Thứ Bảy, 09/02/2019 15:00

21 cách để cải thiện trí tuệ cảm xúc chỉ vài phút mỗi ngày

Khái niệm 'trí tuệ cảm xúc' đang dần trở nên phổ biến. Đây là khái niệm đã xuất hiện từ lâu, cho rằng chúng ta có thể phát triển khả năng xác định, thấu hiểu và quản lý cảm xúc. Khái niệm này đã nhận được nhiều sự quan tâm trong những năm gần đây, một phần do tình trạng xã hội phân cực mà chúng ta hiện đang sống. Ngoài ra, nhiều người trong thế hệ trẻ lần đầu tiên phát hiện ra các nguyên lý cơ bản cũng như lợi ích của trí tuệ cảm xúc (EQ).

Nếu bạn đang tìm cách để cải thiện trí tuệ cảm xúc của mình, bạn sẽ bắt đầu từ đâu?

Trong cuốn sách mới EQ Applied: The Real-World Guide to Emotional Intelligence (tạm dịch EQ ứng dụng: Hướng dẫn thực tế về trí tuệ cảm xúc), tác giả Justin Bariso đưa ra một số lời khuyên thực tế, rõ ràng mà bạn có thể áp dụng trở thành thói quen hàng ngày, hầu hết chỉ mất vài phút mỗi ngày.

Dưới đây là 21 lời khuyên:

1. Hỏi và suy ngẫm

Trong tuần này, hãy trích ra một khoảng thời gian để trả lời một số câu hỏi sau đây. Sau đó, tìm một vài người mà bạn tin tưởng hỏi họ những câu hỏi này.

  • Tâm trạng ảnh hưởng đến suy nghĩ và khả năng ra quyết định của tôi như thế nào?
  • Tôi (hoặc bạn) thấy phong cách giao tiếp của tôi như thế nào, và ảnh hưởng của nó đối với người khác?
  • Những đặc điểm nào ở người khác làm phiền tôi? Tại sao?
  • Tôi có thấy khó khăn khi thừa nhận mình sai không? Tại sao có và tại sao không?
  • Điểm mạnh của tôi là gì? Điểm yếu của tôi là gì?

Hãy suy ngẫm về các câu trả lời, sử dụng chúng để hiểu về bản thân và cảm xúc của bạn rõ hơn.

2. Sử dụng từ vựng cảm xúc của bạn

Khi bác sĩ cố gắng chẩn đoán bệnh tình, anh ấy hoặc cô ấy sẽ yêu cầu bạn mô tả nỗi đau mà bạn đang cảm thấy. Họ có thể yêu cầu bạn sử dụng các từ như: Đau nhói, uể oải, nóng rát, đau buốt, đau nhức, chuột rút, giày vò, nặng nề, nứt nẻ, buồn nôn, hồi hộp, dễ tổn thương. Bạn càng mô tả cụ thể, bác sĩ càng dễ chẩn đoán được vấn đề và kê đơn điều trị thích hợp.

Đối với cảm xúc của bạn cũng vậy: Bằng cách sử dụng các từ ngữ cụ thể để mô tả cảm xúc của bạn, sẽ dễ dàng hơn để tìm ra nguyên nhân gốc rễ của chúng và cho phép bạn giải quyết chúng tốt hơn. Vì vậy, lần tới, khi bạn nảy sinh một cảm xúc dữ dội, hãy dành ít thời gian sau đó để xử lý không chỉ những gì bạn đang cảm nhận, mà còn phải hiểu được tại sao nó lại xảy ra. Cố gắng biểu đạt cảm xúc của bạn thành lời; sau đó, xác định những gì bạn muốn làm khi rơi vào tình huống như thế.

3. Tạm dừng

Nếu bạn thấy cảm xúc của bản thân bắt đầu phản ứng trước một tình huống nào đó, hãy dừng lại. Nếu có thể, hãy đi tản bộ một chút. Khi bạn đã có cơ hội bình tĩnh lại, mới quay lại và quyết định bạn sẽ làm gì tiếp theo.

4. Sử dụng thủ thuật 3 giây

Nếu bạn có tính hay lỡ lời, đồng ý quá nhanh, hứa hẹn quá nhanh hoặc nói những điều khiến bạn sau này sẽ hối hận, hãy tự hỏi mình ba câu hỏi nhanh (mà tôi đã học được từ Craig Ferguson) trước khi nói:

  • Điều này có cần phải nói không?
  • Điều này có cần phải được nói bởi tôi?
  • Điều này có cần phải được nói bởi tôi, ngay lúc này?

Ngược lại, nếu bạn sống nội tâm hơn và thường thấy giá như bạn đã nên thể hiện bản thân như thế này hoặc như thế kia trong một thời điểm hoặc tình huống cụ thể nào đó, hãy tự hỏi:

  • Sau này tôi có hối hận vì đã không lên tiếng không?
  • Các câu hỏi đúng có thể giúp bạn kiểm soát cảm xúc và tránh được nhiều sự hối tiếc.

5. Điều chỉnh âm lượng của bạn

Khi bạn giao tiếp, người đối diện thường phản ứng theo cùng một phong cách hoặc giọng điệu nói chuyện của bạn. Nếu bạn nói với giọng điệu bình tĩnh, chừng mực, họ cũng sẽ nói chuyện với giọng điệu tương tự. Nếu bạn la hét hoặc quát tháo, họ cũng bắt đầu la hét và quát tháo.

Nếu một cuộc nói chuyện bắt đầu trở nên căng thẳng, hãy cố gắng nỗ lực để xoa dịu nó bằng cách giảm bớt âm lượng hoặc thậm chí nói chuyện dễ nghe hơn. Bạn sẽ ngạc nhiên trước cách đối phương đi theo sự dẫn dắt của bạn.

6. Suy nghĩ trước khi đề cập các chủ đề nhạy cảm

Trước khi đề cập đến một chủ đề tế nhị, hãy suy nghĩ cẩn thận về thời điểm và địa điểm nên nói, với mục tiêu giữ cho cuộc nói chuyện được ôn hòa và chừng mực.

Điều quan trọng nữa là xem xét cách bạn sẽ đề cập lại chủ đề đó. Ví dụ, mở đầu bằng một lời xin lỗi, bằng biểu hiện biết ơn hoặc bằng cách công nhận những gì bạn và đối phương cùng đồng tình để có thể khiến người khác hạ thấp sự phòng thủ của họ và trở nên cởi mở hơn với những gì bạn nói.

7. Lướt qua

Nếu cảm xúc đang chi phối phán đoán của bạn, hãy dành một chút thời gian để lướt qua chúng và xem xét hậu quả của các hành động - cả ngắn hạn và dài hạn. Làm như vậy có thể giúp tâm trí của bạn trở nên rõ ràng và đưa ra những quyết định hợp lý mà bạn sẽ hài lòng.

8. Học hỏi từ những cảm xúc tiêu cực

Nếu bạn thấy bản thân phải vật lộn với những cảm xúc tiêu cực, hãy tự hỏi:

  • Cảm giác này đang nói với tôi điều gì? 
  • Tôi có thể sử dụng cảm xúc này để thúc đẩy tôi thay đổi hay không?

9. Học hỏi từ những lần cảm xúc thái quá

"Cảm xúc thái quá" là tình huống trong đó bạn hoàn toàn mất khả năng kiểm soát cảm xúc của bản thân. Thông thường, đó là một loạt các tình huống hoặc sự kiện tích lũy và khi có một hành động xảy ra sẽ đẩy bạn vào tình thế "tức nước vỡ bờ".

Khi bạn nhận thấy mình vừa trải qua một lần “cảm xúc thái quá”, hãy thử xem lại những gì đã xảy ra bằng cách tự hỏi:

  • Tại sao tôi lại phản ứng theo cách như vậy?
  • Nếu tôi có thể làm lại, tôi sẽ thay đổi điều gì?
  • Lần sau tôi có thể nói gì với bản thân để giúp tôi suy nghĩ rõ ràng hơn?

Khi bạn bắt đầu hiểu lý do tại sao bạn phản ứng theo cách bạn đã làm, bạn có thể rèn luyện phản ứng mặc định của bản thân để bạn cư xử khác đi vào lần sau.

10. Học cách nói “không”

Thật tuyệt khi có thể trở nên tử tế và giúp đỡ người khác, nhưng bạn có giới hạn của bản thân. Nếu bạn nói “có” với mọi yêu cầu khiến bạn hao tổn thời gian và sức lực, bạn sẽ đặt bản thân vào con đường dẫn tới sự kiệt sức.

Và hãy nhớ rằng, mỗi khi bạn nói “có” với điều gì đó bạn không thực sự muốn, bạn thực sự đang nói “không” với những điều bạn muốn.

11. Nhờ người khác phản hồi

Hãy cụ thể. Ví dụ, các tác giả Sheila Heen và Douglas Stone khuyên bạn nên hỏi người quản lý hoặc đồng nghiệp đáng tin cậy:

  • "Điều gì bạn thấy tôi đang làm (hoặc chưa làm được) đang khiến tôi chững lại không tiến bộ được?"

12. Biến những lời chỉ trích thành phản hồi mang tính xây dựng

Khi bạn nhận được lời chỉ trích, hãy chống lại sự thôi thúc “cái tôi đang bị tổn thương”. Thay vào đó, hãy tập trung trả lời hai câu hỏi:

  • Đặt cảm xúc cá nhân của tôi sang một bên, tôi có thể học được gì từ quan điểm trái chiều này?
  • Làm cách nào tôi có thể sử dụng phản hồi này để giúp tôi cải thiện?

Hãy nhớ rằng hầu hết những lời chỉ trích đều bắt nguồn từ sự thật. Và ngay cả khi không phải như thế, nó cũng cung cấp cho bạn một cơ hội giá trị khi biết được quan điểm của người khác.

13. Học hỏi từ sự khen ngợi

Lần tới khi có ai đó khen bạn, hãy cảm ơn họ một cách lịch sự. Sau đó, hãy tự hỏi mình như sau:

  • Tôi có thể học được gì từ sự khen ngợi của họ?
  • Tôi đã làm gì tốt? Làm thế nào tôi có thể lặp lại nó?
  • Ai đã giúp tôi làm tốt như thế? Tôi cũng có thể cảm ơn hay khen ngợi họ không?

14. Luyện tập sự đồng cảm

Khi một người nói với bạn về những gì họ đang phải trải qua, hãy chăm chú lắng nghe. Hãy chống lại sự thôi thúc đánh giá người khác hoặc tình huống, làm họ gián đoạn để chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, hoặc đề xuất một giải pháp. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc hiểu được “tại sao và như thế nào”: Người đó cảm thấy như thế nào và tại sao họ lại cảm thấy như vậy.

Sau đó, hãy tự hỏi:

  • Có lúc nào mình cũng đã từng rơi vào tình trạng tương tự như những gì người này đã mô tả?

Một khi bạn đã hiểu rõ hơn về cảm giác của người đó, hãy cố gắng chia sẻ dựa trên cảm xúc của họ.

15. Khen ngợi người khác

Trong một tháng, hãy lên lịch 20 phút mỗi tuần để suy ngẫm về những gì bạn đánh giá cao về một người quan trọng đối với bạn. Đó có thể là “một nửa kia” quan trọng của bạn (hoặc một thành viên khác trong gia đình bạn), bạn bè, đối tác kinh doanh hoặc đồng nghiệp.

Sau đó, dành một chút thời gian để viết cho họ một ghi chú ngắn, gọi cho họ hoặc trực tiếp gặp họ. Nói với họ cụ thể cách họ đã giúp bạn hoặc những gì bạn đánh giá cao về họ. Đừng đề cập bất kỳ chủ đề hoặc vấn đề nào khác; chỉ cần thể hiện một chút tình cảm.

16. Chống lại nỗi sợ hãi - bằng kiến ​​thức

Cố gắng xác định các tình huống mà người khác sử dụng nỗi sợ để ảnh hưởng đến cảm xúc và hành động của bạn. Vì chúng ta có xu hướng sợ những điều chưa biết, nên hãy tìm hiểu và xem xét các ý kiến ​​trái chiều trước khi đưa ra phán quyết hoặc quyết định. Hãy nỗ lực để thấy được bức tranh tổng thể.

17. Học cách nói xin lỗi

Có lẽ không có hai từ nào khó nói hơn hai từ:

"Xin lỗi".

Nhưng bằng việc học cách nhận ra lỗi lầm của bản thân và xin lỗi khi thích hợp, bạn sẽ phát triển những phẩm chất như khiêm tốn và chân thật, thế là tự nhiên người khác sẽ đánh giá tốt về bạn. Ngoài ra, hãy nhớ rằng xin lỗi không phải lúc nào cũng cần làm rõ “đúng và sai”; đó là vì bạn xem các mối quan hệ quan trọng hơn cái tôi.

18. Tha thứ

Từ chối tha thứ cũng giống như trét đất vào vết thương - bạn không bao giờ cho bản thân cơ hội để lành lại.

Thay vì tiếp tục oán giận trong khi người phạm lỗi tiếp tục cuộc sống của họ, sự tha thứ cũng cho bạn cơ hội để tiếp tục.

19. Hãy trung thực

Trở nên chân thực có nghĩa là chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc thật của bạn với người khác, nhận ra không phải ai cũng sẽ giống như bạn và bạn có thể bình thường với điều đó. Nhưng bạn phải bày tỏ sự trung thực một cách chân thành nếu bạn muốn có được sự tôn trọng của người khác.

Trung thực không có nghĩa là chia sẻ mọi thứ về bản thân, với mọi người mọi lúc. Mà nó có nghĩa là nói những gì bạn muốn nói, thực sự làm được những gì bạn nói và hơn hết là luôn tuân theo các giá trị và nguyên tắc của bạn.

20. Luôn cảnh giác

Cảnh giác với những người liên tục tìm cách vuốt ve cái tôi của bạn, đẩy mối quan hệ lên mức bạn chưa sẵn sàng hoặc nhanh chóng thể hiện sự ấm áp và tình cảm nhưng sau đó nhanh chóng mất bình tĩnh hoặc tìm cách khác để "trừng phạt" bạn khi họ không nhận lại được theo cách mà họ muốn.

Nếu một mối quan hệ dường như đang tiến triển quá nhanh, đừng ngại làm nó chậm lại. Và đừng ngại nói “không” khi cần thiết.

21. Kiểm soát suy nghĩ của bạn

Khi bạn gặp một tình huống tiêu cực, thật khó để kiểm soát cảm xúc của bạn. Nhưng khi bạn tập trung vào suy nghĩ của bản thân, bạn có thể kiểm soát phản ứng trước những cảm xúc đó.

Đừng cố gắng phớt lờ cảm xúc của bạn; thay vào đó, thừa nhận chúng. Sau đó, hướng về mục tiêu và giá trị của bạn mà hành động.

Đó là trí tuệ cảm xúc: Để cảm xúc phục vụ cho bạn, thay vì chống lại bạn.

Tuệ Nhiên (Theo Inc.)

FILI

Các tin tức khác

>   Chưa Tết, giá thịt gà đã tăng mạnh (20/01/2019)

>   Những “tuyệt chiêu” tăng năng suất giúp bạn tiết kiệm thời gian cho năm 2019 (06/02/2019)

>   Bill Gates xếp hàng chờ mua đồ ăn nhanh (18/01/2019)

>   Thưởng Tết tăng (18/01/2019)

>   Nhiều đô thị Việt Nam khủng hoảng chôn lấp rác (17/01/2019)

>   Người Sài Gòn tìm xe đời mới, Hà Nội chuộng xe đời cũ (17/01/2019)

>   Chi phí mua và sử dụng ôtô ở Singapore đắt nhất thế giới (16/01/2019)

>   Cảnh báo hiện tượng 'không đặt mua vẫn được giao hàng' (15/01/2019)

>   Làm thế nào để làm việc nhóm hiệu quả hơn? (12/02/2019)

>   Thị trấn Mỹ bán nhà giá 1 đôla (13/01/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật