HBC - Triển vọng trong những năm tới khá lạc quan Dù thị trường bất động sản đã bớt nóng nhưng các số liệu thống kê và dự báo cho thấy ngành xây dựng vẫn sẽ tăng trưởng tốt. Điều này giúp cho triển vọng các cổ phiếu trong ngành nói chung và CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) nói riêng khá tích cực. Dữ liệu tài chính đầy đủ của HBC Đồ thị phân tích kỹ thuật của HBC Ngành xây dựng tăng trưởng tốt Ngành xây dựng liên tục tăng trưởng mạnh trong suốt nhiều năm qua. Trong giai đoạn 2012-2017, tốc độ tăng trưởng của ngành này luôn cao hơn khá nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam. Theo dự báo của BMI (Business Monitor International), ngành xây dựng sẽ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7.6% trong giai đoạn 2018-2025. Riêng năm 2018, ngành này có thể tăng trưởng khoảng 8.5%. Điều này chứng tỏ triển vọng ngành là rất tốt. CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành xây dựng. Đặc biệt, HBC đã nhận được giao thầu từ Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC) cho 3 dự án mới là VinCity Ocean Park (Gia Lâm), VinCity Sportia (Tây Mỗ) và Vinhomes Westpoint (Từ Liêm) với tổng giá trị ước tính gần 3,900 tỷ đồng vào cuối năm 2018. Việc hợp tác với Vingorup, một trong những tập đoàn uy tín và lớn mạnh nhất tại Việt Nam trên thị trường bất động sản, sẽ giúp đẳng cấp của HBC được nâng lên một tầm cao mới. Vì vậy, triển vọng trong những năm tới của HBC là khá lạc quan bất chấp sự giảm tốc của thị trường bất động sản. Tăng trưởng GDP và ngành xây dựng giai đoạn 2012-2017 Nguồn: Tổng cục Thống kê và VietstockFinance Tình hình tài chính của HBC có rủi ro hay không? Đây là vấn đề được giới phân tích đầu tư tranh cãi khá kịch liệt với nhiều ý kiến trái chiều trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, các lập luận định tính chủ quan hoặc phân tích các chỉ số tài chính riêng lẻ thường không mang tính thuyết phục cao. Vì vậy, việc kiểm chứng bằng các mô hình định lượng sẽ phát huy tác dụng trong trường hợp này. Các mô hình như F-Score, M-Score, H-Score… được các chuyên gia và giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực kế toán tài chính xây dựng từ rất nhiều chỉ số, nhân tố nên kết quả của chúng có độ tin cậy cao. Thông tin và giải thích chi tiết về mô hình F-Score và M-Score Thông tin và giải thích chi tiết về mô hình H-Score Mô hình Dechow F-Score. Được Giáo sư Patricia Dechow và Giáo sư Richard Sloan tại Đại học California giới thiệu vào năm 2011. Theo Giáo sư Dechow, F-Score nên nhỏ hơn mức 1. F-Score của HBC ở mức -4.933470098. Nguồn: VietstockFinance Mô hình Beneish M-Score. Giáo sư Messod Daniel Beneish sử dụng M-Score từ năm 1999 để test báo cáo tài chính của các công ty niêm yết. Giáo sư Beneish cho rằng M-Score nên duy trì dưới -1.78. Giá trị M-Score của HBC hiện đang ở mức -1.860409525. Nguồn: VietstockFinance Mô hình Fulmer H-Score. Mô hình này được Giáo sư John G. Fulmer của công bố năm 1984. Chỉ số H-Score được áp dụng khá hiệu quả ở phương Tây cũng như các quốc gia châu Á. Theo Giáo sư Fulmer, H-Score nên cao hơn mức 0. Giá trị H-Score của HBC hiện đang ở mức 4.803045772. Nguồn: VietstockFinance Kết quả test của các mô hình F-Score, M-Score, H-Score cho thấy HBC tạm thời không có rủi ro quá lớn về tài chính trong ngắn hạn. Chiến lược đầu tư Khối lượng giao dịch của HBC trong thời gian gần đây đã có sự cải thiện đáng kể. Trong giai đoạn tháng 10/2018-tháng 11/2018, khối lượng chủ yếu duy trì dưới đường trung bình 20 phiên (MA 20 ngày). Tuy nhiên, trong tháng 12/2018, tình hình đã có sự chuyển biến rõ nét và khối lượng vượt lên trên MA 20 ngày. Điều này chứng tỏ dòng tiền đang quay trở lại HBC khi giá cổ phiếu đã về mức hợp lý. Chỉ báo MACD cũng đang chuẩn bị hình thành phân kỳ giá lên. Nếu tín hiệu này xuất hiện trong thời gian tới thì triển vọng của HBC sẽ rất tích cực. Vùng 15,000-17,000 được đánh giá là rất mạnh khi có sự hội tụ của trendline trung hạn và ngưỡng Fibonacci Projection 100%. Việc mua vào khi giá cổ phiếu HBC dịch chuyển về gần vùng này được giới phân tích kỹ thuật ủng hộ. Nguồn: VietstockUpdater Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock FiLi
|