Thỏa thuận Brexit bị bác bỏ, rồi sao?
Thất bại cay đắng của chính quyền Anh trong cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit đã đẩy quốc gia này rơi vào tình trạng chính trị vốn đã rối nay càng rối hơn.
>> Thủ tướng Anh thất bại nặng nề trong cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit
Thủ tướng Anh Theresa May đã đưa ra một động thái trước các nhà làm luật ở Hạ viện Anh, yêu cầu họ tán thành thỏa thuận “ly hôn” giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU).
Với tỷ lệ 432/202 phản đối thỏa thuận Brexit, bà May thua tới 230 phiếu. Các chính trị gia từ các đảng chính trị khác nhau đã phản đối thỏa thuận “ly hôn” giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) của bà May – hiện đang là thỏa thuận duy nhất mà Anh và EU đồng ý về Brexit.
Đây cũng được cho là thất bại nặng nề nhất đối với một chính quyền đương nhiệm trong lịch sử chính trị Anh.
Vậy điều gì sẽ xảy ra kế tiếp?
Giờ thì chính quyền Anh chỉ có 3 ngày để vẽ ra một thỏa thuận mới. Với việc Quốc hội Anh không họp mặt trong ngày thứ Sáu (18/01), điều này có nghĩa là thỏa thuận mới sẽ phải được châu Âu chấp thuận và trình bày trước các nhà làm luật Anh vào ngày thứ Hai (21/01). Bà May xác nhận rằng bà sẽ tuân thủ theo quy trình này. Giữa lúc rối rắm, CNBC cũng dẫn ra 6 kịch bản có khả năng xảy ra – một số có thể diễn ra đồng thời.
1. Tái thương lượng
Sau thất bại nặng nề của Thủ tướng Anh, nhiều người tự hỏi liệu Thủ tướng Anh có thể điều chỉnh thỏa thuận Brexit và thay đổi được quan điểm của các nhà làm luật hay không. Thế nhưng, Theresa May và nhóm của bà có thể tin là nhiều Thành viên Quốc hội đã gần đổi ý, vì vậy, hãy chờ xem liệu bà có gấp rút tới Brussels trong một nỗ lực đòi hỏi thêm sự nhân nhượng từ châu Âu hay không.
Một rào cản lớn là “chốt chặn cuối" Bắc Ireland – vốn đóng vai trò là tấm lưới an toàn để ngăn chặn xảy ra đường biên giới cứng với Cộng hòa Ireland (vẫn là thành viên của EU). Nhiều nhà phê bình xem điều khoản này như là cách mà Anh có thể gắn chặt mãi mãi với Liên minh châu Âu (EU).
2. Cuộc tổng tuyển cử
Nhà lãnh đạo của Đảng Lao động đối lập, Jeremy Corbyn, cho biết ông kêu gọi bỏ phiếu không tín nhiệm vào chính quyền bà May trong ngày thứ Tư (16/01). Kết quả bỏ phiếu không tín nhiệm sẽ được công bố vào lúc 19h ngày thứ Tư (16/01 – giờ Luân Đôn).
Nếu phần lớn các nhà làm luật từ các đảng chính trị Anh tỏ ra không tín nhiệm chính quyền bà May thì sau đó, Quốc hội Anh hiện tại sẽ có 14 ngày để dàn xếp một thỏa thuận mới để kiểm soát quốc gia.
Nếu điều đó không thể xảy ra thì nhiều khả năng Anh sẽ tổ chức tổng tuyển cử. EU cho biết, dẫu bộ máy lãnh đạo nước Anh có thay đổi thì điều này cũng không thể làm thay đổi lập trường của họ.
3. Cuộc trưng cầu dân ý thứ hai
Cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU trong tháng 6/2016 là một cuộc thăm dò ý kiến không có ràng buộc, nhưng các nhà làm luật đã hứa với công chúng là họ sẽ hành động theo kết quả của cuộc trưng cầu dân ý này.
Khả năng xảy ra một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai ngày càng tăng, trong đó những người ủng hộ cho rằng việc tổ chức lại cuộc trưng cầu dân ý sẽ cho thấy quan điểm của công chúng về Brexit khi họ đã có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này. Trong khi đó, những người phản đối cho rằng việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần hai sẽ bỏ qua và xúc phạm quá trình dân chủ của phiếu bầu ban đầu.
Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown cho rằng nhiều khả năng, Anh sẽ tổ chức thêm một cuộc trưng cầu dân ý nữa.
“Tôi nghĩ là tại một thời điểm nào đó, Anh sẽ có thêm một cuộc trưng cầu dân ý. Tôi không thể biết được khi nào điều đó xảy ra và tôi cũng không muốn dự báo là nó sẽ diễn ra trong vài tuần tới. Thế nhưng, tôi nghĩ tại thời điểm nào đó, Anh sẽ phải giải quyết vấn đề này và cuối cùng dẫn tới một kết luận về những chi tiết chứ không chỉ là nguyên tắc của mối quan hệ Anh và châu Âu”, ông Brown cho hay.
4. Mở rộng Điều 50
Có một vài chuyên gia, nhất là những người từ phía Đảng đối lập, tin rằng Anh và EU có thể tổ chức vòng đàm phán mới.
Anh và Bắc Ireland dự kiến rời EU trong vòng chưa tới 3 tháng và vì vậy, những cố gắng thay đổi và chỉnh sửa thỏa thuận hiện tại của bà May có lẽ cần thêm thời gian.
Điều này có nghĩa là phải mở rộng Điều 50. Trong tháng 3/2017, bà May đã kích hoạt Điều 50, bắt đầu tiến trình Brexit kéo dài 2 năm cho tới ngày 29/03/2019.
Điều 50 là một phần hiệp định của EU quy định thủ tục để một thành viên rời khỏi khối liên minh 28 quốc gia. Điều nay được soạn thảo trong Hiệp ước Lisbon, nên còn được gọi là Điều 50 Lisbon. Hiệp ước này có mục đích là để tinh giản quá trình ra quyết định của khối EU.
Giám đốc đầu tư tại Barclays Investment Solutions, William Hobbs, nói với CNBC trong ngày thứ Hai (14/01) rằng các trader tiền tệ gần đây đã đặt cược vào khả năng mở rộng Điều 50.
Việc mở rộng Điều 50 sẽ phải được thông qua bởi 27 thành viên khác của EU.
5. Không có Brexit
Bất kỳ động thái nào hướng tới việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai hoặc mở rộng Điều 50 sẽ làm gia tăng suy đoán Anh sẽ không rời khỏi EU. Trong ngày thứ Hai (14/01), bà May phát biểu rằng việc không có Brexit sẽ gây “thiệt hại thảm khốc” tới niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị Anh.
Theo các chuyên gia, khả năng các nhà làm luật ngăn chặn Brexit hiện còn cao hơn cả kịch bản Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào.
Cựu binh quỹ đầu cơ Anh và là người ủng hộ Brexit, Crispin Odey, cho biết trong tuần trước rằng ông nghĩ Anh sẽ ở lại châu Âu.
“Theo tôi, Brexit sẽ không xảy ra. Tôi chỉ là không nhìn thấy điều đó xảy ra với tình hình Quốc hội như thế này”, ông nhận định.
6. Brexit không có thỏa thuận
Nếu EU không nhượng bộ và các nhà làm luật Anh không thể thông qua thỏa thuận thì khả năng Brexit mà không có thỏa thuận là khá lớn.
Trong một vài bài phân tích, các chuyên gia đã cảnh báo về thiệt hại kinh tế cực kỳ ghê gớm nếu Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận. Trích từ báo cáo của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) công bố vào cuối năm 2018, nếu kịch bản trên xảy ra thì tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên 7.5%, giá nhà ở có thể rớt 30%, Bảng Anh có thể tụt dốc và nền kinh tế có thể thu hẹp 8% trong vòng 1 năm.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|