Xuất khẩu vẫn ăn đong
Phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu giá cao khiến doanh nghiệp mất đi tính chủ động trong kinh doanh, hạn chế sự sáng tạo và khó có thể nâng cao giá trị sản xuất
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, đánh giá dù tăng trưởng ngành dệt may luôn ở ngưỡng hai con số nhưng không phát triển đồng đều ở các khâu, phải nhập nguyên liệu nước ngoài, khiến doanh nghiệp (DN) mất đi tính chủ động trong kinh doanh, hạn chế sự sáng tạo và khó có thể nâng cao giá trị sản xuất.
Lợi nhuận ít, rủi ro nhiều
"Phân khúc sản xuất vải, bao gồm dệt, nhuộm, hoàn tất, kém phát triển, tạo ra thế "nút thắt cổ chai". Lượng vải nhập năm 2017 là 6,5 tỉ m trong tổng nhu cầu nội địa là 9,5 tỉ m. Ngoài DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sở hữu cả chuỗi cung ứng, chỉ có vài DN lớn trong nước có khâu nhuộm nhưng quy mô nhỏ và chất lượng ở mức trung bình" - ông Tuấn nêu thực trạng.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, cho biết từ sau năm 2015, đã có nhiều DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) sản xuất nhựa tổng hợp, giả da cao cấp, phụ liệu kim khí, nhựa, chỉ may...với chất lượng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của xuất khẩu. Tuy nhiên, nhìn chung năng lực sản xuất CNHT trong ngành còn yếu, thiếu đồng bộ, chất lượng sản phẩm nguyên liệu chưa cao, khó cạnh tranh về giá với Trung Quốc. Việt Nam vẫn phải nhập khẩu thiết bị, phụ tùng ngành da giày từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức… và nhập da thuộc từ Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Úc…
Ngành da giày phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu Ảnh: Hoàng Triều
|
Tương tự, ngành điện tử xuất khẩu lớn nhưng hiện phải nhập khoảng 77% giá trị sản phẩm. Ngành dược nhập khẩu 85%-90% nguyên liệu. Ngành nhựa cũng rơi vào tình trạng tăng trưởng tốt, đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính như Nhật, Anh, Đức, Mỹ, Hà Lan… nhưng chỉ được biết đến như là một ngành kinh tế - kỹ thuật về gia công chất dẻo. Nguyên nhân do phải nhập nguyên liệu nhựa lượng lớn với chi phí chiếm khoảng 70%-80% giá thành, dẫn đến giá bán khó cạnh tranh.
Tại triển lãm sơn phủ và mực in tổ chức tại TP HCM cuối tháng 12-2018, bà Nguyễn Thị Lạc Huyền, Chủ tịch Hiệp hội Sơn và Mực in Việt Nam, nhìn nhận thách thức lớn đối với các DN ngành sơn nội địa vẫn là giá nguyên liệu nhập khẩu. Từ đó, lợi nhuận bị ảnh hưởng không nhỏ.
Về tổng thể, Tổng cục Thống kê cũng chỉ rõ tỉ lệ giá trị nguyên liệu đầu vào nhập khẩu so với giá trị hàng hóa sau gia công ở nhóm ngành dệt may là 67,1%; nhóm hàng điện thoại 78,9%; da giày 47%... Điều này cho thấy tỉ lệ nội địa hóa của Việt Nam còn thấp, đặt ra nhiều rủi ro cho DN xung quanh các vấn đề tỉ giá, thuế, thủ tục nhập khẩu…
Vực dậy công nghiệp hỗ trợ
Ông Nguyễn Văn Tuấn nhìn nhận nguyên nhân khiến quy trình của ngành dệt may bị "đứt gãy" tại phân khúc nhuộm là do thiếu hạ tầng cơ sở phục vụ ngành, thiếu khu công nghiệp chuyên ngành. Đặc biệt, DN nội địa thiếu kinh nghiệm, hạn chế về trình độ kỹ thuật, thiết bị máy móc và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. "Chiến lược phát triển CNHT hướng tới sự phát triển ổn định và bền vững của ngành dệt may cần lấy việc xóa bỏ yếu kém trong khâu sản xuất vải nói chung và trong phân khúc nhuộm nói riêng làm cốt lõi. Mục tiêu là đáp ứng được 45% nhu cầu vải vào năm 2020, tức phải sản xuất thêm 1,7 tỉ mét; đáp ứng 65% vào năm 2025, tức thêm 10 tỉ mét. Để làm được, cấp thiết phải bổ sung ưu đãi đầu tư các khu công nghiệp chuyên ngành; thúc đẩy hợp tác, liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ giữa DN trong và ngoài nước" - Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam góp ý.
Tuy nhiên, không phải muốn phát triển CNHT là có thể làm được ngay. Ông Phạm Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn giải pháp quản lý năng suất - chất lượng, cho rằng có quá nhiều khó khăn mà DN CNHT của Việt Nam phải vượt qua. Trong đó, quan trọng nhất là chất lượng, năng suất, tiến độ giao hàng. "Xu hướng hiện nay là đơn hàng ngày càng nhỏ nhưng đòi hỏi đa dạng về chủng loại. Trước kia, đơn hàng da giày khoảng 30.000-40.000 đôi, các nhà máy có thể sản xuất thời gian đầu năng suất thấp và nâng cao dần để bù vào. Nay, đơn hàng chỉ vài ngàn đôi, nếu không tăng năng suất từ đầu thì không thể đáp ứng" - ông Thắng nêu thực tế và nhấn mạnh đầu tư vào CNHT không nhất thiết phải nhiều vốn mà cần "tinh" và được hỗ trợ về công nghệ.
Bà Trương Thị Chí Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội CNHT Việt Nam, nhận định do ngành công nghiệp chậm phát triển, kinh tế tư nhân còn hạn chế và không có truyền thống nên Việt Nam không có thế mạnh ở CNHT. Không giống như kinh doanh thương mại, thích thì đổ vốn vào, theo bà Bình, nền sản xuất, chế tạo phải có nền tảng tốt về kiến thức công nghệ, kinh nghiệm quản trị thì mới theo đuổi và hạ giá thành được. Để DN làm được CNHT trong bối cảnh hiện nay, bà cho rằng nhà nước cần có sách lược đàm phán với tập đoàn lớn để họ "nhường" lại cho DN Việt Nam một mảng công nghệ nào đó. Dù đây là giải pháp "phi thị trường" nhưng chỉ như vậy, DN trong nước mới có sân để làm.
Giới chuyên gia năng lượng thì lưu ý cần đầu tư phát triển ngành công nghiệp hóa dầu một cách tương xứng và bảo đảm môi trường để đáp ứng nhu cầu cấp thiết về sản xuất nguyên liệu nhựa, polymer. Với những ngành không đòi hỏi sản xuất nguyên liệu cầu kỳ, để hạn chế tình trạng giá thành nguyên liệu nhập khẩu biến động gây áp lực về tài chính, khó kiểm soát chất lượng, cần có chính sách ưu đãi mạnh hơn nhằm khuyến khích phát triển các vùng nguyên liệu phù hợp với điều kiện, lợi thế, nhất là với ngành dược, thủy sản, gỗ…
Tổ chức lại sản xuất và xuất khẩu
Để tạo điều kiện xuất khẩu bền vững, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030. Theo đó, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu với giải pháp xuyên suốt là tổ chức lại sản xuất và xuất khẩu.
|
Phương Nhung
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|