Góc nhìn 22/02: Chờ đợi nhịp điều chỉnh rõ nét?
Các công ty chứng khoán (CTCK) bắt đầu cho thấy tâm lý cẩn trọng khi mà VN-Index bước lên những nấc thang mới. KBSV cho rằng nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ nhịp điều chỉnh rõ nét, BVS đánh giá thị trường vẫn trong xu hướng tích cực ngắn hạn nhưng sẽ biến động và phân hóa.
VN-Index điều chỉnh nếu thất bại trước ngưỡng 990 điểm
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): SHS cho biết, những phiên giao dịch trùng với ngày đáo hạn của hợp đồng tương lai VN30 thường là những phiên có biến động mạnh và phiên 21/02 cũng không phải ngoại lệ. Lực cầu mạnh trong phiên ATC tại một số mã lớn đã khiến thị trường tăng rất mạnh vào thời điểm kết thúc nếu so với mức điểm trước khi bước vào phiên ATC. Điều này khiến cho hợp đồng tương lai VN30 tháng 2 cũng tăng mạnh tương ứng; tuy nhiên, các hợp đồng tương lai VN30 kỳ hạn khác vẫn đang duy trì mức chiết khấu cao từ -15 đến 21 điểm so với VN30 thể hiện sự thận trọng của nhà đầu tư đối với đà tăng của thị trường.
Mặt khác, độ rộng thị trường cũng dần trở nên kém hơn khi giảm từ mức trung tính vào phiên 20/02 xuống tiêu cực trong phiên 21/02, bất chấp việc thị trường tăng rất mạnh. Theo SHS, điều này cho thấy dòng tiền không có sự lan tỏa tốt mà chỉ chủ yếu tập trung tại nhóm vốn hóa lớn. Diễn biến này đã từng xảy ra trong quá khứ và khi các trụ cột không tăng nữa sẽ là dấu hiệu cho một đợt điều chỉnh tương đối mạnh.
SHS dự báo, trong phiên giao dịch cuối tuần 22/02, VN-Index có thể sẽ rung lắc và điều chỉnh trở lại nếu thất bại trước ngưỡng 990 điểm, ngưỡn này là cạnh trên của vùng kháng cự tương ứng với khoảng gap down trong tháng 10/2018. SHS khuyên nhà đầu tư có thể tận dụng những nhịp tăng điểm trong phiên 22/02 để chốt lời dần các cổ phiếu đã mua trước đó.
Chờ đợi nhịp điều chỉnh rõ nét
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Dòng tiền tiếp tục ưu tiên nhóm cổ phiếu VIC và một số cổ phiếu vốn hoá lớn nhất thị trường khiến các chỉ số sàn HOSE tăng mạnh nhưng số cổ phiếu giảm giá vẫn chiếm ưu thế. Đặc biệt phiên 21/02 là phiên đáo hạn hợp đồng phái sinh VN30F1902, các cổ phiếu thuộc nhóm VN30 bất ngờ được mua mạnh trong phiên ATC, đưa VN-Index nhanh chóng tiến vào vùng kháng cự kỹ thuật tiếp theo.
KBSV lưu ý, các chỉ số chính không còn phản ánh đầy đủ diễn biến thực tế của thị trường do ảnh hưởng của nhóm VIC và một số ít các cổ phiếu vốn hoá lớn. Các chỉ số chính vẫn còn cơ hội tăng trưởng tiếp về giá nhờ xu hướng tích cực ở các cổ phiếu trụ cột, tuy nhiên rủi ro đối với nhà đầu tư đang lớn dần khi mà thị trường đang phân hóa mạnh và độ rộng thị trường trong các phiên gần đây đều nghiêng hoàn toàn về nhóm cổ phiếu giảm điểm.
Qua đó, KBSV khuyến nghị nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ đợi nhịp điều chỉnh rõ nét hơn trước khi trải lệnh mua trở lại tại các vùng hỗ trợ của từng mã cổ phiếu mục tiêu.
Biến động và phân hóa
CTCK Bảo Việt (BVS): Trong phiên 22/02, BVS dự báo thị trường có thể điều chỉnh giảm về mặt điểm số khi các cổ phiếu blue chip có dấu hiệu được đẩy giá quá đà trong phiên ATC ngày 21/02 nhiều khả năng sẽ chịu áp lực kéo giảm trở lại.
Theo BVS, thị trường sẽ tiếp tục biến động với sự phân hóa rõ nét giữa các dòng cổ phiếu, kèm theo đó là sự chi phối của một vài cổ phiếu vốn hóa lớn. Các nhóm cổ phiếu được sự hỗ trợ của dòng tiền ngoại sẽ tiếp tục tạo được sức hút với thị trường. Bên cạnh đó, dòng tiền dự kiến sẽ tiếp tục tìm đến các cổ phiếu chưa tăng nhiều hoặc đang điều chỉnh tích lũy thuộc các nhóm ngành như dầu khí, ngân hàng, vật liệu xây dựng, bất động sản… để tìm kiếm lợi nhuận.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn được đánh giá tích cực. Tuy nhiên, BVS không khuyến nghị mở thêm các vị thế mua mới từ vùng trên 991 điểm, bởi rủi ro điều chỉnh giảm mạnh của thị trường kể từ vùng kháng cự trên đang có dấu hiệu gia tăng. Mặt khác, nhà đầu tư có thể canh các nhịp tăng điểm của thị trường trong những phiên tới để bán giảm tỷ trọng đối với các tài khoản đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao. Tỷ trọng tổng danh mục nên được khống chế tối đa ở mức 45-55% cổ phiếu ở thời điểm hiện tại.
Tích cực về kỹ thuật
CTCK Asean (Aseansc): Trong ngày giao dịch 21/02, điểm nhấn của thị trường là phiên ATC, dòng tiền đột ngột đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu trụ cột như VHM, VIC, VNM, VCB, GAS, SAB, MSN, VRE, PLX và HPG, kéo chỉ số VN-Index bật tăng gần 17 điểm. Cụ thể, VHM tăng 6.97%, VIC tăng 1.63%, VNM tăng 3.85%, VCB tăng 1.69%, GAS tăng 1.25%, SAB tăng 1.64%, MSN tăng 4.3%, VRE tăng 5.92%, PLX tăng 2.64% và HPG tăng 1.55%.
Kết thúc phiên giao dịch 21/02, chỉ số VN-Index tăng 16.99 điểm (tương ứng tăng 1.75%), đóng cửa ở mức 987.57 điểm. Thanh khoản HOSE ở mức gần 180 triệu cổ phiếu, giá trị gần 4,500 tỷ đồng. Theo quan sát của Aseansc, độ rộng thị trường nghiêng về số mã giảm giá (124 mã tăng/170 mã giảm). Cùng với đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng hơn 260 tỷ đồng trên HOSE.
Về kỹ thuật, đồ thị VN-Index xuất hiện cây nến xanh dài, là khá tích cực. Do đó, Aseansc cho rằng, trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng kháng cự gần 990 - 1,000 điểm, đây được xem là vùng giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục. Trong kịch bản tiêu cực, vùng hỗ trợ gần của VN-Index dự báo ở mức 970 - 980 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 950 - 960 điểm. Tỷ trọng danh mục đề nghị theo công thức Kelly: 50% cash/50% stocks.
Thừa Vân
FILI
|