Thứ Hai, 25/02/2019 20:00

Cổ phiếu tăng 8,500% đầy bí ẩn, các quỹ lớn liền chú ý

Nằm bên dưới khách sạn Ritz-Carlton, bên trong tòa nhà chọc trời cao nhất ở Hồng Kông, là một trong những bí ẩn lớn nhất trong thế giới đầu tư.

Trên tầng 66 của Trung tâm Thương mại Quốc tế, đó là nơi đặt trụ sở của một công ty đầy bí ẩn mà thoạt nhìn trông có vẻ là một thành công vang dội. Cổ phiếu của công ty này đánh bại mọi cổ phiếu cùng cấp với mức tăng trưởng 5 năm đáng kinh ngạc: 8,563%.

Thế nhưng, thử hỏi một cựu binh chứng khoán về cổ phiếu China Ding Yi Feng Holdings Ltd. (DYF) mà xem. Họ sẽ nói với bạn đà tăng này chẳng hợp lý chút nào. Trong 8 năm vừa qua, công ty đầu tư này thua lỗ tới 7 năm; cổ phiếu được giao dịch ở một trong những mức định giá P/E cao nhất trên thế giới; và Chủ tịch của DYF – một nhà học giả Đạo giáo vốn tự hào cho rằng những kỹ năng đầu tư có thể sánh ngang với Warren Buffett và George Soros – gần đây là chủ đề của nhiều bài báo chỉ trích trên các phương tiên truyền thông của Trung Quốc.

“Những yếu tố cơ bản không hề hỗ trợ cho đà tăng của cổ phiếu này”, Li Yuanrong, Giám đốc quản lý của công ty đầu tư vốn mạo hiểm 20VC, cho hay.

Đà tăng đáng ngờ của DYF cũng nằm trong danh sách dài dăng dẳng những cổ phiếu biến động cực mạnh và không thể giải thích được – một điều có thể đe dọa tới danh tiếng của thị trường tài chính Hồng Kông (một trong những thị trường hàng đầu thế giới). Tuy vậy, tình trạng này lại thu hút sự chú ý của các quỹ đầu tư lớn trên thế giới, nhờ phương pháp đầu tư thụ động đã trở nên phổ biến. Các quỹ triệu đô từ BlackRock Inc., Vanguard Group Inc. and Northern Trust Corp., đều đã mua cổ phiếu DYF kể từ tháng 11/2018, sau khi cổ phiếu này đủ lớn và có đủ thanh khoản để được thêm vào các chỉ số của MSCI – một trong những công ty cung cấp chỉ số hàng đầu thế giới.

DYF chưa lập tức phản hồi thông tin trên.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông (HKEX) và Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai (SFC) từ chối nhận định và các quỹ BlackRock, Vanguard và Northern Trust cũng vậy. MSCI cho biết họ sử dụng các tiêu chí định lượng như giá trị vốn hóa thị trường, free float và thanh khoản để lựa chọn các cổ phiếu thêm vào chỉ số và không đưa ra đánh giá về khả năng sinh lời, triển vọng tăng trưởng hoặc bất kỳ chỉ số nào khác.

Với mức vốn hóa thị trường 31.2 tỷ HKD (tương đương 4 tỷ USD), DYF được phân loại vào nhóm công ty đầu tư thuộc Chương 21 của Hồng Kông. Thay vì vận hành hoạt động kinh doanh của chính họ, các công ty này thường đầu tư vào các công ty khác (cả niêm yết lẫn chưa niêm yết), nhưng không chiếm lượng cổ phần đủ để kiểm soát. Họ tương tự với các quỹ đóng và thành công của các quỹ này phụ thuộc phần lớn vào năng lực đầu tư của nhóm quản lý.

Ông Sui – người được mô tả như là “nhân vật huyền thoại” và “học giả có sức ảnh hưởng” trong tài liệu quảng cáo của DYF – bắt đầu mua lượng lớn cổ phần công ty vào đầu năm 2015, thời điểm DYF còn được gọi là China Investment Fund Co. Sau khi trở thành Chủ tịch công ty trong năm 2015, ông Sui bắt đầu thay “máu” nhóm quản lý và hai lần thay đổi tên công ty. Lượng cổ phần của ông tại DYF – chiếm 16% cổ phần công ty – hiện có tổng giá trị là 600 triệu USD.

Câu chuyện đằng sau của ông Sui – như được mô tả chi tiết trong tài liệu quảng cáo của DYF – thật đáng kinh ngạc. Sinh ra và lớn lên tại vùng thôn quê ở vùng Đông Bắc Trung Quốc vào những năm 60, ông đã từng làm kỹ sư, một “nhà khởi nghiệp triệu đô thành công” và là một quan chức Chính phủ. Theo DYF, ông Sui sau đó chuyển sang thế giới đầu tư:

"Ông ấy nghỉ hưu vào năm 2000 để tận tâm vào nghiên cứu sự hòa hợp trí tuệ truyền thống phương Đông và đầu tư hiện đại, các kỹ thuật vận hành vốn và lý thuyết trò chơi. Sử dụng vốn kiến thức mới, ông phát triển nên “Lý thuyết Đầu tư Zen & I-Ching”, dần trở thành một phương pháp đầu tư đổi mới có dấu ấn của cả cách đầu tư giá trị của Warren Buffett và cách đầu tư quỹ đầu cơ của George Soros".

Ngoài chuyện đặt cược vào DYF, thật khó có thể tìm được một bằng chứng khác thể hiện tài năng đầu tư của Chủ tịch Sui. Thậm chí kể từ khi ông Sui làm chủ tịch, DYF từng bị vướng vào một số cổ phiếu sụp đổ thảm hại nhất tại Hồng Kông.

Theo báo cáo gửi cơ quan quản lý, các khoản đầu tư thua lỗ của DYF trong năm 2016 bao gồm cổ phiếu Tech Pro Technology Development Ltd. bốc hơi 90% giá trị, cổ phiếu Kingbo Strike Ltd. mất 82% giá trị. Cổ phiếu Zhidao International Holdings Ltd. – một trong những khoản đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của DYF thời điểm cuối quý 2/2018, đã mất 86% giá trị kể từ ngày 30/06/2018.

Dẫu vậy, cổ phiếu DYF vẫn liên tục lập đỉnh mới, một phần dựa vào lực cầu từ những quỹ mô phỏng biến động các chỉ số vốn hóa lớn MSCI.

Tính riêng năm ngoái, cổ phiếu DYF tăng giá 202% - mức tăng mạnh nhất trong số hơn 2,700 cổ phiếu trong rổ MSCI All-Country World Index. Giao dịch với giá thị trường bằng 95 lần giá sổ sách, đây là một trong những cổ phiếu đắt đỏ nhất thế giới. (Cổ phiếu này cũng không được phép dùng trong giao dịch bán khống, phần nào lý giải tại sao nó không phải chịu áp lực giảm giá mạnh hơn)

Một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư cho rằng MSCI nên loại DYF và các cổ phiếu loại Chương 21 ra khỏi các chỉ số tham chiếu của mình.

Bà Melissa Brown, giám đốc công ty tư vấn Daobridge Capital nhận xét: “Ở thị trường chứng khoán Châu Á - nơi mà các quy định còn lỏng lẻo và việc thực thi còn chắp vá, một trong những rủi ro mà tổ chức MSCI phải đối mặt là rất nhiều cổ phiếu được chọn vào chỉ số dù có những dấu hiệu bất thường rõ ràng.

Cùng khoảng thời gian DYF được vào các chỉ số vốn hóa lớn của MSCI hồi năm ngoái, truyền thông Trung Quốc bắt đầu đưa tin về những dấu hiệu tiêu cực trong hoạt động huy động vốn của Chủ tịch Sui và diễn biến bất thường của giá cổ phiếu DYF.

Trả lời hãng tin Bloomberg qua thư điện tử, Hiệp hội Quản lý tài sản Trung Quốc cho biết tổ chức này có biết việc truyền thông đưa tin về một đơn vị thuộc Ding Yi Feng Group (một công ty khác cũng do ông Sui làm chủ tịch) đã mời chào khách hàng đầu tư với lợi suất đảm bảo 2.5%/tháng. Tuy nhiên đơn vị này không đăng kí nhiều sản phẩm quỹ đầu tư với Hiệp hội này.

Hiệp hội này nói thêm, các nhà quản lý quỹ tư nhân ở Trung Quốc không được phép cam kết tỷ suất lợi nhuận và tổ chức này sẽ báo cáo và chuyển giao các vụ việc có dấu hiệu phạm pháp đến Ủy ban chứng khoán Trung Quốc.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi

Các tin tức khác

>   Nhiều chỉ số Trung Quốc vào thị trường con bò, vốn hóa tăng thêm 1 ngàn tỷ USD (25/02/2019)

>   Tăng gần 5.5%, Shanghai Composite bước chân vào thị trường con bò (25/02/2019)

>   Sắc xanh bao trùm, chứng khoán Trung Quốc bật tăng hơn 4% (25/02/2019)

>   Nhận tin vui từ Donald Trump, chứng khoán Trung Quốc bứt phá ngày càng mạnh (25/02/2019)

>   Berkshire Hathaway của Warren Buffett lỗ 25 tỷ USD (25/02/2019)

>   Đâu là những cổ phiếu mà Warren Buffett muốn đầu tư dài hạn? (25/02/2019)

>   Shanghai Composite vọt gần 2.5% nhờ tin lùi hạn chót nâng thuế (25/02/2019)

>   Apple sẽ có một vụ thôn tính lớn trong năm nay? (23/02/2019)

>   Vọt gần 200 điểm, Dow Jones vượt ngưỡng 26,000 điểm, đánh dấu 9 tuần leo dốc liên tiếp (23/02/2019)

>   Nhà quản lý quỹ 12 tỷ USD: Đã đến lúc bán ra tài sản rủi ro cao (22/02/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật