Nhịp đập Thị trường 24/01: VN-Index tăng khiêm tốn
VN-Index hồi phục khá tốt trong phiên chiều, quay trở lên trên tham chiếu, dao động quanh đó và đến đợt 3 thì chốt ở mức 908.79 điểm, tăng 0.07%. Thực ra chỉ số này có thể tăng mạnh hơn, bởi chỉ số nhóm Large Cap VN30-Index không hề rơi xuống dưới tham chiếu và cuối phiên tăng tới 0.44% lên 865.52 điểm. Rõ ràng VHM và một số mã vốn hóa khác không thuộc nhóm VN30 đã khiến VN-Index tăng khiêm tốn chiều nay.
Diễn biến nhóm ngân hàng cũng tốt hơn trong phiên chiều nay. CTG, MBB tiếp tục nối dài chuỗi ngày tăng giá của mình, nhất là khi CTG trước đó “vướng” thông tin không tốt về kết quả lỗ quý 4. Tuy nhiên giá TCB chỉ tăng 100 đ/cp dù vừa được đưa vào VN30. Tệ hơn, EIB thậm chí giảm dù cũng vừa được đưa vào VN30.
VJC tăng giá 2.2% với thông tin về doann thu và lợi nhuận cả năm nay tăng tích cực hơn năm trước. Công ty cũng đã khôi phục trạng thái hoạt động bình thường sau một loạt những sự cố hàng không khiến Cục hàng không phải đưa doanh nghiệp vào diện giám sát. Chiều nay khối ngoại vẫn bán ròng, nhưng có vẻ như họ treo lệnh ở mức cao chứ không bán cho được.
VCG đánh dấu phiên tăng giá thứ 3 liên tiếp và đanh trên con đường quay lại đỉnh cũ 27,100 đ/cp hồi cuối tháng 12. Sự tăng giá này không chỉ mang lại kỳ vọng lớn cho cổ đông VCG, mà còn góp phần đỡ chỉ số HNX-Index. Diễn biến chỉ số này khá giống VN-Index, hồi trong phiên chiều, hụt hơi 1 chút vào cuối phiên nhưng cũng tăng kịp ở đợt ATC và chốt ở 102.78 điểm (+0.11%). VCG cùng với những Large Cap khác như PHP, VNR, PVC, ACB… là những trụ chính cho HNX-Index.
ACV, BSR đã tăng giá trở lại, nhưng vẫn chưa đủ để đỡ UPCoM-Index. Chỉ số này vẫn chịu tác động mạnh hơn từ các mã như HVN, QNS, MSR, DNH… nên vẫn ngụp lặn dưới tham chiếu suốt chiều nay.
Nhóm bất động sản vẫn phân hóa, nhưng nổi lên một hiện tượng thú vị. Đó là các mã có tên tuổi ở phía Bắc như VCG, SJS, NTL… tăng giá, trong khi những cái tên nổi bật ở phía Nam như DIG, DXG, PDR, HDG, NLG lại đồng loạt giảm nhẹ.
CTD nối dài chuỗi đà rơi từ vùng 160,000 đ/cp về mức hiện tại 131,500 đ/cp, riêng hôm nay giảm 4.1%. Cổ phiếu này từng có lúc hồi nhẹ trong phiên, nhưng đến giờ có thể tạm thời nói là bulltrap. Khối ngoại bán ròng khá mạnh ở đây, gần 130,000 cp bán ròng, chiếm hơn 50% lượng khớp, và với thực tế chỉ có vài ngàn cổ phiếu treo ở 3 mức giá mua tốt nhất, có thể suy luận chính khối ngoại đã góp phần khiến CTD rớt mạnh chiều nay.
GAS, POW giảm giá nhẹ trong phiên chiều, nhưng may thay nhiều đại gia khác nhóm dầu khí vẫn giữ được sắc xanh như PVD, PVS, PVT, OIL… BSR thậm chí đã tăng trở lại tới 2.5%. PVX giảm đúng 10% nhưng chủ yếu là do thị giá quá thấp chỉ có 900 đ/cp.
ACL đã bất ngờ tạo ra 3 phiên tăng trần tính đến chiều nay, lên hơn 40,000 đ/cp, tăng mạnh nhất trong nhóm thủy sản. ACL cũng từng là một cái tên nổi bật trong nhóm xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, và không rõ diễn biến giá gần đây có phản ánh sớm kỳ vọng vào hoạt động xuất khẩu sang thị trường này không.
14h: Giảm nhẹ trong thế trận giằng co
VN-Index tạm nghỉ trưa trong sắc đỏ, với mức giảm nhẹ chỉ 0.05%. VN30-Index dù “lái” chỉ số chính sàn HOSE nhưng vẫn tăng, cho thấy VN-Index đang chịu ảnh hưởng từ một số mã như HDB, VHM… Cán cân tăng/giảm giá trên sàn HOSE cũng như các nhóm ngành như ngân hàng, bất động sản… khá cân bằng, cho thấy thế trận đang giằng co.
Diễn biến sáng nay có thể coi là thị trường thiếu tin. Thông tin Thủ tướng đến dự diễn đàn WEF ở Davos Thụy Sĩ là tin tốt, nhưng còn chờ kết quả ở đó mang lại. Diễn biến thị trường Mỹ đêm qua tích cực, nhưng có lẽ không còn có tác động lớn như khi giảm. Chưa nói đến nhà đầu tư vẫn mong chờ dấu hiệu tích cực rõ ràng hơn từ các cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung đang diễn ra.
HNX-Index giảm về đúng tham chiếu, coi như xóa sạch thành quả của cả phiên sáng. Tuy nhiên cách nói đó không phản ánh chính xác những gì đang xảy ra trên sàn này. Các trụ cột từ đầu phiên của HNX như VCG, ACB, PVS, PHP… vẫn giữ được đà tăng khá, tuy nhiên VGC, SHB, PVI… giảm đà tăng vào những phút cuối, cộng thêm một số mã đỏ như VCS, PLC, VNR… đã khiến chỉ số này lui.
UPCoM-Index giảm hầu hết phiên sáng, nhưng đang có dấu hiệu hồi đáng kể, nhờ MCH, LPB hay VGT. ACV trước còn giảm, giờ cũng quay lại tham chiếu.
Các nhóm ngành lớn như ngân hàng, bất động sản đang có phân hóa, với sắc xanh nghiêng nhẹ ở các mã lớn, và nhường sắc đỏ cho mã nhỏ. Tuy nhiên dầu khí đang có diễn biến tích cực hơn cả, với đa số mã lớn tăng nhẹ. Chứng khoán cũng đang hồi dần, khởi đầu là SSI, VCI.
Dệt may thủy sản vẫn là những nhóm có diễn biến tích cực kéo dài nhiều phiên gần đây, trong đó nổi bật nhất là ACL, giá cổ phiếu này đã tăng gần gấp 3 lần kể từ giữa tháng 10 đến nay. Trong nhóm dệt may, TCM vẫn là mã tăng tốt nhất từ phiên đầu năm đến nay, khoảng 24%.
VJC tăng 1.4% dù khối ngoại bán ròng. Giá cổ phiếu tăng sáng nay có liên quan đến thông tin về kết quả hoạt động của doanh nghiệp, theo đó VJC đạt gần 6,000 tỷ đồng lãi trước thuế cho cả năm 2018. Tuy nhiên, tính từ đầu quý 4 đến nay, giá VJC giảm nhiều hơn tăng, chưa rõ phiên sáng nay có kích hoạt đợt hồi cho cổ phiếu này hay không.
10h30: Tâm lý đang chùng xuống
VN-Index dao động liên tục trên tham chiếu, nhưng đến hiện tại đã chọc thủng mức này và giảm nhẹ 0.1%. VN30-Index vẫn xanh, do đó nhiều khả năng VN-Index đang chịu tác động từ một số Large Cap ngoài VN30 như VHM, HDB, cũng như cộng hưởng từ một số mã khác tại cùng một thời điểm như MSN, GAS…
Có vẻ như tâm lý NĐT đang chùng xuống, bất chấp thực tế là đang vào nước rút cuộc đua công bố thông tin BCTC quý 4. Tuy vậy, số Large Cap tăng gia vẫn nhiều hơn số giảm giá, trong đó có những tên tuổi lớn như GAS, CTG, VNM, VJC…
Sàn HNX đang chịu ảnh hưởng từ HOSE, cũng không có gì ngạc nhiên. Tuy nhiên chỉ số HNX-Index vẫn đang được chống đỡ từ VCG, ACB, PHP, PVS…
Nhóm dầu khí có vẻ như hơi lạc quan hơn so với mặt bằng chung của thị trường. Trừ PVX giảm 10% do thị giá quá nhỏ (900 đ/cp), một số đại gia như PVS, PVD, PVT, OIL… vẫn tăng giá.
Tương tự dầu khí, dệt may và thủy sản cũng là các nhóm có sắc xanh nhiều hơn sắc đỏ. VHC tăng 2% lên đúng 100,000 đ/cp và đây là phiên thứ 3 tăng liên tiếp. ACL thậm chí tăng gần 7% và tiếp tục chuỗi tăng giá bất tận, từ 10,000 đ/cp lên hơn 40,000 đ/cp lúc này.
VJC vẫn xanh, nhưng đà tăng có vẻ giảm quá sớm, từ 2% đợt ATO đến 1.3% vào lúc này. Khối ngoại đang bán ròng VJC hơn 80,000 cp, tức khoảng 20% lượng bán. Khối lượng khớp lệnh đã vượt cả ngày hôm qua.
KDC có lẽ đang được traders đánh cược bắt đáy, giúp giá tăng lại 2% sáng nay, sau khi chọc thủng mốc 20,000 chiều qua. Mức giá này cũng đang là thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.
Mở cửa: Tiếp nối sắc xanh
VN-Index mở cửa phiên sáng nay trong sắc xanh tiếp nối ngày hôm qua, và dường như đó mới chỉ là khởi đầu. Chỉ số VN30 của nhóm cổ phiếu Large Cap đang tăng mạnh hơn VN-Index và cho thấy khả năng còn tiếp tục tăng. Thị trường đang đi đến hạn chót công bố BCTC quý 4, và kỳ vọng còn nhiều với các đại gia chưa công bố số liệu, ví dụ như MSN, VIC…
Thông tin mới nhất có thể coi là hỗ trợ TTCK Việt Nam đến từ nước Mỹ, khi cố vấn kinh tế Kevin Hassett của chính phủ Mỹ tỏ ý tin rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt thỏa thuận trước hạn chót 01/03. Tuy nhiên, nói sớm quá cũng chưa hẳn tốt, vì thị trường vốn đã đón nhận nhiều thông tin tương tự như vậy, nhưng sau đó cũng có không ít tuyên bố đảo ngược.
Diễn biến trong nhóm VN30 khá tích cực, với lượng cổ phiếu tăng giá gấp 2 số giảm giá. VJC là cổ phiếu tăng tốt nhất trong nhóm sau đợt ATO với thông tin hỗ trợ là kết quả quý 4. Ngược lại, ROS vẫn góp mặt trong số những mã giảm giá mạnh nhất, vốn cũng là điều bình thường trong nhiều phiên gần đây.
Các nhóm ngành có vốn hóa lớn vẫn có sự phân hóa như ngân hàng, bất động sản hay dầu khí. Nhóm chứng khoán đỏ nhiều hơn xanh, do kết quả quý 4 không tốt và triển vọng ngành bị đe dọa bởi chính thông tin bỏ sàn phí môi giới.
Sàn HNX có vẻ đang chạy nhanh hơn sàn HOSE. Chỉ số HNX-Index đến phút thứ 15 tăng 0.4% với sự hỗ trợ từ các Large Cap sàn này như PHP, VCG, SHB, ACB hay VGC… Tuy nhiên UPCoM-Index lại đang giảm nhẹ do ACV, HVN, QNS hay VGT.
VJC sáng nay tăng nhẹ gần 2% với thông tin kết quả quý 4, trong đó tổng doanh thu đạt 52,400 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước, lợi nhuận trước thuế đạt 5,830 tỷ đồng. VJC làm ăn có lãi, thông tin này không mới, tuy nhiên với những thông tin tiêu cực trên báo chí gần đây, cộng với động thái gia nhập thị trường của 1 số hãng mới có lẽ là yếu tố chính khiến giá cổ phiếu VJC giảm suốt từ đầu quý 4 đến nay.
CTD đang le lói dấu hiệu bắt đáy, khi thị giá mở cửa ngang tham chiếu nhưng lực mua mạnh hơn lực bán. Gần đây, cổ phiếu này đã rớt thêm một đoạn chừng 12-13% trước và sau khi doanh nghiệp công bố kết quả quý 4.
Bamboo Airways của FLC được cấp quyền bay đến nhiều cảng nội địa trong nước, tuy nhiên thông tin này có vẻ như chẳng “xi nhê” gì với giá cổ phiếu. Giá FLC sáng nay dậm chân tại 5,230 đ/cp, tăng nhẹ một chút so với đầu năm.
Hoàng Nam
FILI
|