Thứ Sáu, 01/02/2019 18:02

Quỹ hưu trí lớn nhất thế giới cũng là nạn nhân của làn sóng bán tháo năm 2018, lỗ kỷ lục 14 ngàn tỷ Yên

Quỹ hưu trí lớn nhất thế giới có thể đã ghi nhận khoản lỗ kỷ lục sau khi làn sóng bán tháo cổ phiếu trên toàn cầu trong quý trước đã “nhấn chìm” một loại tài sản chiếm tới 50% danh mục đầu tư của quỹ.

Tổng tài sản của Quỹ Đầu tư Chính phủ Nhật Bản (GPIF) đã giảm xuống 155.6 ngàn tỷ Yên (tương đương 1.43 ngàn tỷ USD) vào cuối tháng 12/2018, dựa trên những ước tính của Yohei Iwao – Tổng Giám đốc phụ trách bộ phận cổ phiếu tại Morgan Stanley MUFG Securities Co. ở Tokyo. Đây sẽ là mức giảm tài sản kỷ lục (14 ngàn tỷ Yên) so với cuối tháng 9/2018.

Mặc dù chứng khoán đã giúp quỹ GPIF có lãi trong 2 năm tài khóa trước đó, nhưng làn sóng bán tháo trên toàn cầu hồi tháng 12/2018 làm nổi bật những rủi ro mà quỹ này đang phải đối mặt khi sử dụng chiến lược tích lũy cổ phiếu và giảm trái phiếu Nhật Bản trong năm 2014. Quỹ GPIF có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đầu tư vào cổ phiếu khi lợi suất trái phiếu – nhất là trái phiếu Chính phủ Nhật Bản – là quá thấp, Naoki Fujiwara, Chuyên gia quản lý quỹ tại Shinkin Asset Management Co. ở Tokyo, nhận định.

“Sẽ là hợp lý khi GPIF nắm giữ một số tài sản rủi ro trong môi trường như thế này, vì lợi suất đang thấp trên toàn cầu và đầu tư vào trái phiếu không mang lại tỷ suất sinh lợi cao”, Fujiwara cho biết. “Dù vậy, từ quan điểm của một chuyên gia quản lý quỹ, họ đã nhận lấy quá nhiều rủi ro từ các khoản đầu tư”.

Hơn 10 ngàn tỷ USD vốn hóa cổ phiếu đã bị “cuốn trôi” ra khỏi thị trường toàn cầu trong quý 4/2018 khi xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về đà giảm tốc tăng trưởng.

Chỉ số Topix sụt 18% trong giai đoạn tháng 10-12/2018, quý giảm mạnh nhất kể từ năm 2008, trong khi S&P 500 rớt 14%, mức lao dốc mạnh nhất kể từ năm 2011. Đồng Yên Nhật tăng 3.7% so với đồng USD trong quý này.

Trong giai đoạn tháng 10-12/2018, quỹ GPIF có lẽ lỗ 7.7 ngàn tỷ Yên vì cổ phiếu Nhật Bản và mất 6.6 ngàn tỷ Yên vì cổ phiếu nước ngoài, tờ Nikkei ghi nhận vào ngày 16/01/2019, dẫn lại ước tính của một chuyên viên phân tích tại Nomura Securities Co.

Shingo Ide, Chiến lược gia cổ phiếu tại Viện nghiên cứu NLI ở Tokyo, chỉ rõ, thành quả dài hạn của GPIF là quan trọng hơn kết quả hàng quý. Trong 9 quý trước, đầu tư chứng khoán giúp quỹ GPIF sinh lãi trong 8 quý, giúp nâng tổng tài sản lên mức kỷ lục.

“Không cần phải quá bi quan vì GPIF chỉ là lỗ đầu tư trên cơ sở hàng quý”, Ide cho hay. “Đối với quỹ hưu trí, điều quan trọng hơn là tập trung vào cách mang lại tỷ suất sinh lợi dài hạn thay vì chỉ là thành quả hàng quý”.

Dù vậy, khi còn tới 50% tài sản là cổ phiếu Nhật Bản và cổ phiếu nước ngoài, thành quả của quỹ GPIF có nguy cơ suy giảm khi lo ngại về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và Brexit làm gia tăng rủi ro giảm tốc kinh tế toàn cầu, theo Hidenori Suezawa, Chuyên viên phân tích tại SMBC Nikko Securities Inc. ở Tokyo.

“Xung đột thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa và có khả năng vấn dề Brexit có thể kéo dài”, Suezawa cho hay. “Chúng tôi không thể lạc quan về thành quả đầu tư cho tới tháng 3/2019”.

Hy vọng thương mại Mỹ-Trung

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các phóng viên ở Văn phòng Bầu dục trong ngày thứ Năm (31/01) rằng ông hy vọng sẽ tiến tới một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc trước hạn chót ngày 01/03/2019. Ngoài ra, ông Trump đề cập tới lá thư của Chủ tịch Trung Quốc, Tập cận Bình. Trong đó, ông Tập hy vọng cả hai bên sẽ gặp gỡ để thỏa hiệp về một thỏa thuận thương mại trước hạn chót.

Những nhận định trên được đưa ra sau khi Mỹ và Trung Quốc khép lại hai ngày đàm phán thương mại cấp cao ở Washington.

Hai nguồn tin cho biết các quan chức Mỹ và Trung Quốc đang bàn luận về việc dàn xếp một cuộc gặp gỡ giữa ông Trump và ông Tập vào cuối tháng 2/2019.

Trong ngày thứ Năm (31/01), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ cử hai nhà đàm phán hàng đầu của ông tới Trung Quốc, sau hai ngày đàm phán với các quan chức Trung Quốc ở Washington. Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, và Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), Robert Lighthizer, sẽ tới Trung Quốc vào giữa tháng 2/2019 để tổ chức vòng đàm phán kế tiếp.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi

Các tin tức khác

>   Phải chăng Fed đã “chào thua” trước Phố Wall và Washington? (01/02/2019)

>   Hy vọng về thương mại giúp chứng khoán Trung Quốc khép năm Mậu Tuất trong sắc xanh (01/02/2019)

>   Chứng khoán Trung Quốc "khoác" sắc xanh hy vọng (01/02/2019)

>   Leo dốc gần 8%, S&P 500 ghi nhận tháng 1 tăng mạnh nhất kể từ năm 1987 (01/02/2019)

>   Chứng khoán châu Á trái chiều khi hoạt động sản xuất chế tạo Trung Quốc thu hẹp 2 tháng liền (31/01/2019)

>   CFO rời công ty khi Tesla hứa hẹn tạo ra chiếc Model 3 rẻ hơn và có lãi trong năm 2019 (31/01/2019)

>   Thêm hàng trăm công ty Trung Quốc cảnh báo về lợi nhuận sau 1 ngày (31/01/2019)

>   Chứng khoán châu Á bớt hừng, xanh đỏ đan xen (31/01/2019)

>   Đón tin từ Fed, chứng khoán châu Á tưng bừng sắc xanh (31/01/2019)

>   Dow Jones vọt hơn 400 điểm, vượt ngưỡng 25,000 điểm sau tuyên bố từ Fed (31/01/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật