Trung Quốc: Thặng dư thương mại với Mỹ lên cao nhất trong hơn 1 thập kỷ
Bất chấp cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc trong ngày thứ Hai (14/01) công bố thặng dư thương mại năm 2018 với Washington đạt mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ.
Thặng dư thương mại với Mỹ của Trung Quốc tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm trước và đạt 323.32 tỷ USD trong năm 2018, dựa trên dữ liệu từ Chính phủ Trung Quốc. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2006, dựa trên dữ liệu từ Reuters.
Kim ngạch xuất khẩu tới Mỹ tăng trưởng 11.3% trong năm 2018, trong khi nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ tới Trung Quốc chỉ tăng 0.7% trong cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong cả năm 2018 tăng trưởng 9.9% so với năm 2017, trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng trưởng 15.8% trong cùng kỳ, dữ liệu chính thức cho thấy trong ngày thứ Hai (14/01).
Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu đạt mức cao nhất kể từ năm 2011 nhưng thặng dư thương mại năm 2018 lại ở mức thấp nhất kể từ năm 2013, dựa trên số liệu từ Reuters. Tổng thặng dư thương mại của Trung Quốc trong năm 2018 là 351.76 tỷ USD.
Trong ngày thứ Hai (14/01), Cục Hải quan Trung Quốc cho biết nỗi lo lớn nhất về thương mại trong năm nay là sự bất ổn từ nước ngoài và chủ nghĩa bảo hộ thương mại, dự báo tăng trưởng thương mại Trung Quốc có thể chậm lại trong năm 2019.
Nền kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng đều đặn trong năm 2019, nhưng đối mặt với nhiều “cơn gió ngược chiều” từ nước ngoài, Phát ngôn viên của Cục Hải quan, Li Kuiwen, cho biết tại cuộc họp báo.
Dữ liệu kinh tế từ Trung Quốc được nhà đầu tư theo dõi sát sao để tìm kiếm dấu hiệu về những thiệt hại từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Mặc dù dữ liệu chính thức cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã đứng vững trong phần lớn thời gian của năm 2018, nhưng số liệu thống kê về sản xuất và số đơn hàng xuất khẩu lại suy giảm khi quốc gia này xung đột thương mại với Mỹ, đối tác thương mại lớn nhất.
Kim ngạch xuất-nhập khẩu đồng loạt suy giảm trong tháng 12/2018
Kim ngạch xuất khẩu tháng 12/2018 của Trung Quốc bất ngờ giảm 4.4% so với cùng kỳ năm trước, tháng giảm mạnh nhất trong 2 năm, dữ liệu từ Cục Hải quan cho thấy trong ngày thứ Hai (14/01).
Kim ngạch nhập khẩu cũng bất ngờ suy giảm trong tháng 12/2018, rớt 7.6%, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2016.
Nhờ đó, Trung Quốc có thặng dư thương mại 57.06 tỷ USD trong tháng 12/2018, cao hơn so với dự báo của các chuyên viên phân tích là 51.53 tỷ USD và tăng từ mức 44.71 tỷ USD trong tháng 11/2018.
Trước đó, các chuyên viên phân tích kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu tháng 12/2018 của Trung Quốc sẽ tăng trưởng 3%, chậm lại từ mức 5.4% trong tháng 11/2018.
Tăng trưởng nhập khẩu cũng được dự báo tăng 5%, sau khi giảm về mức 3% trong tháng trước.
Xuất khẩu suy giảm theo đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu và khi tác động của các hàng rào thuế quan từ Mỹ dần hiện rõ. Trong khi đó, nhập khẩu cũng giảm khi nhu cầu nội địa giảm, Julian Evans-Pritchard, Chuyên gia kinh tế Trung Quốc cấp cao tại Capital Economics, cho hay.
Thặng dư thương mại tháng 12/2018 của Trung Quốc với Mỹ giảm xuống 29.87 tỷ USD, từ mức 35.54 tỷ USD trong tháng 11/2018.
Bên cạnh cuộc chiến thuế quan, nền kinh tế Trung Quốc cũng đối mặt với nhiều thách thức trong nước. Ngay cả trước khi Tổng thống Mỹ “bắn phát súng” đầu tiên trong cuộc chiến thương mại, Bắc Kinh đã phải cố gắng ngăn chặn đà giảm tốc của nền kinh tế sau nhiều thập kỷ tăng trưởng ấn tượng.
Cả hai bên đang cố gắng thương lượng một thỏa thuận, trong đó hai bên đã có cuộc đàm phán trực tiếp ở Bắc Kinh – vừa mới kết thúc trong ngày thứ Tư tuần trước.
Trong tuyên bố đưa ra vào buổi sáng ngày thứ Năm (10/01), Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, vòng đàm phán thương mại với Mỹ rất bao quát và tạo nên nền tảng để giải quyết mối lo ngại của đôi bên.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, cả hai bên nhất trí duy trì mối liên hệ chặt chẽ.
CNBC đã dẫn lại tuyên bố của Bắc Kinh: "Từ ngày 07-09/01, Trung Quốc và Mỹ đã tổ chức đàm phán cấp thứ trưởng ở Bắc Kinh về vấn đề thương mại. Cả hai bên nhiệt tình triển khai những điều quan trọng mà hai nhà lãnh đạo đã nhất trí trước đó, và tổ chức các cuộc thảo luận sâu rộng, tỉ mỉ về các quan điểm chung về vấn đề thương mại và các vấn đề cấu trúc, đặt ra nền tảng để giải quyết những mối quan ngại chung. Cả hai bên đồng ý tiếp tục giữ liên lạc chặt chẽ".
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|