EU sẽ siết chặt nguồn gốc gỗ từ Việt Nam
Bà Heidi Hautala sẽ có báo cáo về những vấn đề liên quan lên Ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu.
Chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam có thị trường đang lên tới gần 10 tỉ USD. Ảnh: Quý Hòa
|
Việc Phó Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, bà Heidi Hautala, đã đến Việt Nam từ ngày 7 đến ngày 9.1 để tìm hiểu về tình hình thực tế tại Việt Nam và thảo luận về việc chuẩn bị thực hiện Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA), cho thấy tầm quan trọng của việc kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp từ Việt Nam.
Thế nhưng, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tại họp báo chiều ngày 7.1.2019, đã không đưa ra bất cứ nhận định nào về thực trạng gỗ không rõ nguồn gốc được nhập vào Việt Nam.
Những rủi ro từ gỗ bất hợp pháp có thể tác động đến doanh nghiệp cũng không được lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hay Tổng cục Lâm nghiệp đề cập, ngoài việc đưa viễn cảnh mà VPA có thể đem lại lợi ích lớn từ việc xuất khẩu vào 28 thị trường thành viên của EU.
Một phần của chuỗi cung
Phê chuẩn VPA về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT), Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề khai thác gỗ bất hợp pháp, thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ được xác minh hợp pháp xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU và các thị trường khác.
Bà Heidi Hautala cho biết tại họp báo: “Nghị viện châu Âu đang trong quá trình chuẩn bị các báo cáo liên quan đến thực thi VPA giữa hai bên, để đảm bảo rằng chỉ những sản phẩm gỗ có nguồn gốc hợp pháp mới vào được thị trường EU”.
Nguồn gốc gỗ hợp pháp, vấn đề quan tâm xuyên suốt của EU trong 6 năm đàm phán VPA/FLEGT với Việt Nam. Tầm quan trọng của kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp không thay đổi ngay cả khi EU đã 4 lần thay đổi trưởng đoàn đàm phán hiệp định này.
|
Theo Phó Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, tại Hiệp định này, Việt Nam đã cam kết ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo chỉ gỗ sản xuất hợp pháp được nhập khẩu vào Việt Nam trên cơ sở hệ thống trách nhiệm giải trình cho nhà nhập khẩu.
“Việc Nam cần thực hiện tất cả các nỗ lực để đảm bảo rằng trách nhiệm giải trình không chỉ dừng lại ở việc thực hiện trách nhiệm trên giấy tờ”, bà Heidi Hautala nói.
Hiệp định này sẽ dẫn đến việc cấp phép cho những sản phẩm gỗ hợp pháp vào thị trường EU thời gian tới. Bà Heidi Hautala nói: “Hai bên cần chú trọng ngay từ giai đoạn này để thúc đẩy công việc của mỗi bên và quá trình phê chuẩn Hiệp định này”.
Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng chỉ một số nguồn cung có độ rủi ro cao, trong đó có nguồn từ Campuchia, nước có tỉ lệ phá rừng cao thứ 5 thế giới.
Bà Heidi Hautala cho biết EU muốn thúc đẩy hợp tác để xoá bỏ được tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp và cũng như nhập khẩu gỗ hợp pháp vào Việt Nam vì nó là một phần của chuỗi cung ứng.
Trồng rừng ở Thừa Thiên Huế. Ảnh: Hawa
|
Heidi Hautala nói quá trình phê chuẩn VPA sẽ diễn ra trong tương lai không xa. Nhưng: “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng cả chuỗi cung ứng sẽ không có gỗ bất hợp pháp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng châu Âu”.
“Chúng tôi đã gặp nhiều cơ quan chức năng của Việt Nam, như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan khác, để đảm bảo rằng quá trình kiểm soát nhập khẩu gỗ ở Việt Nam được đảm bảo về mặt pháp lý”.
Từ thực tế, những rủi ro từ nguồn cung gỗ có thể tác động tiêu cực đến doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam là thật, ngay cả khi Việt Nam đã đàm phán với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc về hài hòa hóa các quy định kiểm soát chuỗi cung, hay ký MOU cấp Bộ với các quốc gia láng giềng là Lào, Campuchia, Trung Quốc.
