Trung Quốc – vấn đề cốt lõi
Vào giữa năm 2018, Apple chính thức trở thành công ty đầu tiên chạm mốc vốn hóa 1 ngàn tỷ USD. Sau khi tuyên bố giảm dự báo doanh thu vì những khó khăn ở Trung Quốc, vốn hóa của Apple bỗng trở về gần mốc 700 tỷ USD và sẽ còn nhiều khó khăn ở phía trước.
Cú vấp của Apple cũng làm nổi lên những rủi ro ngắn hạn từ cả chiến tranh thương mại Mỹ-Trung lẫn đà giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc. Không chỉ vậy, điều này còn đưa ra lời cảnh báo quan trọng trong dài hạn: Kỷ nguyên trong đó các công ty toàn cầu phụ thuộc vào đà tăng trưởng mạnh của Trung Quốc có thể đã gần đến hồi kết.
Tim Cook, CEO của Apple, cho rằng những khó khăn của Công ty đều là do sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc. Các khách hàng đã ngừng nâng cấp điện thoại. Nỗi lo ngại về thương mại đang khiến người tiêu dùng vẫn còn nghi ngại về tương lai.
Dù vậy, cú vấp của Apple cũng có một phần do chính Apple. Điện thoại iPhone có giá “chát” hơn so với những dòng điện thoại thông minh Trung Quốc. Những công ty điện thoại thông minh Trung Quốc dường như đang hoạt động khá ổn. Apple cũng bị tác động từ những mảng khác, chẳng hạn như dịch vụ yếu hoặc bị hạn chế ở mảng âm nhạc và ứng dụng, Matthew Brennan, chuyên gia công nghệ Trung Quốc, cho hay.
Thế nhưng, quan điểm của ông Cook về Trung Quốc là đúng. Cú vấp tuần trước có thể không phải là điểm chấm dứt những rắc rối của Apple ở Trung Quốc. Triển vọng ngắn hạn là vô cùng khó khăn, nhưng những thách thức thực sự nằm ở dài hạn. Những ai trông chờ vào đà hồi phục trong thời gian tới sẽ phải thất vọng.
Nền kinh tế Trung Quốc có thể vẫn tăng trưởng 6.2% trong năm 2019, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nghe có vẻ khá tốt. Thế nhưng, cũng có khả năng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc mạnh hơn. Dữ liệu mới nhất trong tháng 12/2018 cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp Trung Quốc thu hẹp lần đầu tiên trong gần 2 năm.
Bộ phận phân tích từ Goldman Sachs dự báo, đà giảm của nhu cầu tại Trung Quốc sẽ khiến kết quả hoạt động của Apple suy yếu thêm trong đầu năm nay. Cuộc chiến thương mại càng làm Apple thêm đau đầu. Các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đang tổ chức họp ở Bắc Kinh trong tuần này và biết đâu được, bằng một cách thần kỳ nào đó, họ có thể tiến tới một thỏa thuận thương mại, mặc dù khả năng không cao.
Thế nhưng, bài học dài hạn từ cú vấp của Apple có vẻ đáng lo ngại hơn, chẳng hạn như khả năng kết thúc những năm tháng tăng trưởng như vũ bão của Trung Quốc – một yếu tố đã hỗ trợ cho Apple và những công ty đa quốc gia khác. Chỉ mới năm 2015, công ty Apple còn ghi nhận nhiều quý có tăng trưởng doanh thu ở Trung Quốc vượt ngưỡng 100%. Vậy mà trong báo cáo gần đây nhất hồi tháng 11/2018, tăng trưởng doanh thu tại Trung Quốc đã giảm xuống còn 16%. Chưa dừng lại ở đó, lời cảnh báo của ông Cook hồi đầu tháng 1/2019 cho thấy tăng trưởng doanh thu có thể còn giảm mạnh.
Chẳng riêng gì Apple, những ông lớn sản xuất xe hơi General Motors, Jaguar Land Rover và Volkswagen cũng lao đao ở Trung Quốc và tất cả đang phải chịu nhiều đau thương. Những công ty sản xuất mặt hàng “sang chảnh” cũng rơi vào tình cảnh tương tự và đây là lý do tại sao cổ phiếu của LVMH (Pháp) và Kering (chủ sở hữu thương hiệu Gucci) đều rớt mạnh trong tuần trước, sau thông tin hạ dự báo của Apple, khi họ cũng đang phải vật lộn với đà giảm tốc của Trung Quốc và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Sự kết thúc cho những năm tháng bùng nổ tại Trung Quốc dĩ nhiên sẽ rất phức tạp. Một số doanh nghiệp nước ngoài sẽ tiếp tục phát triển thịnh vượng. Hãng sản xuất xe hơi BMW năm ngoái đã tiết lộ kế hoạch xây dựng một nhà máy khổng lồ thứ ba tại tỉnh Liêu Ninh, trong khi tập đoàn hóa chất BASF công bố một dự án trị giá 10 tỷ USD mới tại tỉnh Quảng Đông. Trong cả hai trường hợp, người nước ngoài cũng được phép nắm giữ phần lớn cổ phần.
Cũng có khả năng các cơ quan chức trách Trung Quốc có thể ngày càng hoan nghênh một số nhà đầu tư nước ngoài từ các nước như Đức và Nhật Bản, khi Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình, tìm kiếm các đồng minh trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Trong bất kỳ trường hợp nào, tầng lớp trung lưu của Trung Quốc vẫn đang tăng trưởng. Trong dài hạn, nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ kiếm được lợi nhuận từ việc phục vụ cho tầng lớp này.
Có lẽ kịch bản tốt nhất là tốc độ tăng trưởng Trung Quốc sẽ giảm từ từ xuống dưới mức 6%. Cuộc chiến thương mại đang khiến kịch bản này khó xảy ra, ngay cả trong ngắn hạn. Nhưng trong dài hạn còn tệ hơn, khi xét tới những rủi ro mà Trung Quốc đang phải đối mặt, từ dân số già hóa nhanh chóng cho tới nỗi nợ sau hàng thập kỷ đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Tệ hơn nữa, Chính phủ Trung Quốc dường như chẳng hề thể hiện sẽ thực hiện cải cách chính trị trên diện rộng – một điều có thể giúp hồi sinh nền kinh tế hoặc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hầu hết nhà đầu tư nước ngoài.
Nhưng về phần các công ty đa quốc gia, chẳng có quốc gia nào có thể thay thế cho Trung Quốc một cách rõ ràng. Ông Cook đã lạc quan nói về chuyện người tiêu dùng Ấn Độ sẽ khỏa lấp khoảng trống do Trung Quốc để lại. Những chuyên gia khác hy vọng tăng trưởng ở một nhóm nền kinh tế châu Á mới nổi có thể hỗ trợ phần nào. Đáng buồn là chẳng có dấu hiệu nào cho thấy những điều này đang diễn ra.
Việc mở khóa thị trường Ấn Độ rõ ràng là cực kỳ khó. So với Trung Quốc, tầng lớp trung lưu Ấn Độ vẫn còn khá nhỏ bé – có lẽ thấp hơn 20 triệu người – và khá nổi tiếng về khoản tiết kiệm tiền. Dù đã cố gắng thật nhiều, nhưng cả iPhone hay những chiếc túi sách Louis Vuitton hoặc xe mui trần VW cũng chẳng thể để lại dấu ấn ở thị trường này.
Trong một thập kỷ qua (hoặc hơn), nhiều công ty có tiếng tăm nhất thế giới đã tiến hành mở rộng ra nước ngoài dựa trên cơ sở nhu cầu Trung Quốc tăng mạnh như vũ bão. Thế nhưng, giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng đó quả thật bất thường. Giai đoạn đó sẽ chẳng trở lại và cũng không có khả năng xảy ra ở những quốc gia khác.
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asian Review)
FiLi
|