Brexit ngày càng chìm trong bế tắc khi Quốc hội Anh không tìm được tiếng nói chung
Nước Anh lại có thêm một ngày đầy kịch tính về tiến trình Brexit, khi Thủ tướng Anh Theresa May đưa ra lời hứa sẽ từ chức nếu Quốc hội Anh ủng hộ bản thỏa thuận của bà, nhưng cuối cùng kế hoạch để Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vẫn không có tiến triển.
Ngày thứ Tư (27/03), các thành viên Quốc hội Anh đã bỏ phiếu cho 8 phương án lựa chọn về chiến lược Brexit mới – trong đó có một phương án dựa trên mối quan hệ giữa Na Uy - EU và một đề xuất tổ chức cuộc trưng cầu dân ý mới – nhưng Quốc hội đã bác bỏ từng cái một.
Chính phủ Anh lập tức tuyên bố rằng đó chính là bằng chứng cho thấy bản thỏa thuận của Thủ tướng May dù đã bị từ chối hai lần với những phiếu bầu áp đảo của Hạ Viện nhưng lại là bản thỏa thuận duy nhất có thể được xem xét. Dù vậy, bản thỏa thuận của bà May có vẻ cũng sẽ thất bại.
Những động thái mới này của Quốc hội được thực hiện sau khi Thủ tướng May thông báo tại một cuộc họp kín của Đảng Bảo thủ rằng bà sẽ nhường chỗ cho một nhà lãnh đạo mới, nhưng chỉ khi nào những đồng nghiệp ngưng phản đối bản thỏa thuận Brexit của bà và bỏ phiếu thông qua nó.
Thủ tướng Anh Theresa May.
|
Canh bạc đầy tuyệt vọng của Thủ tướng May có vẻ đã có hiệu quả bước đầu, khi có nhiều thành viên ủng hộ Brexit trong Đảng Bảo thủ – có cả Boris Johnson và Duncan Smith – bày tỏ ý định ủng hộ cho bản thỏa thuận “ly hôn” của bà, dựa theo nguồn tin thân cận.
Nhưng Đảng Liên minh Dân chủ, một nhóm nhỏ ở Bắc Ireland ủng hộ cho Chính quyền thiểu số của Thủ tướng May, cho biết họ sẽ phản đối bản thỏa thuận nếu như trong đó có điều kiện đi kèm là một cuộc bỏ phiếu khác của Quốc hội. Bản thỏa thuận của Thủ tướng May hầu như không thể được thông qua nếu như không có họ.
Ngay cả trong trường hợp bản thỏa thuận của bà vẫn không được chấp nhận, Thủ tướng May đã hứa với các đồng nghiệp rằng bà vẫn sẽ từ chức.
“Tôi đã sẵn sàng từ bỏ chức vụ này sớm hơn dự định để có thể làm được những điều đúng đắn cho đất nước và cho Đảng của chúng ta”, Thủ tướng May nói với các Nghị sĩ thuộc Đảng Bảo thủ trong một cuộc họp kín tại một căn phòng của Quốc hội.
“Tôi yêu cầu mọi người có mặt trong căn phòng này ủng hộ cho bản thỏa thuận của tôi, như vậy chúng ta có thể hoàn thành nghĩa vụ lịch sử của mình – truyền tải quyết định của người dân Anh và rời khỏi EU một cách êm thấm và có trật tự”, bà ngậm ngùi cho biết.
Những người có mặt trong phòng họp cho biết, Thủ tướng May đã đưa ra cam kết từ chức như một nỗ lực để thuyết phục những thành viên Đảng Bảo thủ bỏ phiếu thông qua bản thỏa thuận của bà trước khi quá muộn. EU đã cho Anh hạn chót vào ngày thứ Sáu (29/03) để phê chuẩn thỏa thuận “ly hôn”, để Anh có thể rời khỏi khối liên minh này vào ngày 22/05/2019, muộn hơn dự kiến trước đó.
Nếu Thủ tướng May không thể khiến Hạ Viện chấp nhận bỏ phiếu thông qua bản thỏa thuận của bà vào ngày thứ Sáu (29/03), nước Anh sẽ bắt buộc phải chọn giữa việc bị trì hoãn Brexit một thời gian dài và việc Brexit không thỏa thuận vào ngày 12/04/2019.
Kịch bản Brexit không thỏa thuận được dự báo sẽ khiến nền kinh tế Anh lao dốc, làm ảnh hưởng đến giá đồng Bảng Anh, làm gián đoạn nguồn cung hàng hóa và gây ra đợt sụt giảm lớn về giá nhà ở, dựa trên một bài phân tích được công bố chính thức. Thỏa thuận “ly hôn” của Thủ tướng May đã bị Quốc hội từ chối hai lần – nhưng dường như cũng chẳng mấy ai ủng hộ cho ý tưởng Brexit không thỏa thuận.
Điều này cho thấy kết quả cuối cùng rất có thể sẽ là những cuộc đàm phán với sự căng thẳng kéo dài, nhiều khả năng sẽ kéo dài hơn một năm, đó là khoảng thời gian làm tăng nỗi lo sợ của những người ủng hộ Brexit khi giấc mơ rời khỏi EU của họ có thể bị tạm ngưng.
Sau khi Quốc hội đoạt được quyền kiểm soát quá trình Brexit từ tay Chính phủ để tổ chức hàng loạt cuộc bỏ phiếu cho những mô hình Kế hoạch Brexit B khác nhau, kết quả là điều mà nhiều người đã đoán được từ trước: Các chính trị gia từ chối tất cả các mô hình kế hoạch B.
Đề xuất duy trì Liên minh thuế quan giữa Anh và EU đã thất bại vì không đủ phiếu ủng hộ. Kế hoạch đưa thỏa thuận Brexit vào một cuộc trưng cầu dân ý nhận được nhiều sự ủng hộ, nhưng vẫn nhận lấy thất bại vì không đủ số phiếu. Cả hai đề xuất này đều có lượng ủng hộ nhiều hơn so với 242 phiếu bầu cho đề xuất thỏa thuận của Thủ tướng May trong lần bỏ phiếu trước.
Hiện, Thủ tướng May nên quyết định liệu có nên tổ chức thêm một cuộc bỏ phiếu nữa cho bản thỏa thuận của bà vào cuối tuần này hay không. Và nếu như câu trả lời là không, Hạ Viện sẽ tổ chức thêm một vòng bỏ phiếu mới để lựa chọn giữa những Kế hoạch B, nhằm thu hẹp số phương án lựa chọn.
Trân Võ (Theo Bloomberg)
Fili
|