Phải chăng Fed đã “chào thua” trước Phố Wall và Washington?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nổi tiếng hành động chậm chạp nay lại đổi quan điểm chính sách quá nhanh chóng.
Cách đâu không lâu, Fed đã đưa ra dự báo nâng lãi suất hai lần trong năm 2019 tại cuộc họp tháng 12/2018. Và chỉ sau đó vài tuần, Fed lại phát tín hiệu có thể tạm ngưng nâng lãi suất. Từ việc nhận định chương trình thu hẹp số dư trên bảng cân đối kế toán đang trong “chế độ tự lái” (autopilot), Chủ tịch Fed, Jerome Powell, chuyển sang để ngỏ khả năng điều chỉnh chính sách.
Nhìn chung, Fed đang phát tín hiệu “hãm phanh” quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ.
Tốc độ Fed thay đổi quan điểm quả là đáng kinh ngạc. Sự ngoảnh mặt 180 độ đang vun vén cho suy đoán Fed đang đầu hàng trước áp lực từ Phố Wall. Còn nhớ, nỗi lo sợ về một Fed quá hung hăn đã đẩy thị trường lao dốc không phanh trong tháng 11 và tháng 12/2018.
“Khó mà xem kết quả cuộc họp tháng 1/2019 của FOMC là điều gì khác ngoài chuyện Fed đã đầu hàng trước tình trạng biến động gần đây trên thị trường”, Michael Gapen, Trưởng Bộ phận kinh tế Mỹ tại Barclays, viết trong báo cáo gửi tới các khách hàng.
Charlie McElligott, Chiến lược gia vĩ mô tại Nomura, cho rằng Fed “hoàn toàn ‘quỳ gối’ trước thị trường chứng khoán”. “Tôi đoán, giá cổ phiếu hiện đang thiết lập chính sách tiền tệ chứ không phải là yếu tố nào khác”.
Chẳng ngạc nhiên gì khi Phố Wall cảm thấy phấn khích vì những gì họ nghe được. Chỉ số S&P 500 leo dốc 1.6% trong ngày thứ Tư (30/01), phiên tăng đầu tiên trong ngày Fed công bố quyết định kể từ khi ông Powell lên ghế Chủ tịch.
Tồi tệ hơn nữa, những chuyên gia khác đang lo Fed đang “cúi mình” trước Washington. Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục chỉ trích ông Powell vì nâng lãi suất quá nhanh. Thậm chí còn xuất hiện những tin đồn thất thiệt như ông Trump có thể làm chuyện không tưởng là sa thải ông Powell.
Ông Trump lên tiếng ăn mừng đà tăng trên thị trường trong ngày thứ Tư (30/01), gọi đây là “thông tin đáng mừng!”.
“Theo như tôi nhớ, đây là lần đầu tiên mà một vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm gây áp lực lên Chủ tịch Fed và khiến ông đột ngột thay đổi quan điểm chính sách”, Ian Winer, từng là Chiến lược gia thị trường tại Wedbush Securities và hiện là thành viên ban tư vấn tại Drexel Hamilton, cho hay. “Vị Tổng thống này đang làm dấy lên nghi ngại về giả định lâu nay: Fed độc lập trước các áp lực chính trị”.
Powell: Fed sẽ chẳng bao giờ xem xét tới các yếu tố chính trị trong quá trình ra quyết định
Ông Powell cật lực phản đối Fed đang xem xét tới các yếu tố bên ngoài vào quá trình ra quyết định chính sách.
“Thành thật mà nói, động lực duy nhất của tôi là thực hiện những gì đúng đắn cho nền kinh tế và người dân Mỹ. Tình hình hiện nay đòi hỏi phải có kiên nhẫn”, ông Powell nói với các phóng viên trong ngày thứ Năm (31/01).
Khi được hỏi liệu rằng Fed có “nhún nhường” trước các yêu cầu của Tổng thống Mỹ, ông Powell khẳng định Fed chẳng bao giờ xem xét tới các yếu tố chính trị hoặc thậm chí là chẳng bao giờ bàn luận về chúng.
"Chúng tôi là con người. Chúng tôi có những sai phạm. Nhưng chúng tôi sẽ không phạm sai lầm về tính cách hay tính chính trực", ông Powell cho biết.
Dĩ nhiên, vẫn có những lý do kinh tế giải thích tại sao Fed thay đổi quan điểm chính sách.
Đầu tiên, tăng trưởng kinh tế, nhất là ở các quốc gia bên ngoài, rõ ràng là đang giảm tốc. Tăng trưởng GDP Mỹ được dự báo giảm mạnh trong năm 2019. Nền kinh tế Italy đã rơi vào suy thoái. Đức thì may mắn thoát hiểm. Và Trung Quốc đang đối mặt với đà giảm tốc nghiêm trọng nhất trong 1 thập kỷ.
Thứ hai, lạm phát đang trong tầm kiểm soát. Điều này có thể cho phép Fed kiên nhẫn quan sát nền kinh tế Mỹ sẽ phản ứng như thế nào trước tình trạng rối loạn trên toàn cầu. Dĩ nhiên, Fed cũng chẳng muốn dập tắt chuỗi tăng trưởng dài thứ hai trong lịch sử nước Mỹ chỉ vì không linh hoạt về chính sách.
Dù vậy, một số chuyên gia kinh tế không tin là các yếu tố cơ bản đã giảm đủ mạnh để khiến Fed phải thay đổi quan điểm. Họ cho rằng Phố Wall chỉ đơn giản là nổi cơn thịnh nộ vào cuối năm ngoái.
Báo cáo việc làm chính thức của Mỹ vẫn chưa được công bố, nhưng dữ liệu từ ADP cho thấy khu vực tư nhân tạo thêm 213,000 việc làm trong tháng 1/2019.
Ngoài ra, Goldman Sachs dự báo tăng trưởng GDP Mỹ sẽ giảm về mức 1.7% trong quý 1/2019, sau đó phục hồi lên 2.4% trong quý 2/2019. Mỹ khó mà rơi vào trạng thái suy thoái.
“Tuyên bố của Fed trong ngày thứ Tư (30/01) cho thấy quan điểm ‘bồ câu’ mà chẳng có lý do nào rõ ràng”, Ian Shepherdson, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Pantheon Macroeconomics, viết trong báo cáo gửi tới khách hàng trong ngày thứ Năm (31/01). “Vậy điều gì đã thay đổi?”.
Quan trọng hơn, Fed đã loại bỏ nội dung “nâng lãi suất thêm dần dần” trong tuyên bố sau cuộc họp. Thay vào đó, Fed cam kết sẽ “kiên nhẫn” khi xem xét “các điều chỉnh chính sách trong tương lai”.
Bằng cách đổi từ “nâng” (increases) sang “điều chỉnh” (adjustments), Fed đang phát tín hiệu “động thái lãi suất kế tiếp có thể là tăng hoặc giảm”, Gapen cho hay.
Là bước đi bậc thầy hay là động thái đầy nguy hiểm?
Sự kiên nhẫn của ông Powell có thể là “bước đi bậc thầy” nếu lạm phát vẫn còn trong tầm kiểm soát và tăng trưởng giảm mạnh. Bằng cách tạm ngưng nâng lãi suất, Fed có thể giúp nền kinh tế Mỹ “hạ cánh nhẹ nhàng” và duy trì đà tăng trưởng.
Thế nhưng, một số chuyên gia sợ rằng Fed có thể chịu thất bại cay đắng.
Nếu nền kinh tế và lạm phát tăng nhanh hơn trong năm 2019 thì Fed có thể phải nâng lãi suất một cách quyết liệt để ngăn chặn tình trạng quá nhiệt. Và đó là điểm khởi đầu cho một cơn bão tố trên thị trường tài chính và có lẽ tác động tới cả nền kinh tế. Chưa kể, đó là nguồn cơn để Tổng thống Mỹ buông lời cay đắng trên Twitter.
Vũ Hạo (Theo CNN Business)
FiLi
|