Bà Rịa-Vũng Tàu đầu tư 1.500 tỷ đồng xây hai dự án điện Mặt Trời
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu khi khi thiết kế và thi công công trình điện Mặt Trời, dự án không được làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và kết cấu của lòng hồ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
|
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa ban hành hai quyết định chấp thuận chủ trương cho hai công ty tại Thành phố Hồ Chí Minh được triển khai dự án xây dựng nhà máy điện Mặt Trời tại hai khu vực hồ thủy lợi là hồ Gia Hoét 1 và hồ Tầm Bó (đều thuộc xã Quảng Thành, huyện Châu Đức). Tổng mức đầu tư cả hai dự án là hơn 1500 tỷ đồng.
Cụ thể, tỉnh chấp thuận cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển Năng lượng đầu tư dự án Nhà máy điện Mặt Trời hồ Tầm Bó tại hồ Tầm Bó. Diện tích sử dụng hồ dự kiến khoảng 41,38ha với tổng vốn đầu tư hơn 796 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 49 năm.
Dự án có công suất thiết kế dự kiến 35 MWp, sản lượng điện sản xuất bình quân năm khoảng 52.123 MWh/năm.
Tỉnh yêu cầu chủ đầu tư khi xây dựng, phải liên hệ với huyện để chọn phương án có hình thức kiến trúc phù hợp đáp ứng tính thẩm mỹ cho cảnh quan Khu trung tâm đô thị Kim Long.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đồng ý cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Năng lượng Tự nhiên DTD đầu tư dự án Nhà máy điện Mặt Trời hồ Gia Hoét 1 tại khu vực hồ Gia Hoét 1.
Diện tích sử dụng hồ dự kiến khoảng 40ha với tổng vốn đầu tư khoảng 766 tỷ đồng. Thời gian hoạt động là 49 năm.
Dự án có công suất thiết kế dự kiến 35 MWp, gồm các công trình xây dựng trạm biến áp nâng áp 22/110kV điện Mặt Trời Hồ Gia Hoét 1, công suất 50 MVA tại Nhà máy điện Mặt Trời Hồ Gia Hoét 1; xây dựng mới đường đây 110kV mạch đơn, tiết diện 185 mm2, từ trạm biến áp 22/110kV điện Mặt Trời Hồ Gia Hoét 1 đến thanh cái 110kV Trạm biến áp nâng áp 22/110kV điện Mặt Trời hồ Tầm Bó, chiều dài tuyến đường dây khoảng 2km.
Tỉnh yêu cầu chủ đầu tư hai dự án liên hệ các cơ quan chức năng để được hướng dẫn hoàn tất các thủ tục theo quy định; thực hiện đầy đủ, đảm bảo các nội dung theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định, có phương án khắc phục môi trường trong trường hợp xảy ra sự cố.
Đặc biệt, khi thiết kế và thi công công trình, dự án không được làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và kết cấu của lòng hồ.
Trong quá trình hoạt động, nếu xảy ra ô nhiễm chất lượng nước lòng hồ và môi trường cảnh quan khu vực, chủ đầu tư phải dừng hoạt động, đảm bảo an toàn hồ đập./.
Huỳnh Sơn
VIETNAM+
|