Thứ Ba, 19/02/2019 09:10

Sàn thương mại điện tử như... chợ trời!

Các sàn thương mại điện tử và các nhà bán hàng chưa bị quy trách nhiệm hay xử phạt thích đáng khi vi phạm, nên thường chấp nhận chịu phạt để kiếm lợi nhuận.

Hiện tượng sàn thương mại điện tử (TMĐT) Lazada.vn bán thiết bị, linh kiện lắp ráp thành súng có thể gây sát thương không phải là cá biệt. Một số sàn khác còn rao bán cung tên, các phụ kiện dành cho súng (như chân đế giữ súng trường, bao da súng lục), đồ chơi gây ảnh hưởng đến tâm lý và nhân cách trẻ em, sản phẩm kích dục…

Xử phạt Lazada thế nào?

Với vụ việc rao bán sản phẩm trái phép của Lazada.vn, ngày 18-2, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương, cho biết cục đang phối hợp với cơ quan công an để tiến hành các bước xác định sản phẩm nêu trên có phải là vũ khí và có vi phạm luật hình sự không. "Chúng tôi cũng đã thực hiện trách nhiệm cảnh báo tới Lazada và yêu cầu rà soát lại toàn bộ hàng hóa. Chủ sàn TMĐT phải có trách nhiệm chung trong việc này; phải ngăn chặn, tháo gỡ sản phẩm và có hình thức xử lý đơn vị bán hàng. Còn về kiểm soát vi phạm về hàng hóa nói chung, cần trách nhiệm của cả cơ quan QLTT, công an… để xử lý từ gốc" - ông Hải cho hay.

Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh nói trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định hàng hóa, vật phẩm do Lazada bán là vũ khí hoặc các chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí sẽ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép… có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ Luật Hình sự hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Tổ chức, cá nhân khác tham gia hoạt động TMĐT, kể cả thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT nếu có vi phạm cũng sẽ bị xử lý nghiêm.

Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, trách nhiệm của sàn TMĐT là kiểm tra, giám sát để bảo đảm việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn giao dịch được chính xác, đầy đủ; hỗ trợ cơ quan quản lý điều tra các hành vi vi phạm pháp luật. Trong trường hợp nhận được phản ánh về việc trên website có bán hàng giả, nhái, nhập lậu, dịch vụ vi phạm pháp luật, chủ sàn phải loại bỏ khỏi website những sản phẩm bị phản ánh hoặc có chế tài cụ thể để xử lý đối với những vi phạm của người bán trên sàn. Nếu vi phạm, sàn TMĐT chỉ bị xử phạt… vài chục triệu đồng.

Tuy nhiên, phần trả lời của các đại diện Bộ Công Thương chưa khiến giới luật sư đồng tình. Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, cho rằng với đặc thù kinh doanh trên nền tảng công nghệ, việc kiểm soát hàng hóa từ phía cơ quan quản lý và chủ sàn TMĐT đều gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không phải vì khó khăn mà buông lỏng quản lý. "Quy định trách nhiệm sàn TMĐT trong việc kiểm soát hàng hóa phải chặt chẽ, rõ ràng hơn. Ví dụ, kiểm soát loại hàng hóa, chất lượng hàng trong khâu giao nhận từ nước ngoài về như thế nào; nếu không làm được sẽ phạt ra sao, phải thu hồi, công khai xin lỗi người tiêu dùng… Không thể cứ thấy sai phạm thì gỡ bỏ sản phẩm là hết trách nhiệm. Còn về phía cơ quan quản lý, xây dựng chính sách phải dựa trên chế tài mạnh mẽ, nghiêm khắc, phạt thật nặng, đơn vị kinh doanh mới không dám vi phạm nữa" - ông Đức góp ý.

Luật sư Hoàng Văn Hướng nhấn mạnh Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã quy định rõ nghiêm cấm sản xuất, tàng trữ, mua bán, sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ và các loại thiết bị vật liệu nổ. Như vậy, hành vi buôn bán của bất kể chủ thể nào đều vi phạm pháp luật. Trong đó, cả đơn vị cung cấp hàng hóa và chủ sàn TMĐT đều phải chịu trách nhiệm và xử phạt nghiêm khắc.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, lưu ý dù Lazada là đơn vị trung gian cung cấp hàng hóa nhưng vẫn có vai trò là bên bán, do đó cần quy trách nhiệm cụ thể cho đơn vị này để có chế tài hợp lý.

Quá nhiều kẽ hở

Ngoài hàng cấm, tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên sàn TMĐT là vấn đề lâu nay chưa thể cải thiện. Chỉ trong thời gian ngắn gần đây, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã nhận nhiều khiếu nại liên quan đến mua hàng trên các sàn TMĐT. Chẳng hạn, một người tiêu dùng ở Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) khiếu nại việc mua trên Lazada.vn một chiếc camera không hoạt động được. Hay một người tiêu dùng ở TP HCM từng khiếu nại việc đặt mua xe SH150i ABS 2018 giá 30 triệu đồng trên trang Sendo.vn nhưng người bán bất ngờ "mất tích" sau khi nhận tiền, đồng thời gian hàng trên sàn bị gỡ…

Bộ Công Thương cũng thừa nhận số vụ việc vi phạm kinh doanh TMĐT thời gian qua không hề nhỏ. Đại diện bộ này cho biết trong năm 2018, có khoảng 100 trường hợp có dấu hiệu vi phạm liên quan đến TMĐT trong một số lĩnh vực như: thực phẩm, mỹ phẩm, rượu... đã được Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Cục QLTT (nay là Tổng cục QLTT), Cục TMĐT và Kinh tế số, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an phối hợp điều tra, xử lý. Cho đến nay, đã có hàng chục website TMĐT bán hàng và các website cung cấp dịch vụ TMĐT bị yêu cầu kiểm tra, rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm với số lượng gần 36.000 sản phẩm và gần 3.200 tài khoản/gian hàng bị khóa.

Số lượng hàng hóa và chủ thể kinh doanh bị "sờ gáy" lớn là thế nhưng tại sao vẫn để lọt nhiều sản phẩm nguy hiểm, kém chất lượng trên các sàn TMĐT? Theo các chuyên gia, đó là do còn nhiều kẽ hở trong quản lý.

Thực tế, quy trình đăng ký kinh doanh trên sàn TMĐT hiện nay rất dễ dàng. Cá nhân, doanh nghiệp (DN) chỉ cần cung cấp số CMND hoặc số đăng ký DN cùng các thông tin cá nhân như tên, số điện thoại… là có thể mở gian hàng trên sàn. Trong trường hợp bị phát hiện vi phạm và bị gỡ sản phẩm, khóa tài khoản, cá nhân, DN có thể dễ dàng sử dụng thông tin khác để đăng ký tài khoản mới.

Ngoài ra, các sàn TMĐT đa phần hoạt động xuyên biên giới. Do đó, với phần sản phẩm được cung ứng từ nước ngoài, pháp luật trong nước còn "bỏ ngỏ". Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết về nguyên tắc hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu của tổ chức, cá nhân trong và trong nước chịu sự quản lý của cơ quan hải quan, kể cả trường hợp giao dịch mua bán hàng hóa được thực hiện qua các website TMĐT hoặc các ứng dụng TMĐT trên nền tảng di động. Do đó, yêu cầu phối hợp giữa các cơ quan có nhiệm vụ trong việc kiểm soát hàng hóa trong kinh doanh TMĐT là rất cần thiết. Trách nhiệm này cũng đã được Chính phủ yêu cầu cụ thể, rõ ràng trong nhiều văn bản pháp luật. 

Lazada đến chiều 18-2 đã gỡ bỏ toàn bộ sản phẩm linh kiện lắp ráp súng và tiếp tục rà soát các sản phẩm khác.

Khung pháp lý chưa chặt

Ông Đặng Hoàng Hải thừa nhận hiện nay còn kẽ hở lớn trong kiểm soát kinh doanh TMĐT. Tuy nhiên, tình trạng này không chỉ có ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng đang loay hoay tháo gỡ. "Khung pháp lý chưa được chặt chẽ và không thể chỉ tự hoàn thiện với nhau trong nước mà các nước cần họp bàn với nhau về vấn đề thương mại xuyên biên giới. Chúng tôi cũng rất cần ý kiến góp ý của các chuyên gia để hoàn thiện hơn về mặt xây dựng pháp luật" - ông Hải bày tỏ.

PHƯƠNG NHUNG

NGƯỜI LAO ĐỘNG

Các tin tức khác

>   Lúa gạo lại chờ ‘giải cứu’ (19/02/2019)

>   Tăng tốc du lịch từ thượng đỉnh Mỹ - Triều (19/02/2019)

>   Kiểm tra dự án biến sân golf Phan Thiết thành khu đô thị du lịch biển (18/02/2019)

>   Licogi thua lỗ, khó khăn trong trả nợ (18/02/2019)

>   Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam và “cuộc chiến” thị phần ngay trên sân nhà (18/02/2019)

>   Dự án 8.104 tỷ thành đống sắt gỉ: Kiến nghị điều tra dấu hiệu vi phạm hình sự (18/02/2019)

>   Trả lương 14 triệu đồng vẫn khó tìm công nhân thủy sản (18/02/2019)

>   Đà Nẵng xúc tiến đầu tư trường đua ngựa 200 triệu USD (18/02/2019)

>   Tuyến metro Nhổn-ga Hà Nội dùng robot đào hầm từ tháng 4 (18/02/2019)

>   BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nguy cơ vỡ tiến độ (18/02/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật