Thứ Năm, 28/02/2019 15:15

Nhịp đập Thị trường 28/02: Biến cố bất ngờ

Thị trường đỏ lửa phiên sáng không có mối liên quan đến những gì diễn ra trong phiên chiều. Không ai dự báo được cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lại dẫn đến kết cục bất ngờ như vậy cả. Nhưng rõ ràng, VN-Index, VN30-Index và hầu hết các chỉ số chứng khoán chính lẫn phụ trên cả 3 sàn đều sập vì chính cái kết cục này.

VN-Index đóng cửa ATC ở 965.47 điểm, bay tổng cộng gần 25 điểm và quay lại sát mức đóng cửa của đầu tuần… trước (19/02). Chưa có thống kê chính thức vốn hóa thị trường hôm nay mất bao nhiêu tỷ, nhưng có lẽ người mua trong phạm vi T3 đã lỗ kha khá. Quan trọng hơn, VN-Index đang cách đỉnh 999.9 điểm thiết lập hôm đầu tuần khá lớn, điều này dẫn tới rủi ro chỉ số đang chạy xuống, chứ không chỉ là điều chỉnh để tiếp tục chạy lên.

Diễn biến đợt ATC cũng cho thấy nhiều dấu hiệu rủi ro. Lượng bán tăng rất mạnh ngay khi vào ATC, nhiều cổ phiếu lúc đó đã tạm nằm sàn như HPG, VNM, VRE… Khối ngoại cũng dự báo bán mạnh chứ không chỉ khối nội. Đến cuối phiên, số liệu thống kê sơ bộ cũng cho thấy mức độ bán ròng đã nới rộng hơn nhiều so với phiên sáng. Các mã vốn hóa lớn bị bán ròng mạnh là VIC, VJC, CII… VIC hôm nay giao dịch tổng cộng 95.5 tỷ đồng thì riêng khối ngoại đã bán ròng hơn 91 tỷ. Ở chiều mua, PVS, MSN, SSI… được mua nhiều nhất, nhưng giá trị mua ròng chưa bằng ½ so với Top 3 mã bán ròng.

Hôm nay cũng là ngày cuối MSCI giao dịch tái cơ cấu, và như vậy có lẽ một lượng lớn hàng ngoại bị xả ra đợt ATC là đến từ nơi này. Tuy vậy chưa có thống kê nào tính được đâu là ETF xả, đâu là quỹ khác xả. Hơn nữa, thông thường khi ETF bán, lệnh hay tập trung vào đầu đợt ATC, nhưng chiều nay thì giá cổ phiếu giảm mạnh trùng khớp với thời gian xảy ra biến cố ngoài Hà Nội nói trên. Như vậy ở đây 2 yếu tố biến cố chính trị và ETF đã cộng hưởng với nhau, khiến VN-Index cuối phiên mất gần 25 điểm.

Điều an ủi lúc này là lượng mua cũng được đẩy vào nhiều trong đợt ATC, một phần là đỡ giá cổ phiếu, gom lệnh bán xả như ở HPG, MSN, VCB… 1 phần khác là “bắt đáy sớm” như ở VNM, VRE… Như vậy, có thể thấy rằng phiên ngày mai sẽ rất quan trọng cho các traders.

Phiên sáng: Khối ngoại bất ngờ bán ròng, VN-Index giảm

VN-Index, VN30-Index, HNX-Index… đều có 1 đợt hồi nhẹ, dẫn đến kỳ vọng không ít cho những ai tin rằng uptrend vẫn tiếp tục, nhưng dường như sáng nay lực hồi vẫn chưa đủ. Nhóm Largecap, nhất là VN30 đang có dấu hiệu chốt lời trên diện rộng, với 24/30 mã giảm giá, chỉ có 3 mã tăng giá. Mức độ giảm giá của những cổ phiếu này không lớn, chừng 1-2% nhưng do số lượng nhiều nên tác động chi phối lên chỉ số. Nhóm midcap sàn HOSE có dấu hiệu hồi phục tốt nhất, nhưng sau đó cũng lại đi xuống.

Khối ngoại sáng nay đang bán ròng. Chứng chỉ quỹ E1VFVN30 vẫn hút tiền, nhưng tổng thể họ đang bán ra cả về khối lượng lẫn giá trị. Bất ngờ là GTN bị bán mạnh nhất, tới gần 6.6 triệu cp (hầu hết là thỏa thuận), tiếp theo là CII, STB rồi VJC… Ở chiều mua, PVS, CTG và SSI được mua nhiều nhất. Vấn đề ở đây là, giao dịch của khối ngoại hiện không có tác dụng kéo chỉ số như những phiên trước, vậy điều này có kéo dài?

Tin tốt mới ra: Mỹ sẽ chính thức từ bỏ kế hoạch nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Đây là dấu hiệu tích cực nhất cho đến nay về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, sự kiện đang bị “lấn át” bởi sự kiện cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Diễn biến phiên chiều có thể sẽ phản ánh kỳ vọng vào thông tin này.

Nhóm ngân hàng vẫn chìm trong sắc đỏ với hầu hết cổ phiếu giảm giá. Vốn là nhóm ngành tăng giá muộn vào cuối tuần trước, nhưng dường như các mã Largecap nhóm này đã sớm quay đầu, không đua được với Largecap nhóm khác.

Nhóm chứng khoán cũng bất ngờ gặp nhiều khó khăn trong tuần này. Con đường đua theo thị trường của HCM, SSI, BVS… dường như đang gặp trục trặc lớn, ngoại trừ VCI là vẫn tạo biểu đồ đẹp.

Hết tạm ứng cổ tức, giờ tiếp tục đến tin mua cổ phiếu quỹ, có vẻ như lãnh đạo mới của VCG đang muốn hỗ trợ giá cổ phiếu. Giá cổ phiếu này đã leo lên hơn 28,000 đ/cp, mức cao thứ  2 trong lịch sử niêm yết của mình, và cao hơn khá nhiều so với thời điểm đổi chủ vừa qua. Tuy vậy sáng nay giá VCG giảm nhẹ 200 đ/cp.

Nhóm dầu khí đảo ngược tình thế lần thứ hai, lần này sắc xanh quay trở lại với đa số cố phiếu, trong đó “công đầu” có lẽ đến từ GAS, với mức tăng hơn 2% vào cuối phiên. PVD, PVS, OIL… lại tiếp tục xanh rờn, riêng PGS tăng hơn 5.7%, và PVX thì tăng tới 7%. PVX có lẽ là hiện tượng trong nhóm này, khi tăng trần 5 phiên liên tiếp dù thị giá đến nay mới chỉ có 1.500 đ/cp, nói theo dân gian là rẻ hơn cốc trà đá. Như vậy chỉ trong vòng nửa tháng, giá PVX đã tăng đúng… 50%.

Nhóm thủy sản sáng nay có 1 phiên không vui. VHC, ACL và thậm chí MPC giảm khá mạnh. MPC mới công bố lãi 824 tỷ đồng hợp nhất cho cả năm 2018, nhưng giá cổ phiếu vẫn bất ngờ giảm tới hơn 5%. Duy IDI tăng nhẹ 0.6%.

GTN bất ngờ… tiếp với phiên trần thứ 2 liên tục, dù khối ngoại bán ròng. Giao dịch của khối ngoại tuy hầu hết là thỏa thuận, nhưng cũng là chỉ báo đáng lưu ý, bởi không loại trừ rủi ro cổ phiếu được đẩy giá để họ làm deal.

10h30: Khối ngoại đã “tham chiến”, nhưng chưa đủ

VN-Index rơi xuống sâu hơn tham chiếu, khoảng cách hiện đã gần 6 điểm. Khối ngoại đã giao dịch, nhưng có vẻ hơi yếu so với các phiên trước. Họ mua nhiều nhất ở CTG, SSI, HPG… nhưng rõ ràng là chưa đủ sức kéo chỉ số.

VN30-Index là tác nhân kéo chỉ số, nhưng đến lúc này nhóm Mid Cap cũng không còn giữ được hưng phấn như đầu phiên. Chỉ số nhóm này (sàn HOSE) đã giảm hơn 0.3%, gần 10 điểm.

Giao dịch trên HNX cũng trở nên tiêu cực hơn. Số cổ phiếu giảm giá đã nhiều gần gấp 2 số tăng giá. Các trụ ngân hàng và dầu khí của sàn này đang quay về tham chiếu hay thậm chí giảm, tất nhiên tác động không nhỏ lên chỉ số.

Nhóm ngân hàng hiện không có mã nào tăng giá. Nhóm xây dựng dân dụng vẫn phân hóa, nhưng tình hình đang đảo ngược, đầu phiên xanh đa số, nay đỏ đa số. DIG, DXG, HDG, HBC… vẫn giữ sắc xanh, nhưng nhiều mã khác như SJS, VIC, VCG… thì không được như vậy. Tương tự cho nhóm dầu khí, dù điểm sáng nhất vẫn là GAS.

Khối ngoại vẫn đang đổ tiền vào chứng chỉ E1VFVN30, và qua đó nhà đầu tư cũng phỏng đoán được dòng tiền ngoại đổ vào sàn chứng Việt Nam. Nhưng có vẻ tiền đang đổ vào yếu dần đi. Sáng nay họ mua ròng chỉ chừng 200,000 chứng chỉ quỹ.

HBC vẫn giữ được đà tăng tốt, kèm theo đó là lượng giao dịch khủng. Dù chưa tăng đột biến, vốn là 1 chỉ báo báo hiệu “xả”, nhưng sáng nay lượng khớp lệnh HBC cũng đã gần 3 triệu cp.

VJC có lẽ là cổ phiếu buồn nhất trong chuỗi phiên giao dịch có sự kiện quan trọng ở Hà Nội. Dù hãng mới ký mua 100 máy bay mới, và có lẽ nhà đầu tư sẽ liên hệ ngay đến lợi nhuận từ hoạt động SALB, nhưng cổ phiếu VJC đang giảm 3 phiên liên tiếp tính cả sáng nay, và khối ngoại thì bán ròng.

Mở cửa: Index đỏ nhân lúc khối ngoại chưa “tham chiến”

VN-Index mở cửa giảm rất nhẹ do nhiều mã lớn giảm giá như ROS, MSN, VRE… Khối ngoại dường như chưa “tham chiến” nên diễn biến mở đầu phiên sáng nay chưa nói được gì nhiều. Tuy nhiên chỉ số nhóm Mid Cap và Small Cap sàn HOSE vẫn tăng nhẹ, cho thấy đá hưng phấn vẫn đang tiếp diễn ở đây.

Thông tin về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều vẫn tràn ngập khắp mặt báo, nhưng dường như ít tác động lên sàn chứng. Thậm chí khi cả 3 hãng hàng không Việt Nam đều tuyên bố ký hợp đồng mua một lượng lớn máy bay nhân dịp này, thì giá cổ phiếu HVN, VJC hay có liên đới như FLC cũng chỉ dao động nhẹ.

Diễn biến sàn HNX tích cực ngay từ phiên sáng, hay nói cách khác là ít chịu tác động từ VN-Index. Hoặc cũng có thể tạm suy luận rằng bản thân NĐT sàn HNX coi VN-Index đỏ chỉ là diễn biến nhất thời. Lưu ý rằng quy mô cổ phiếu sàn này phần nhiều tương đồng với nhóm Mid Cap của sàn HOSE. Các mã hút tiền và có tác động tích cực lên chỉ số chính sàn HNX sáng nay có thể kể đến là VNR, DBC, VPI, HUT hay PLC

Nhóm cổ phiếu dầu khí đang hưởng lợi từ thông tin giá dầu tăng. Hầu hết các mã lớn nhóm này đều xanh mướt như GAS, PVD, PVS, OIL… ngay cả DCM hay DPM vốn giá dầu là yếu tố tác động đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp cũng tăng.

Nhóm bất động sản đang có phân hóa, nhưng dường như đang trở nên tích cực hơn. VIC mở cửa đứng yên, nhưng một loạt mã khác tăng như DXG, HBC, HDG, SJS, DIG…

Nhóm dệt may vẫn có diễn biến tích cực, dù nhiều cổ phiếu đã chạy 30-40% trong đợt tăng giá từ đầu năm đến nay.

Nhóm chứng khoán đang chìm trong sắc đỏ, chỉ có mỗi SSI tăng giá. Điều này khá ngạc nhiên, bởi chứng khoán luôn được coi là tích cực khi thị trường uptrend.

Hoàng Nam

FILI

Các tin tức khác

>   Vietstock Daily 28/02: Tiếp tục giằng co (27/02/2019)

>   Chứng khoán phái sinh 28/02: Các hợp đồng phân hóa (27/02/2019)

>   Vietstock Daily 27/02: Điều chỉnh là cần thiết (26/02/2019)

>   Chứng khoán phái sinh 27/02: Giá trị giao dịch tăng mạnh (26/02/2019)

>   Nhịp đập Thị trường 26/02: Lực cầu mạnh vào cuối phiên (26/02/2019)

>   Vietstock Daily 26/02: Tích lũy bên dưới mốc 1,000 điểm? (25/02/2019)

>   Chứng khoán phái sinh 26/02: Basis thu hẹp rõ rệt (25/02/2019)

>   Nhịp đập Thị trường 25/02: Hụt hơi mốc 1,000 điểm (25/02/2019)

>   Vietstock Weekly 25/02-01/03/2019: Sẽ có điều chỉnh? (24/02/2019)

>   Chứng khoán phái sinh 25/02-01/03/2019: Giá trị giao dịch tăng mạnh (24/02/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật