Vận tải biển Việt Nam lo "thiếu" nhân lực
Dù nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ cho ngành hàng hải không ngừng gia tăng, song giới trẻ vẫn không mấy mặn mà và lượng người theo học ngành này liên tục giảm trong 10 năm qua
Thống kê của Trường Đại học Hàng hải cho thấy chỉ trong 10 năm (từ năm 2009 đến 2018), lượng học sinh tốt nghiệp THPT trúng tuyển vào ngành hàng hải gồm điều khiển tàu biển và khai thác máy tàu biển đã giảm đến 10 lần.
Cực nhọc nhưng lương thấp
PGS-TS Phạm Xuân Dương, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Hàng hải, cho rằng Chính phủ vẫn luôn xác định phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ trọng tâm và thật khó chấp nhận khi muốn phát triển kinh tế biển, Việt Nam lại phải tuyển nguồn nhân lực từ nước ngoài.
Theo ông Dương, số lượng tuyển đầu vào của các ngành đi biển nói chung tại trường đang ngày càng giảm dần, nếu tiếp tục theo đà này thì thời gian tới chắc chắn sẽ không còn nhân lực trong nước để các doanh nghiệp tuyển dụng. Ông Dương dẫn chứng ngành khai thác máy tàu biển của trường giảm rất mạnh, thời điểm năm 2009 tuyển được 400 sinh viên thì cả năm 2018 chỉ tuyển được 41 sinh viên và chắc chắn cũng sẽ phải mất ít nhất 4 năm đào tạo để các em có thể đáp ứng được yêu cầu công việc.
PGS-TS Phạm Văn Thuần, Trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Hàng hải, cho rằng nguyên nhân khiến giới trẻ hiện nay không còn mặn mà với ngành đi biển bởi đây là ngành đặc thù, môi trường làm việc vất vả, phải xa gia đình nên tâm lý gắn bó với nghề không cao, đó là chưa kể những rủi ro mang tính đặc thù của ngành này thường gặp phải. Mặt khác, hiện mức lương khởi điểm trong ngành này tại Việt Nam chỉ dao động khoảng 10 triệu đồng/tháng, trong khi chủ tàu Trung Quốc trả thấp nhất cũng khoảng 14-15 triệu đồng/tháng; các chủ tàu Nhật Bản, Hàn Quốc trả khoảng 30-40 triệu đồng/tháng. "Cơ hội việc làm trên bờ hiện cũng được cải thiện khi nhiều khu công nghiệp mở ra thu hút lượng lớn học sinh tốt nghiệp THPT với thời gian đào tạo ngắn hạn là có thể đi làm ngay, mức lương cũng tương đối hấp dẫn so với việc phải theo học đại học mất 4 năm hoặc cao đẳng từ 2,5-3 năm" - ông Thuần nêu.
Mở rộng cơ chế tuyển sinh
Đề xuất giải pháp tránh nguy cơ thiếu nguồn nhân lực phục vụ ngành vận tải biển trong những năm tới, lãnh đạo Trường Đại học Hàng hải kiến nghị các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị thông tin tuyển dụng 2 ngành điều khiển tàu và khai thác máy tàu biển để thông báo cho trường. Từ nhu cầu này, trường chủ động cung cấp thông tin trong quá trình tuyển sinh, giới thiệu sinh viên đến với doanh nghiệp.
Theo PGS-TS Phạm Văn Thuần, doanh nghiệp cũng có thể thảo luận và ký kết hợp đồng với thí sinh để cụ thể hóa các cam kết về tài trợ học bổng, điều kiện việc làm sau tốt nghiệp... Sau khi thống nhất, doanh nghiệp gửi công văn đề nghị trường tuyển thẳng các thí sinh đã có ký kết hợp đồng với doanh nghiệp và có kết quả thi THPT năm 2019 hoặc kết quả xét học bạ đạt ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của nhà trường.
Ông Hoàng Văn Dương, Giám đốc Công ty CP Hàng hải Liên Minh - đơn vị hoạt động chuyên về đào tạo và cung ứng thuyền viên cho chủ tàu trong và ngoài nước, cho biết doanh nghiệp này vừa nhận được 2 đơn đặt hàng nhân lực đi biển với mức lương khá hấp dẫn là 11 USD/ngày. Nhu cầu nhân lực trong năm 2019 của công ty là khoảng 30 người và năm 2020 là 50 người. "Chúng tôi cũng đã nhận thấy thực tế trong tương lai gần, chúng ta sẽ thiếu nguồn nhân lực đi biển. Thời gian qua, chúng tôi đã chủ động trong việc phối hợp với Trường Đại học Hàng hải để tài trợ học bổng cho sinh viên, hỗ trợ ngay trước khi các em bước vào trường cho đến khi ra trường" - ông Dương nói.
Ông Dương bày tỏ sự đồng thuận cao trước giải pháp mà Trường Đại học Hàng hải đưa ra và cho biết sẽ đẩy mạnh việc vận động các thuyền viên có con em học năm cuối THPT nếu học bạ tốt sẽ ký kết với công ty để từ đó đề xuất trường tuyển thẳng. "Vận tải biển hiện nay và trong tương lai vẫn sẽ là lĩnh vực đóng góp chính vào sự thúc đẩy hoạt động giao thương, kết nối giữa các quốc gia trên thế giới. Những người theo ngành này cũng được làm việc trên con tàu ngày càng hiện đại, tiện nghi và mức lương được hưởng cũng rất cao" - ông Dương nhận định.
Các doanh nghiệp tìm giải pháp
Ông Dương Ngọc Tú, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải biển Vinaship, cho biết doanh nghiệp hiện nay cũng đã phải chủ động tuyển dụng lao động trẻ, sau đó đưa đi đào tạo ngắn hạn. Trong năm 2019, doanh nghiệp sẽ cần thêm khoảng 20 lái tàu và 15 thợ máy. Bản thân doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ cho sinh viên nhưng cũng cần sự rạch ròi trong vấn đề những sinh viên được hỗ trợ sẽ gắn kết như thế nào với doanh nghiệp. "Chúng ta hỗ trợ sinh viên trong đào tạo nhưng cũng cần phải biết việc hỗ trợ đó mang lại hiệu quả ra sao, không thể hỗ trợ rồi sau đó sinh viên lại chọn những doanh nghiệp khác" - ông Tú băn khoăn.
Ông Tú cũng kiến nghị Trường Đại học Hàng hải cần phải tập trung mạnh trong việc truyền thông đào tạo về ngành nghề đi biển, xây dựng thế mạnh đào tạo lĩnh vực này chứ không thể đưa một trường chuyên về hàng hải lại có đến 60%-70% đào tạo về kinh tế và những chuyên ngành khác không thuộc lĩnh vực.
Còn ông Trần Trung Quốc, Phó Giám đốc Công ty CP Vận tải Nhật Việt (TP HCM), cho biết đơn vị đang có hàng chục con tàu biển, hoạt động chủ yếu tại Nhật Bản. Ông Quốc thừa nhận thực tế hiện nay công tác tuyển dụng nhân lực đi biển đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, vì vậy mà doanh nghiệp này cũng mong muốn sẽ có sự hợp tác với trường trong công tác xây dựng nguồn nhân lực. "Chúng ta phải nhìn thẳng vấn đề là mặt bằng chung đang cho thấy sức hấp dẫn của ngành đi biển ngày càng kém đi khi chế độ cũng như chính sách bảo hộ của chúng ta chưa phát huy được hiệu quả" - ông Quốc nêu.
Đáng báo động!
Ông Trần Trung Quốc nhận xét ở Nhật Bản nguồn nhân lực đào tạo đi biển bị suy giảm sau 60 năm, còn chúng ta chỉ có 10 năm mà đã giảm đến 10 lần thì quả là đáng báo động. Cứ theo tình hình hiện nay thì chỉ trong khoảng 3-4 năm tới, các doanh nghiệp muốn tuyển dụng sẽ không có người để tuyển. "Nếu tính trung bình trên cả nước thì nhu cầu ít nhất cũng lên tới 500-600 người/năm, trong khi Trường Đại học Hàng hải năm 2018 chỉ tuyển được 41 sinh viên ngành khai thác máy tàu biển thì rõ ràng là không đủ đáp ứng" - ông Quốc nói.
|
Cần 15.000 sĩ quan, thuyền viên
Thông tin tổng quan về tình hình nguồn nhân lực vận tải biển, PGS-TS Phạm Văn Thuần cho biết nhu cầu nguồn nhân lực đi biển căn cứ theo Quyết định 1517 của Thủ tướng Chính phủ ngày 26-8-2014 về quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì đến năm 2020 phải đào tạo và bồi dưỡng đạt khoảng 42.000 sĩ quan, thuyền viên. Trong đó, cần phải đào tạo mới khoảng 15.000 người, bao gồm 7.000 người bổ sung theo yêu cầu phát triển đội tàu và 8.000 người thay thế lực lượng hiện có. Cơ cấu đào tạo là khoảng 6.000 sĩ quan quản lý và 9.000 thuyền viên, công nhân kỹ thuật hàng hải.
Tuyển sinh vào Trường Đại học Hàng hải ngày càng ít
Theo số liệu thống kê tính đến cuối năm 2018, đội tàu biển mang quốc tịch Việt Nam có 1.593 chiếc, trong đó có trên 500 tàu hoạt động tuyến quốc tế. "Nếu tính trung bình trên một tàu cần khoảng 15 người thì nhu cầu nhân lực phục vụ ngành đi biển là rất lớn" - ông Thuần nhận định.
|
Bài và ảnh: TRỌNG ĐỨC
Người Lao động
|