa phương, có cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Thứ hai, thực hiện thí điểm xây dựng mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất tại Đà Nẵng theo hướng tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế. Thứ ba, xây dựng và thực hiện đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của TP và quy định của pháp luật.

“Những cơ chế này tuy vừa mới, vừa phức tạp nhưng lại rất cần thiết cho sự phát triển của TP.Đà Nẵng, tạo động lực mới, khơi dậy các tiềm năng của TP; đồng thời huy động được tối đa các nguồn lực để giúp Đà Nẵng phát triển vượt bậc trong thời gian tới, ngang tầm với các TP lớn của khu vực Đông Nam Á và châu Á”, ông Trí nhận định.

Theo ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, cơ chế đặc thù dành riêng cho địa phương thường là nội dung được chờ đợi nhất trong các NQ như NQ 33 cách đây 15 năm, hoặc như NQ 43 hiện tại. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người dân Đà Nẵng đã... nôn nóng tìm đọc phần cơ chế, chính sách đặc thù trong NQ 43 và phấn khởi khi thấy NQ nêu rõ “Bộ Chính trị đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng...”.

“Cơ chế này thuộc nhóm việc “mới, phức tạp nhưng cấp thiết” để làm thí điểm. Tôi nghĩ Đà Nẵng hoàn toàn có đủ điều kiện để thí điểm thực hiện thành công cơ chế này. Tôi cũng rất tâm đắc khi NQ 43 yêu cầu sự vào cuộc cụ thể của các cơ quan T.Ư”, ông Tiếng nói.

PGS-TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định, với NQ 43, Bộ Chính trị đã xác định đúng vị thế của Đà Nẵng trong phát triển miền Trung - Tây nguyên cũng như của cả nước. “Xác định đúng cái thế bay lên cách nào, hướng nào... để Đà Nẵng trở thành nổi bật. Định hướng này tôi cho là cực kỳ chuẩn”, ông Thiên nhận xét và nói thêm rằng mục tiêu đặt ra cho Đà Nẵng trong NQ 43 mang tính cam kết rõ ràng. Ví dụ như đóng góp GDP của Đà Nẵng cho quốc gia tăng lên gấp đôi. NQ 43 cho Đà Nẵng lần này có giải pháp rõ ràng hơn với giải pháp xoay quanh câu chuyện TP trở thành trung tâm phát triển vùng theo cái tầm hội nhập quốc tế và đô thị biển du lịch.

Hoàng Sơn

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Bà Tư Hường để lại những tài sản gì cho gia đình? (17/03/2019)

>   Xuất khẩu điện thoại sang Israel tăng đột biến (17/03/2019)

>   Dự án tỷ đô sa lầy của PVN ở Venezuela (16/03/2019)

>   Tiết kiệm chi phí chính thức, chi phí 'lót tay' từ chữ ký số (16/03/2019)

>   Facebook đối diện những ngày tồi tệ nhất lịch sử (16/03/2019)

>   Bà Rịa-Vũng Tàu đầu tư 1.500 tỷ đồng xây hai dự án điện Mặt Trời (16/03/2019)

>   Cấp bách 'giải cứu' Tân Sơn Nhất (16/03/2019)

>   Đề xuất bổ sung xe ô tô thân thiện môi trường được ưu đãi thuế (15/03/2019)

>   Xuất khẩu kỷ lục, xi măng bị áp dụng biện pháp tự vệ (15/03/2019)

>   Ngành tôm đặt mục tiêu xuất khẩu 4,2 tỷ USD năm 2019 (15/03/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật