Thứ Ba, 19/02/2019 10:00

Kỳ 1

Vì sao phải có GMD trong tài khoản?

GMD là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành cảng biển và logistics đầy tiềm năng ở Việt Nam. Cổ phiếu của doanh nghiệp này đang hấp dẫn trong con mắt của giới đầu tư tài chính.

Chứng khoán Cơ bản – Định hướng đúng đắn, Đầu tư thành công

Phân tích Kỹ thuật ứng dụng – Học để nắm bắt xu hướng thị trường

Triển vọng ngành khả quan

Điều kiện vĩ mô thuận lợi cho hoạt động logistics. Tổng giá trị logistics của Việt Nam chiếm 20%-25% GDP. Ngành này đã tăng trưởng với tốc độ khoảng 16%-20% trong những năm qua và dự kiến sẽ tiếp tục phát triển tốt trong thời gian tới vì hai lý do chính:

Thứ nhất, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài với thị trường phát triển nhanh cùng cơ cấu dân số trẻ. Hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam tăng trưởng mạnh trong quá trình hội nhập và mở cửa nền kinh tế.

Thứ hai, Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm sản xuất hàng hóa của khu vực ASEAN nói riêng và châu Á nói chung. Điều này cũng giúp cho nhu cầu về logistics tăng lên nhanh chóng.

Dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam giai đoạn 2014-2018 (triệu USD)

Nguồn: VietstockFinance

Lĩnh vực khai thác cảng biển còn nhiều tiềm năng. Theo Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2018, hệ thống cảng biển Việt Nam đã có được sự tăng trưởng tích cực với tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt gần 597 triệu tấn; lượng hàng container qua cảng đạt xấp xỉ 17.7 triệu TEU, tăng lần lượt 11% và 20% so với năm 2017. Công suất của cảng được khai thác tới 95%-98%.

Như vậy, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR - Compounded Annual Growth Rate) của giai đoạn 2010-2018 ở mức 11%. Cục Hàng hải đã đặt mục tiêu năm 2019, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam tiếp tục tăng mạnh và đạt khoảng 640 triệu tấn (tăng 7.2%).

Nguồn: Cục Hàng hải Việt Nam và Bản tin Logistics của GMD

Nền tảng kinh doanh rất vững chắc

Doanh nghiệp có truyền thống lâu đời trong ngành. Gemadept (HOSE: GMD) được thành lập vào năm 1990 và là một trong ba công ty đầu tiên được Chính phủ chọn thí điểm cổ phần hóa vào năm 1993. Năm 2002, Gemadept chính thức được niêm yết trên HOSE.

Sau hơn 28 năm hình thành và phát triển, Gemadept là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu các lĩnh vực như khai thác cảng và logistics tại thị trường Việt Nam.

Hệ thống logistics hoàn chỉnh giúp doanh nghiệp được đánh giá cao. Xét theo mức vốn hóa thị trường thì GMD đang là doanh nghiệp dẫn đầu cả ở nhóm vận tải biển cũng như cảng biển. GMD có lợi thế rất lớn khi có thể cung cấp tất cả các dịch vụ liên quan đến chuỗi logistics khép kín nhờ hệ thống các tài sản đa dạng đang sở hữu:

- Đội xe vận chuyển nội địa và hệ thống kho bãi tập kết hàng hóa.

- Hệ thống cảng biển và cảng hàng không.

- Đội tàu vận chuyển nội địa/ven biển và quốc tế.

- Các trung tâm quản lý và phân phối hàng hóa.

So sánh các doanh nghiệp vận tải biển và cảng biển

Nguồn: VietstockFinance

Doanh thu 2018 giảm mạnh nhưng không đáng lo ngại

Trong chuỗi giá trị ngành logistics (tham khảo hình bên dưới) thì lĩnh vực kinh doanh cảng biển được đánh giá mang lại tỷ suất sinh lời cao nhất và ít gặp cạnh tranh từ các đối thủ đáng gờm đến từ nước ngoài như Nippon Express, CJ Logistics, Sinotrans... Theo quan điểm của người viết, đây là một trong những lý do chính thúc đẩy GMD ngày càng tập trung mạnh vào mảng này.

Chuỗi giá trị ngành Logistics

 

Đối với nhiều doanh nghiệp, doanh thu giảm hơn 30% là một vấn đề đáng báo động. Tuy nhiên, điều này không đúng với GMD. Công ty đã đẩy mạnh việc tái cơ cấu doanh nghiệp khi giảm dần mảng logistics và vận tải có tỷ suất sinh lời thấp để tập trung vào cảng biển. Cụ thể, GMD đã chuyển nhượng 51% vốn tại Công ty TNHH CJ - Gemadept Logistics Holding, 49% vốn tại Công ty TNHH CJ - Gemadept Shipping Holding và 51% vốn tại CTCP Tiếp vận và Cảng quốc tế Hoa Sen - Gemadept.

Hoạt động trên khiến doanh thu của Công ty trong năm 2018 giảm mạnh và chỉ bằng 67.4% so với năm 2017. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp chỉ giảm một chút từ 1,029 tỷ đồng xuống mức 966 tỷ đồng. Đây là một sự thay đổi về chất từ phát triển chiều rộng chuyển sang chiều sâu. Trong cơ cấu doanh thu, khai thác cảng biển tăng trưởng từ 36.4% vào năm 2014 lên 85.7% trong năm 2018.

Xét về mặt chiến lược dài hạn, điều này tốt cho các cổ đông GMD. Việc công ty tập trung vào mảng kinh doanh cảng biển có tỷ suất sinh lời cao sẽ giúp định giá của cổ phiếu GMD trở nên hấp dẫn hơn.

Nguồn: Báo cáo thường niên GMD và VietstockFinance

Tiềm năng tăng trưởng và triển vọng dài hạn

Với vị trí nằm ngay cạnh biển Đông, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển ngành khai thác cảng. Khu vực cảng biển phía Bắc của Việt Nam là cửa ngõ kết nối tiếp giáp với các quốc gia Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong khi đó, khu vực cảng biển miền Nam có vị trí kết nối các nước châu Á trên tuyến vận tải quốc tế đi các châu lục khác. Tại cả miền Nam và miền Bắc, GMD phát triển những hạng mục mang tính chiến lược lâu dài.

GMD có hệ thống cảng trải dài từ Bắc đến Nam và vẫn còn dư địa mở rộng các cảng mới. Hiện tại, doanh nghiệp đang vận hành 5 cảng biển và 2 cảng cạn với tổng công suất khai thác lên đến 2.5 triệu TEU/năm.

Các cảng biển gồm có cảng Nam Hải, cảng Nam Hải-Đình Vũ, cảng Nam Đình Vũ, cảng Dung Quất và cảng Germalink.

Các cảng cạn (ICD - Inland Container Depot) gồm có cảng Phước Long PIP và cảng Nam Hải ICD.

Dự báo trong vòng 5 năm tới, tổng công suất các cảng của GMD sẽ vượt mức 4 triệu TEU/năm. Những hạng mục như cảng Nam Đình Vũ (diện tích 65 ha), Gemalink (diện tích 72 ha) có thể coi là những điểm nhấn chủ yếu. Điểm chung của những cảng này là diện tích lớn, vị trí tốt và năng lực tiếp nhận tàu rất cao.

Dự án Cảng Nam Đình Vũ. Toàn bộ dự án có quy mô 7 bến cảng container trên tổng diện tích 65 ha, chiều dài cầu tàu 1.5 km. Với mớn nước sâu và vũng quay tàu rộng, cảng cho phép tiếp nhận cỡ tàu lên đến 40,000 DWT, công suất gần 2 triệu TEU/năm.

Cảng Nam Đình Vũ nằm trong khu phi thuế quan và khu công nghiệp Nam Đình Vũ - đầu mối vận tải hàng hóa thương mại quốc tế và nội địa quan trọng bậc nhất của toàn miền Bắc. Cảng Nam Đình Vũ là cửa ngõ thông ra biển gần nhất so với các cảng khác tại khu vực Hải Phòng, nằm trên cùng trục giao thông - liên thông với cảng Nam Hải-Đình Vũ (cách 3 km), cảng Nam Hải ICD (cách 3.5 km) và cảng Nam Hải (cách 10 km).

Việc xây dựng giai đoạn 2 và giai đoạn 3 trong những năm tới sẽ giúp củng cố thị phần của GMD ở khu vực miền Bắc Việt Nam.

Vị trí của Cảng Nam Đình Vũ. Nguồn: Bản tin Logistics của GMD

Dự án Cảng nước sâu Gemalink. Cảng Gemalink là cảng có quy mô lớn nhất trong cụm cảng Cái Mép - Thị Vải nói riêng và cảng nước sâu container lớn nhất khu vực miền Nam nói chung. Gemalink có lợi thế cạnh tranh quan trọng so với các cảng khác:

Thứ nhất, vị trí cảng vô cùng đắc địa (tham khảo thêm hình bên dưới). Gemalink nằm ngay cửa sông với mớn nước sâu nhất và rất thuận tiện cho việc quay trở tàu.

Nguồn: Sở Công Thương, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Thứ hai, Gemalink là cảng duy nhất tại Việt Nam có khả năng tiếp nhận các tàu lớn nhất thế giới với trọng tải có thể lên đến 200,000 DWT.

Thứ ba, Gemalink là cảng có cầu bến chính dài nhất và duy nhất tại khu vực Cái Mép-Thị Vải và có bến chuyên dụng cho tàu feeder kết nối khu vực TP.HCM và ÐBSCL.

Dự kiến sau khi hoàn thành giai đoạn 1, Gemalink sẽ có cầu bến chính dài 800 m cho tàu mẹ và bến tàu feeder dài 260 m trên diện tích kho bãi 33 ha. Khả năng xếp dỡ của cảng trong giai đoạn 1 là 1.2 triệu TEU/năm. Khi hoàn thành giai đoạn 2, diện tích kho bãi của cảng sẽ tăng lên 72 ha với tổng chiều dài cầu bến chính là 1,150 m và bến tàu feeder là 370 m. Công suất khi đó sẽ đạt 2.4 triệu TEU/năm.

Kết luận

Sự dịch chuyển chiến lược tập trung vào mảng khai thác cảng biển có lợi nhuận cao được giới phân tích đánh giá tích cực. GMD là một trong những cổ phiếu đáng quan tâm nhất trong năm 2019.

Tuy nhiên, việc định giá GMD cũng khá phức tạp. Vì vậy, vấn đề hiện tại là xác định mức giá hợp lý và thiết lập chiến lược đầu tư hiệu quả cho cổ phiếu này.

Đón đọc:

Kỳ 2: Nhà đầu tư nên canh mua GMD với giá bao nhiêu?

Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock

FiLi

Các tin tức khác

>   KBC - Mua được chưa? (22/01/2019)

>   KBC - Đắt hay rẻ? (09/01/2019)

>   Chuỗi giá trị khép kín có là lợi thế của CTI? (04/01/2019)

>   HBC - Triển vọng trong những năm tới khá lạc quan (28/12/2018)

>   PGV - Tăng trưởng cùng ngành điện Việt Nam (18/12/2018)

>   HTI - An toàn nhưng không quá hấp dẫn (25/12/2018)

>   MIG - Ngôi sao của ngành Bảo hiểm Phi nhân thọ (21/12/2018)

>   BCE - Rủi ro thấp nhưng kết quả kinh doanh khó đột biến (17/12/2018)

>   AAA – Dẫn đầu xu hướng mới trong ngành nhựa (10/12/2018)

>   BCE - Nhỏ mà chất? (06/12/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật