Dự án 8.104 tỷ thành đống sắt gỉ: Kiến nghị điều tra dấu hiệu vi phạm hình sự
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương điều tra những vi phạm có dấu hiệu hình sự...
Gang thép Thái Nguyên (Tisco) sa lầy ở dự án mở rộng hơn 8.100 tỷ này.
|
Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco). Đây là 1 trong số 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả thuộc Bộ Công Thương. Với những vi phạm chỉ ra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương điều tra những vi phạm có dấu hiệu hình sự.
Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 quy mô đầu tư 8.104 tỷ đồng được Tisco thực hiện xây dựng năm 2008. Sau gần một thập kỷ xây dựng, hiện nhà máy đang "đắp chiếu", và nhà thầu là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) đã bỏ về nước.
Đốt hàng nghìn tỷ của nhà nước
Tính đến thời điểm thanh tra, tổng giá trị TISCO đã thanh toán cho dự án là 4.421 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc, lãi ngân hàng là 3.896 tỷ đồng. Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) là nhà thầu chính cho dự án này đã được thanh toán 92% giá trị hợp đồng nhưng các hạng mục của gói thầu EPC đều chưa hoàn thành, đến năm 2013 thì nhà thầu dừng thi công.
Tisco đã thanh toán cho MCC tiền thuế, chi phí xếp dỡ, bảo quản thiết bị vượt giá trị hợp đồng trong khi MCC chưa chuyển đủ thiết bị, cung cấp nhiều máy móc thiết bị sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật, không phù hợp với quy chuẩn Việt Nam. Hiện một số thiết bị đã rỉ sét, hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng dự án, thiệt hại vốn đầu tư.
Cụ thể, theo kết luận, những vi phạm của Tisco tại dự án có dấu hiệu cố ý làm trái các quy định của pháp luật, buông lỏng quản lý, gây thất thoát vốn đầu tư.
Cụ thể, tại dự án, TISCO đã thanh toán thay cho nhà thầu Trung Quốc MCC thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu thiết bị và chi phí tiếp nhận, bảo quản trông coi thiết bị nhưng đến nay chưa thu hồi.
Bên cạnh đó, thanh toán cho nhà thầu phụ Vinaincon và các nhà thầu Việt Nam khác theo đơn giá điều chỉnh không đúng Hợp đồng EPC 01.
Thanh toán một số khoản không đúng quy định: chi tiếp các đoàn đàm phán hợp đồng, các đoàn đi công tác nước ngoài, tư vấn ký hợp đồng thầu phụ, tư vấn lập định mức đơn giá, tư vấn thẩm tra tổng mức đầu tư điều chỉnh.
Thanh toán cho ANZ phí mở L/C, tư vấn, thu xếp vốn nhưng ANZ không giải ngân, chi phí Ban Quản lý dự án vượt quy định…
Đối với Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS), kết luận thanh tra chỉ ra, VNS là đại diện chủ sở hữu vốn tại Tisco nhưng VNS không làm đầy đủ trách nhiệm, đã có vi phạm, khuyết điểm như: chấp thuận nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trong đó công suất thiết kế chưa đúng với quy định được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (sau đó Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung).
Không thẩm định năng lực nhà thầu tư vấn lập Báo cáo, thẩm định phê duyệt dự án khi chưa có thiết kế cơ sở; báo cáo đánh giá tác động môi trường, không có thuyết minh phương án giải phóng mặt bằng tái định cư, chưa được tổ chức cho vay vốn thẩm định phương án tài chính và phương án trả nợ, chưa xác định được nguồn vốn tự có, nguồn nguyên liệu để đảm bảo tính khả thi của dự án.
Bên cạnh đó, thẩm định phê duyệt tổng mức đầu tư thiếu cơ sở, tổng hợp chi phí tách riêng phần lắp đặt và đưa một số chi phí vào tổng mức đầu tư không đúng quy định, thiếu kiểm tra, giám sát Tisco trong việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án…
Thẩm định chưa đầy đủ nội dung dẫn đến phê duyệt kế hoạch đầu tư do Tisco trình với nội dung không đúng quy định, phê duyệt hồ sơ mời thầu giai đoạn 1, 2, giai đoạn 2 đấu lại do Tisco trình không đúng quy định…
Thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến việc Tisco thương thảo, ký kết hợp đồng, phụ lục hợp đồng và các hợp đồng thầu phụ thiếu chặt chẽ, không đúng quy định. Không chỉ đạo Tisco áp dụng điều khoản phạt MCC vi phạm hợp đồng và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét để huỷ đấu thầu theo quy định khi MCC đề xuất điều chỉnh hợp đồng đưa ra nhiều hạng mục không hợp lý, không có căn cứ pháp lý…
Đối với Bộ Công nghiệp (trước đây),nay là Bộ Công Thương chưa thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ được giao, đã không yêu cầu Tisco, VNS lập thiết kế cơ sở để thẩm định theo quy định, thiếu kiểm tra, giám sát Tisco, VNS trong việc thẩm định báo cáo đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ khi chưa đảm bảo các điều kiện để triển khai dự án.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chưa đầy đủ cơ sở. Không thẩm tra mà sử dụng số liệu của Vinaincon, trình các bộ ngành và Thủ tướng chi phí phát sinh phần C (15.570.099 USD) không đúng với hợp đồng EPC.
Điều tra những vi phạm có dấu hiệu hình sự
Xử lý những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ theo thẩm quyền kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân thuộc văn phòng Chính phủ có khuyến điểm, sai phạm.
Giao Bộ Công Thương theo thẩm quyền chỉ đạo, kiểm điểm xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân thuộc Bộ, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS), Vinaincon có khuyết điểm, sai phạm.
Giao Bộ Xây dựng chỉ đạo kiểm điểm xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân tại VNCC, Viện Kinh tế xây dựng, Bộ Tài chính kiểm điểm tổ chức cá nhân tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, VDB chi nhánh Thái Nguyên.
Thanh tra Chính phủ yêu cầu VNS, Tisco, Vinaincon, Công ty Cổ phần Đầu tư mỏ và Công nghiệp TKV, Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng nông nghiệp và phát triển Thái Nguyên theo thẩm quyền tổ chức kiểm điểm xử lý đối với tổ chức, cá nhân có khuyết điểm.
Thanh tra Chính phủ chuyển "Kết luận thanh tra đến Uỷ ban kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, sai phạm nêu tại kết luận".
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương điều tra những vi phạm có dấu hiệu hình sự, các hồ sơ, tài liệu Thanh tra Chính phủ đã chuyển cho cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ngày 14/11/2017.
BẠCH HUỆ
VNECONOMY
|