Loại bỏ tham nhũng chính sách
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: "Phải chống trì trệ trong bộ máy hành chính và tránh tình trạng bắn chỉ thiên, tức là việc ông nói, ông cứ nói, nhưng đi vào cuộc sống hay không, thực hiện hay không thì tùy".
Chiều 21-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp tổng kết năm 2018, triển khai kế hoạch hoạt động năm 2019 của Tổ công tác của Thủ tướng (Tổ công tác).
Cắt bỏ giấy phép con
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết sau gần 3 năm hoạt động, Tổ công tác đã tiến hành 61 cuộc kiểm tra tại 20/22 bộ ngành, 1 cơ quan thuộc Chính phủ; 13 địa phương; 10 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Trong đó, 27 cuộc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao và 34 cuộc kiểm tra chuyên đề… "Tổ công tác đã quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng trong xây dựng và hoàn thiện thể chế phải từ bỏ tư tưởng "cài cắm", "tham nhũng chính sách", phải rà soát, cắt bỏ tất cả những gì là rào cản, giấy phép con gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Đồng thời, Tổ công tác kịp thời phát hiện những rào cản liên quan đến thể chế, chính sách… như việc thay đổi chính sách thuế cho vải nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu được doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam đồng tình.
Việc thay đổi kịp thời chính sách thuế cho vải nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu được doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam đồng tình Ảnh: Hoàng Triều
|
Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, sự trì trệ trong cải cách hành chính, những bất cập, yếu kém trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được kịp thời khắc phục, chấn chỉnh. Cụ thể, có 49 văn bản về thực hiện cải cách hành chính đã ban hành, các bộ, ngành đã rà soát và trình Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa 1.066 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân không cần thiết… Trong năm 2018, xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện 13 bậc.
Đến nay, các bộ đã trình ban hành và ban hành được 49 văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh. Cắt giảm 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 3.345/6.191 điều kiện kinh doanh đã được đơn giản, cắt giảm. Từ đó giúp tiết kiệm gần 17,5 triệu ngày công/năm, tương đương gần 6.600 tỉ đồng…
Vẫn còn nể nang
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lại đầu nhiệm kỳ số nợ đọng những chủ trương, quyết định quan trọng của Chính phủ quá lớn (1/4 số nhiệm vụ nợ đọng). Cơ chế, chính sách nhiều nhưng chưa đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc không tháo gỡ kịp thời nên vấn đề lợi ích nhóm, thực thi pháp luật, tham nhũng chính sách, ách tắc, chậm trễ trong thực thi… nổi lên. Kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, công chức còn nhiều bất cập.
Trước thực tế này, tháng 8-2016, Thủ tướng đã quyết định thành lập Tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vấn đề trên. "Phải chống trì trệ trong bộ máy hành chính và tránh tình trạng bắn chỉ thiên, tức là việc ông nói, ông cứ nói nhưng đi vào cuộc sống hay không, thực hiện hay không thì tùy. Tổ công tác ra đời đã giải quyết những việc cấp bách, chống trì trệ" - Thủ tướng biểu dương.
Thủ tướng đánh giá kết quả lớn nhất của tổ công tác sau 3 năm là góp phần cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh. Theo Thủ tướng, cứ sinh ra thủ tục, sinh ra cơ chế xin - cho, sinh ra sự rườm rà là tạo điều kiện cho tham nhũng. Tổ công tác cùng các bộ, ngành, địa phương đã phát hiện chồng lấn thì cắt bỏ, cái gì trống thì phải ban hành thể chế, chính sách để quản lý tốt hơn. Nhiều vấn đề bức xúc trong chỉ đạo, điều hành của bộ, ngành, Chính phủ đã được tập trung tháo gỡ. "Tôi đánh giá cao cách làm của Tổ công tác như kiểm tra những việc nổi cộm… Sự độc lập, không ngại va chạm của các thành viên Tổ công tác là vấn đề rất quan trọng. Phong bì đưa tới thì ngại nói lắm" - Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra tình trạng nể nang trong thực thi nhiệm vụ, còn bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra chưa hoàn thành nhiệm vụ theo đúng thời gian, vẫn báo cáo xin lùi thời gian, nhiều đề án lùi từ tháng này sang tháng khác. Đây là vấn đề kỷ cương, kỷ luật công vụ, cần kiên quyết khắc phục. Nói chung đã triển khai tốt nhưng vẫn có trường hợp còn nể nang. "Cần mạnh tay hơn, thẳng thắn hơn với các chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng trong vấn đề thực thi nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Mất lòng trước thì đỡ mất lòng sau, ông bà ta vẫn nói như vậy. Cần mạnh dạn hơn nữa, không được né tránh" - Thủ tướng nhắc nhở.
Mặt khác, theo Thủ tướng, việc kiểm tra các bộ, cơ quan địa phương mới dừng ở theo đầu việc, theo dõi tiến độ mà chưa kiểm tra, đánh giá chất lượng kết quả thực hiện công việc được giao. Thủ tướng đề nghị Tổ công tác phải vào cuộc mạnh mẽ hơn trong nhiệm vụ được giao, tăng cường đi cơ sở để nghe, tháo gỡ những vấn đề đặt ra.
Trong 2 năm 2017-2018, có 14.906 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp được tiếp nhận, trong đó 2.464 phản ánh, kiến nghị được chuyển đến các bộ, ngành, địa phương và đã trả lời, đăng tải công khai được 2.024 phản ánh, kiến nghị.
|
Thế Dũng
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|