Chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ sau tin buồn về thương mại Mỹ-Trung
Chứng khoán châu Á giảm mạnh vào chiều ngày thứ Sáu (08/02) giữa lúc nỗi lo về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung dâng cao.
Tính tới lúc 11h51 ngày thứ Sáu (08/02 – giờ Việt Nam), chỉ số Hang Seng – vừa mới trở lại giao dịch sau dịp nghỉ lễ Tết Âm lịch – giảm 0.49% vào cuối phiên giao dịch buổi sáng khi cổ phiếu của ông lớn công nghệ Trung Quốc Tencent giảm 1%.
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 sụt 390.14 điểm (tương ứng 1.88%) trong phiên giao dịch buổi chiều, khi cổ phiếu của ông lớn Fast Retailing giảm 0.4%. Chỉ số Topix cũng rớt hơn 2%. Tuy nhiên, cổ phiếu Sony lại đi ngược với xu hướng chung và nhảy vọt 4.9% sau khi Công ty tuyên bố đợt mua lại cổ phiếu đầu tiên trong lịch sử với tổng trị giá 910 triệu USD.
Bên cạnh đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 1.15%.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 11h51 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Ở Australia, chỉ số ASX 200 hạ 0.45% trong phiên chiều, khi phần lớn lĩnh vực đều nhuốm sắc đỏ. Chỉ số năng lượng giảm gần 3% khi nhóm cổ phiếu dầu khí rớt mạnh vì đà lao dốc của giá dầu thô trong ngày thứ Năm (07/02).
Cụ thể, cổ phiếu Santos mất 4.67%, Woodside Petroleum lùi 2% và Beach Energy“bốc hơi” 9.67%.
Giá dầu tiếp nối đà giảm trong phiên giao dịch châu Á vào sáng ngày thứ Sáu (08/02). Hợp đồng dầu Brent tương lai giảm 0.7% xuống 61.20 USD/thùng, còn hợp đồng dầu WTI tương lai hạ 0.82% xuống 52.21 USD/thùng.
Ở Ấn Độ, cổ phiếu Tata Motorstrượt dốc 15% sau khi Công ty ghi nhận quý lỗ nặng nhất từ trước đến nay trong ngày thứ Năm (07/02).
“Khi thị trường Trung Quốc vẫn đang nghỉ Tết Âm lịch thì phần còn lại của thị trường châu Á – vốn đã đi vào hoạt động trở lại – có thể dao động thận trọng với tâm lý né tránh rủi ro bao trùm, khi các thành phần tham gia thị trường ‘đau đầu’ với khả năng Mỹ-Trung tiếp tục chiến tranh thương mại sau 90 ngày đàm phán”, OCBC Treasury Research cho biết trong một báo cáo.
Nỗi lo về thương mại Mỹ-Trung
Trong ngày thứ Năm (07/02), sự tự tin của nhà đầu tư gần như mất dạng, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông sẽ không gặp Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, trước hạn chót nâng thuế ngày 01/03/2018, qua đó làm dấy lên nỗi lo sợ rằng cả hai bên sẽ không tiến tới một thỏa thuận trước khi 90 ngày đình chiến thương mại kết thúc.
Khi được hỏi liệu ông có gặp ông Tập Cận Bình trong tháng này hay không, Tổng thống Mỹ dứt khoát trả lời “không” và lắc đầu. Sau đó, ông Trump nói thêm “không có khả năng”. Thế nhưng, Tổng thống Mỹ cho biết ông và ông Tập có thể gặp nhau sau đó.
Tháng trước, ông Trump nói với các phóng viên rằng ông đã lên kế hoạch gặp ông Tập vào cuối tháng 2/2018, đồng thời nói thêm nhiều khả năng là cả hai bên sẽ tiến tới một thỏa thuận.
Thời gian dần trôi và hạn chót để Mỹ và Trung Quốc tiến tới một thỏa thuận đang tới gần. Được biết, sau ngày 01/03/2019, nếu cả hai bên không thể tiến tới một thỏa thuận, Mỹ sẽ nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Mặc dù trước đó, Mỹ cho biết đây là một hạn chót khó mà thay đổi, nhưng ông Trump cũng để ngỏ khả năng gia hạn thời gian thương lượng nếu có tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại.
Một nhà đầu tư lên tiếng cảnh báo, ông Trump có lẽ có động lực hạn chế để tiến tới một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sẽ dẫn dắt một phái đoàn tới Bắc Kinh để đàm phán thương mại vào tuần tới. Tuần trước, ông Lighthizer nói với các phóng viên rằng không chắc là cả hai bên có thể tiến tới một thỏa thuận.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Trump cho biết quyết định không tổ chức cuộc gặp gỡ Trump-Tập trước ngày 01/03/2019 không nên được xem là dấu hiệu các cuộc đàm phán đã tan vỡ. Thay vào đó, điều này là do lượng công việc cần phải giải quyết đang còn quá nhiều. Cả hai nhà lãnh đạo có thể trao đổi qua điện thoại, vị quan chức này cho hay.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|