Hàng Việt đối mặt các vụ kiện
Hội nhập sâu rộng trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại trỗi dậy khiến hàng hóa Việt đối mặt nhiều hơn với các vụ kiện
Theo thống kê của Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 11-2018, đã có 19 vụ điều tra chống lẩn tránh được khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam có thể bị kiện nhiều hơn nữa.
Lợi bất cập hại
Sắt thép, sợi, đồ gia dụng, điện tử, lốp xe... xuất khẩu là những mặt hàng đã có tên trong danh sách bị kiện. Do bị nghi ngờ là nơi "rửa" xuất xứ cho sản phẩm của nước láng giềng Trung Quốc, ngành thép Việt Nam năm qua trở thành tâm điểm hứng "mưa" các vụ kiện phòng vệ thương mại của hàng loạt quốc gia như Mỹ, Canada, EU, Ấn Độ… Hậu quả là từ tháng 5-2018, hơn một tháng sau khi EU tuyên bố điều tra phòng vệ 26 sản phẩm thép có xuất xứ các nước, trong đó có Việt Nam, xuất khẩu sắt thép và sản phẩm từ sắt thép của Việt Nam sang EU bắt đầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đến tháng 10-2018, xuất khẩu mặt hàng này sang EU giảm từ mức hơn 89 triệu USD của tháng 5-2018 còn khoảng 63 triệu USD. Với thị trường Mỹ, tuy xuất khẩu thép vẫn tăng nhưng khó duy trì lâu dài bởi nước này vẫn đang trong quá trình điều tra một số mặt hàng thép Việt.
Khách nước ngoài tìm hiểu, đặt hàng đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam Ảnh: NGUYỄN HẢI
|
Sản phẩm gỗ xuất khẩu cũng không tránh khỏi làn sóng bảo hộ thương mại tại nhiều quốc gia, đỉnh điểm là chiến thương mại Mỹ - Trung. Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương, đánh giá rủi ro cho Việt Nam khá cao. Do chiến tranh thương mại, doanh nghiệp (DN) gỗ Trung Quốc khó xuất hàng vào Mỹ nên tuồn hàng sang Việt Nam để thay đổi nhãn mác. Tại Bình Dương, có khoảng 200 DN gỗ có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm khoảng 1/3 tổng số DN, trong đó có tới 30-40 DN Trung Quốc. "Nhiều DN chế biến gỗ xuất khẩu trong nước đang rất lo ngại vấn đề này, nhất là DN khu vực phía Bắc do gần với Trung Quốc. Ngoài ra, ưu thế giá đất không cao, giá nhân công thấp sẽ là điều kiện cho DN gỗ Trung Quốc tràn sang" - ông Thanh dự báo.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, với gói đánh thuế bổ sung 200 tỉ USD vào hàng xuất khẩu của Trung Quốc, mặt hàng đồ gỗ chính thức bị ghi tên vào danh sách các mặt hàng bị hạn chế đưa sang Mỹ. Đây sẽ là cơ hội cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam bởi đơn hàng và hoạt động đầu tư sẽ có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, diễn biến của cuộc chiến thương mại đặt Việt Nam vào vị thế "lợi bất cập hại" khi sự dịch chuyển chỉ diễn ra với ý đồ lợi dụng để lấn tránh thuế. "Nếu Việt Nam bị lợi dụng để thay đổi xuất xứ hàng Trung Quốc, sớm hay muộn ngành gỗ Việt Nam cũng bị vạ lây bởi Mỹ sẽ không ngại áp thuế chống lẩn tránh lên toàn bộ đồ gỗ xuất khẩu từ Việt Nam" - ông Khánh cảnh báo.
Cần tỉnh táo
Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết Bộ Công Thương sẽ phối hợp lực lượng hải quan và các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp chống lẩn tránh thuế. "DN không được tiếp tay cho các hành vi lẩn tránh đồng thời tăng cường quan sát, theo dõi thị trường để kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có sự bất thường, tránh để ngành gỗ Việt Nam trở thành nạn nhân bất đắc dĩ trong xung đột thương mại Mỹ - Trung" - ông Khánh lưu ý.
Theo luật sư Lê Thành Kính, Trưởng Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn, nếu không có quy định chặt chẽ về nguồn gốc hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước, đặc biệt là sang Mỹ, vô hình trung Việt Nam thành "căn cứ" của Trung Quốc để thực hiện các khâu hoàn thiện đơn giản cuối cùng như cắt, lắp ráp, đóng gói, dán nhãn và người Trung Quốc hưởng lợi nhuận lớn. Hàng Việt bảo đảm nguồn gốc xuất xứ cũng sẽ bị đánh đồng trong các vụ kiện thương mại. "Nhiều mặt hàng chúng ta sản xuất nhưng nhập đến 70%-80% nguyên liệu Trung Quốc với giá rẻ nên giá thành rẻ hơn các nước khác và dễ bị thị trường nhập khẩu để ý. Vì vậy, DN sản xuất cần nghiêm túc bảo đảm tỉ lệ nội địa hóa phù hợp với yêu cầu của các thị trường, tỉnh táo trước các hành vi lợi dụng DN Việt gia công để đánh tráo xuất xứ" - luật sư Kính chỉ rõ.
Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, nhìn nhận trước đây chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như thủy sản, da giày mới bị kiện nhưng nay ngay cả những mặt hàng có kim ngạch nhỏ cũng đối mặt với kiện tụng. Trong khi đó, năng lực ứng phó của một số ngành hàng, DN trong nước còn yếu. "Cần trang bị cho DN những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại. Đồng thời, DN nên thường xuyên trao đổi thông tin với hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước nhằm nắm bắt thông tin cảnh báo sớm về khả năng bị khởi kiện tại thị trường xuất khẩu, từ đó lên phương án điều chỉnh hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, DN nên củng cố quan hệ với các bạn hàng, đối tác nước ngoài vì nhóm những đối tác này cũng bị ảnh hưởng lợi ích bởi điều tra phòng vệ thương mại" - ông Trung góp ý thêm.
Kiện là động lực!
Quan sát diễn biến kiện phòng vệ thương mại của Mỹ với sản phẩm thép của Việt Nam, một số chuyên gia kinh tế cho rằng khi đối tác siết chặt điều kiện, sản phẩm của Việt Nam sẽ có động lực cải thiện hơn rất nhiều. Cụ thể, Mỹ áp thuế chống bán phá giá 199,76% và chống trợ cấp 256,44% đối với thép cán nguội được sản xuất từ Việt Nam nhưng sử dụng thép chất nền có xuất xứ Trung Quốc. Tuy vậy, xuất khẩu thép Việt Nam sang thị trường Mỹ có xu hướng tăng và đạt kỷ lục vào tháng 9-2018 với hơn 131 triệu USD.
|
Thùy Dương - Nguyễn Hải
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|