Nhịp đập Thị trường 28/01: Hai sàn trái chiều
Mặc dù sắc xanh duy trì trên HOSE nhưng sàn HNX có một phiên giao dịch kém tích cực. Số ngành tăng và giảm điểm khá cân bằng vào cuối phiên.
Kết phiên, VN-Index đạt mức 912.18 điểm, tăng 0.36%. HNX-Index dừng tại mức 102.31 điểm, tương đương mức giảm 0.42%.
Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với 292 mã tăng và 274 mã giảm điểm.
Nhìn chung, thị trường đang phân hóa khá mạnh khi mà số ngành tăng và giảm điểm gần như cân bằng vào cuối phiên. Các cổ phiếu nhà Vincom như VIC, VHM đóng góp lớn vào đà tăng của VN-Index. Tuy nhiên, điều làm cho giới đầu tư cảm thấy bất ngờ là cả 4 mã đóng góp nhiều nhất vào đà giảm của VN-Index đều nằm trong nhóm ngân hàng. Đó là TCB, VCB, VPB và BID.
Các cổ phiếu ngành khi khoáng là điểm sáng hiếm hoi của thị trường với sự bứt phá tốt của PVD, PVS, PVB.
Trong khi hầu hết các ngành trong nhóm tài chính (ngân hàng, chứng khoán, tài chính khác…) đều giảm điểm thì ngành bảo hiểm lại nằm trong top tăng trưởng mạnh nhất. Các mã BVH, VNR là những cổ phiếu tiêu biểu của ngành này trong phiên hôm nay. Đặc biệt, mã VNR tăng đến gần 7%.
Khối ngoại mua ròng gần 117 tỷ trên sàn HOSE và mua ròng gần 24 tỷ trên sàn HNX. Lực mua tập trung ở các mã VNM, VHM, MSN trên sàn HOSE. PVS và VGC đang là những cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trên sàn HNX.
14h: Bên bán đang lấy lại ưu thế
Số lượng ngành giảm đã vượt qua số ngành tăng. Ảnh hưởng tiêu cực từ các thị trường chứng khoán châu Á đang dần hiện rõ.
Các hợp đồng phái sinh có cú đảo chiều khá bất ngờ chuyển từ tăng sang giảm sau ngay khi phiên chiều bắt đầu được hơn 30 phút.
Thị trường chứng khoán châu Á cũng nhuốm sắc đỏ khi nhà đầu tư chờ đợi vòng đàm phán thương mại cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc, dự kiến bắt đầu vào ngày thứ Tư (30/01).
Giao dịch trên cả hai sàn tiếp tục ở mức trung bình và bên bán bắt đầu chiếm lại ưu thế với 243 mã tăng điểm và 289 mã giảm điểm.
Về nhóm ngành, thị trường chỉ còn 10 ngành tăng trong tổng số 25 ngành. Ngành khai khoáng và sản phẩm cao su tiếp tục duy trì phong độ.
Đáng chú ý là ngành bất động sản, xây dựng đã bắt đầu “nóng” hơn và hiện đã lọt vào top 5 các ngành tăng trưởng mạnh nhất thị trường.
Ngành thực phẩm – đồ uống phân hóa mạnh khi mà VNM tiếp tục duy trì đà tăng nhưng SAB lại giảm. Với thanh khoản ngày càng thấp, dự kiến đà giảm của SAB sẽ còn tiếp tục cho đến khi về vùng hỗ trợ mạnh 200,000-220,000
Phiên sáng: VN-Index tăng điểm nhẹ
VN-Index giữ được sắc xanh nhẹ xuyên suốt phiên giao dịch buổi sáng. Hiệu ứng Tết Nguyên Đán đã ảnh hưởng đến thanh khoản VN-Index khi khối lượng giao dịch trên sàn này ở mức rất thấp.
Kết phiên sáng, VN-Index đạt mức 911 điểm, tăng 0.23%. HNX-Index dừng tại mức 102.42 điểm, tương đương mức giảm 0.31%. Độ rộng thị trường khá cân bằng với 232 mã tăng và 240 mã giảm.
Phiên sáng nay chứng kiến sự phục hồi ấn tượng của CTD và VHM, hai Bluechip này đều hồi phục tốt sau chuỗi phiên giảm điểm liên tiếp. Sắc xanh cũng được xuất hiện ở hai cổ phiếu Vingroup còn lại là VIC và VRE.
Ngành khai khoáng cũng đang giữ được sắc xanh, các cổ phiếu GAS, PVS, PVD đều tăng điểm, trong đó PVD tăng mạnh đến 3.8%.
Hai cổ phiếu ngân hàng có lợi nhuận lớn trong năm 2018 là TCB và VCB đều đang chìm trong sắc đỏ khi giảm nhẹ dưới mốc tham chiếu.
Hai cổ phiếu ngành hàng không diễn biến khá trái chiều quanh mốc tham chiếu khi giảm nhẹ 0.24% còn HVN tăng 0.27%.
Khai khoáng đang là nhóm tăng điểm mạnh nhất thị trường với mức tăng 1.76%. Trong khi nông – lâm – ngư là nhóm giảm mạnh nhất thị trường với mức giảm 1.88%.
Khối ngoại mua ròng 28 tỷ trên sàn HOSE và mua ròng gần 8.2 tỷ trên sàn HNX. Lực mua tập trung ở các mã VNM và HPG trên sàn HOSE. PVS đang là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trên sàn HNX.
10h30: Ngành khai khoáng và sản phẩm cao su tăng trưởng tốt
Thị trường tiếp tục giằng co ở gần mức tham chiếu. Khai khoáng và sản phẩm cao su là những điểm sáng hiếm hoi trên thị trường.
Độ rộng thị trường vẫn nghiêng về bên mua với 224 mã giảm và 207 mã tăng. Tuy nhiên, mức chênh lệch đã không còn lớn như đầu phiên sáng.
Ngành khai khoáng đã vượt lên và chiếm vị trí dẫn đầu. Các mã PVD, PVS, MSR là những cổ phiếu tiêu biểu trong ngành.
Ngành sản phẩm cao su cũng có diễn biến tích cực. Mã DRC hiện đang là đầu tàu của ngành này. Giá DRC đã test thành công đáy cũ tháng 05/2018 (tương đương vùng 18,500-20,500). Dự kiến giá sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ ngưỡng này.
Diễn biến giá DRC trong vòng 2 năm qua
Ngành ngân hàng có sự phân hóa khá mạnh. Trong khi các mã CTG, BID tăng trưởng thì LPB, VIB, ACB… đều giảm hơn 1%. Dự kiến tình trạng này sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.
9h30: Hầu hết các mã đều đứng giá
Khối lượng giao dịch tiếp tục duy trì mức thấp do hiệu ứng từ Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, các tín hiệu từ ETF khá lạc quan.
Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua vào đầu phiên khi có 195 mã tăng và 114 mã giảm. Số lượng mã đứng giá lên đến hơn 1,200 mã cho thấy nhà đầu tư đã bắt đầu có tâm lý “nghỉ Tết sớm”.
FTSE Vietnam UCITS ETF (XFVT) và VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM) đều đang ở trạng thái premium (lần lượt là 0.89% và 2.69%) nên dự kiến sẽ có ảnh hưởng tích cực đến thị trường trong phiên giao dịch hôm nay.
Chỉ có 4 ngành giảm điểm trong tổng số 25 ngành trên thị trường. Chế biến thủy sản là ngành hiếm hoi bứt phá trên 1% vào đầu phiên hôm nay.
Tuy nhiên, ngành khai khoáng đang gây sự chú ý đáng kể với giới đầu tư. Các cổ phiếu trong ngành như PVD, PVS, PVB, C32… đang tăng trưởng tốt.
Đặc biệt, giá PVD đã vượt lên trên đường middle và đang bám vào Upper Band. Nếu trạng thái này vẫn duy trì trong những phiên tới thì một đợt tăng giống như tháng 09/2018 có thể lặp lại vào đầu năm 2019.
Biến động của PVD trong vòng 12 tháng qua
Thế Phong
FILI
|