Thị trường tài chính báo hiệu gì về suy thoại tại Mỹ?
Nhiều thị trường tài chính đang cho thấy nhiều tín hiệu đáng lo ngại, nhưng nền kinh tế Mỹ có lẽ còn chưa vội bước vào suy thoái trong năm 2019.
Khả năng xảy ra hiện tượng đường cong lợi suất đồng loạt bị đảo ngược trên thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ đã tạo ra tín hiệu đáng lo ngại nhất và đang dần dần trở thành hiện thực. Được biết, hiện tượng đảo ngược của đường cong lợi suất được xem là một chỉ báo sớm về suy thoái tại Mỹ trong hơn nửa thế kỷ qua. Khi đà giảm của lợi suất kết hợp với đà lao dốc kể từ quý 3/2018 của chứng khoán và hàng hóa, cũng như trái phiếu hạng đầu tư (investment-grade) và trái phiếu doanh nghiệp có lợi suất cao (junk-rated), điều này báo hiệu nền kinh tế có thể suy thoái trong vòng 1 năm kế tiếp, theo nhận định của JPMorgan Chase & Co.
“Thị trường đã ‘chiết khấu’ quá nhiều rủi ro suy giảm”, Nikolaos Panigirtzoglou, Chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan ở Luân Đôn, cho hay.
Vậy nhà đầu tư sẽ phản ứng ra sao trong thời gian tới? Đây vẫn là câu hỏi chưa có đáp án.
Sau đây là những gì thị trường khác đang báo hiệu:
Các tài sản rủi ro hơn từ chứng khoán cho tới tin dụng đều bị giáng một đòn vô cùng nặng nề vào những ngày tháng cuối năm 2018, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ lại tăng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng tiếp tục chu kỳ nâng lãi suất và thắt chặt thanh khoản ngay cả khi xuất hiện dấu hiệu cho thấy tăng trưởng giảm tốc. Mặc dù báo cáo việc làm tháng 12/2018 lạc quan hơn dự báo và việc Fed báo hiệu tạm ngưng thắt chặt chính sách đã góp phần giảm bớt nỗi lo cho nhà đầu tư, nhưng rắc rối vẫn còn lấp ló ở đâu đó.
“Thanh khoản từ các ngân hàng trung ương đã thắt chặt đáng kể, Trung Quốc đang trên đà giảm tốc về nhiều phương diện và chính quyền Trump sẽ không còn quyết liệt về các biện pháp tài khóa như trước đây”, Kokou Agbo-Bloua, Trưởng bộ phận chiến lược và giải pháp toàn cầu tại Societe Generale SA, cho hay. Societe Generale SA dự báo sẽ xảy ra suy thoái vào năm 2020. “Tất cả những yếu tố củng cố cho thị trường con bò mà chúng ta có trong 5 năm qua gần như đã phai nhạt phần lớn”.
Các chỉ báo suy thoái của Bank of America cũng nhảy vọt đáng chú ý trong vài tuần gần đây, ngay cả khi các chuyên viên phân tích cho rằng dữ liệu kinh tế không thể hiện điều đó. Cụ thể, một chỉ số – có tính tới diễn biến của chỉ số S&P 500 và chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 3 tháng và 10 năm – ám chỉ xác suất suy thoái vào năm tới là 64%. Theo mô hình dựa trên thị trường của Goldman Sachs, xác suất xảy ra suy thoái là 50%, cao hơn nhiều so với mức xác suất trên 15% mà các chuyên gia kinh tế dự báo về suy thoái năm tới.
Dựa trên một số thước đo, thị trường chứng khoán đang trong trạng thái tách biệt nhất với nền kinh tế trong 30 năm trong suốt đợt bán đổ bán tháo tháng 12/2018. Thế nhưng, kể từ đợt lao dốc vào Đêm vọng Giáng sinh (24/12), cổ phiếu Mỹ đã hồi phục 10%, qua đó khiến một số nhà đầu tư tự hỏi liệu đó có phải là đáy hay chưa.
“Các yếu tố nền tảng đang thay đổi, nhưng không quá tệ như những gì thị trường đang phản ánh vào giá”, Aaron Clark, Chuyên gia quản lý danh mục tại GW&K Investment Management ở Boston, cho hay.
Đối với Rich Guerrini, Giám đốc điều hành tại PNC Investments, vẫn còn quá sớm để bàn về suy thoái và ông cho rằng có khả năng cổ phiếu sẽ tăng trưởng mạnh.
Lợi nhuận có thể tăng trưởng 7% trong năm nay, ngay cả khi các công ty hạ dự báo và sản lượng kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng 2.5%.
Chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu hạng đầu tư và trái phiếu Chính phủ Mỹ nới rộng thêm gần 50 điểm cơ bản trong 3 tháng cuối năm 2018 khi căng thẳng thương mại làm gia tăng lo ngại, khiến trái phiếu hạng đầu tư rơi vào nhóm tài sản có thành quả tệ nhất tại Mỹ trong năm 2018.
Chuyên gia quản lý tiền tệ Marc Lasry cảnh báo nỗi đau vẫn còn và tình hình còn có thể trở nên tồi tệ hơn. Trong khi đó, Scott Minerd, Giám đốc đầu tư của Guggenheim Partners, đã giảm tỷ trọng tín dụng xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ông lo rằng những giới hạn về thanh khoản có thể dẫn tới sự lan truyền rủi ro.
Về phần Doug Peebles, Giám đốc đầu tư tài sản có thu nhập cố định tại AllianceBernstein LP, ông nhận thấy các nền kinh tế chủ chốt chỉ giảm tốc trong năm 2019. Lợi suất cao hơn từ trái phiếu Chính phủ và tín dụng mang lại cơ hội cho nhà đầu tư, ông cho biết trong ngày 08/01/2019.
“Chúng tôi lạc quan hơn về thị trường tín dụng tại thời điểm này hơn là trong năm 2018”, Peebles cho biết trong một cuộc phỏng vấn, đồng thời nói thêm nhiều khả năng châu Âu suy thoái trong năm 2019.
Trái phiếu có lợi suất cao đã phục hồi trở lại từ tình trạng biến động mạnh trong tháng 11 và 12/2018, và trở thành tài sản có thành quả cao nhất trong năm 2019 với tỷ suất sinh lời khoảng 2%, cao hơn cả cổ phiếu và trái phiếu hạng đầu tư. Các khoản cho vay có đòn bẩy và trái phiếu hạng đầu tư đang cho thấy dấu hiệu phục hồi.
Chỉ số Bloomberg Barclays High Yield Index vừa có đà tăng mạnh nhất trong 4 năm. Chênh lệch giữa trái phiếu có lợi suất cao và trái phiếu Chính phủ Mỹ đã giảm bớt 80 điểm cơ bản từ mức đỉnh 3 năm đã xác lập trước đó trong năm nay.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|