“Tôi cũng đã bàn với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tác động lan tỏa của VPA đối với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là các quốc gia láng giềng của Việt Nam, thúc đẩy sự quan tâm của họ đến việc cung cấp các nguồn gỗ hợp pháp, cũng như quản lý tốt hơn chuỗi cung ứng, đảm bảo sự phát triển bền vững”, Heidi Hautala nói.
Phó Chủ tịch Nghị viện Châu Âu cũng chia sẻ những quan ngại đối với FTA này, liên quan đến vấn đề lao động của Việt Nam, cụ thể là việc phê duyệt 3 công ước của ILO.
Bà cho biết, Ủy ban châu Âu đang chuẩn bị một bộ quy định liên quan đến chống lại phá rừng trên quy mô toàn cầu. Nghị viện châu Âu cũng đã thông qua báo cáo của tôi vào tháng 9.2018, về sử dung minh bạch các nguồn tài nguyên rừng, theo Heidi Hautala.
“Tôi muốn về những thông tin liên quan đến doanh nghiệp kinh doanh”, bà Heidi Hautala cho đó là “vấn đề thời sự ở châu Âu”, khi nhu cầu đối với các sản phẩm được tạo ra từ các nguồn hợp pháp, phù hợp với các vấn đề đạo đức ngày một tăng tại thị trường châu Âu.
“Chúng tôi đều đưa ra các quy định về trách nhiệm đối với các công ty, doanh nghiệp lớn đối với tất cả những sản phẩm gây thiệt hại về môi trường hay tác động đến nhân quyền”, Heidi Hautala nói.
Sẽ có nghị định kiểm soát chuỗi cung
Việt Nam mong muốn là quốc gia thứ 2 trong châu Á ký kết VPA với EU. Đến nay, EU đàm phán VPA với 16 quốc gia, song tại châu Á, duy nhất Indonesia là quốc gia được cấp giấy chứng nhận gỗ hợp pháp.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Hà Công Tuấn, khẳng định, Luật pháp Việt Nam nghiêm cấm việc nhập khẩu gỗ được sản xuất bất hợp pháp vào Việt Nam. Các cam kết của VPA/FLEGT đã được quy định trong Luật Lâm nghiệp Việt Nam, có hiệu lực từ 1.1.2019.
Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ nhiều nước, trong đó có nước láng giềng. Việc nhập khẩu này, về mặt hàng hoá là hợp pháp, vì tuân thủ pháp luật các nước này, có kiểm tra trước khi thông quan.
Ông Tuấn, người tham gia đàm phán từ đầu VPA/FLEGT, nói rằng “việc kiểm soát toàn bộ chuỗi cung là không dễ”. Do đó, năm 2019 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ trình Chính phủ ban hành riêng một nghị định về thực thi kiểm soát chuỗi cung theo các cam kết trong VPA.
Phê chuẩn Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT), Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề khai thác gỗ bất hợp pháp, thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ được xác minh hợp pháp xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU và các thị trường khác.
Hiệp định VPA đã được hai bên ký kết ngày 19-10-2018 tại Brussels của Bỉ, sau 6 năm đàm phán. Nhưng trước khi Hiệp định này có hiệu lực, mỗi bên cần hoàn thiện các thủ tục phê duyệt Hiệp định theo quy định pháp luật của mỗi bên.
Khi Hiệp định VPA được thực hiện đầy đủ, tất cả gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam sang EU sẽ phải có giấy phép FLEGT do phía Việt Nam cấp.
Điểm đáng lưu ý, về phía Việt Nam, Hiệp định VPA là điều ước quốc tế được ký nhân danh Chính phủ. Trong khi đó, về phía EU, Hiệp định VPA cần được sự đồng thuận của Nghị viện châu Âu trước khi đệ trình lên Hội đồng châu Âu để phê duyệt.
Theo kế hoạch, Phó Chủ tịch Nghị viện Châu Âu và Đoàn công tác của EU sẽ có chuyến thăm thực địa tại Pleiku của Việt Nam để “quan sát tận mắt cơ quan chức năng ở đây đã và đang xử lý như thế nào về vấn đề nhập khẩu gỗ”, bà Heidi Hautala cho biết.
“Tôi sẽ đi Pnompenh của Campuchia trước khi trở lại châu Âu. Chúng tôi muốn biết đầy đủ hơn về việc họ đã làm gì để kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp và xuât khẩu sang Việt Nam, đặc biệt là gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên”, Heidi Hautala cho hay.
|
Hải Vân
Nhịp cầu đầu tư
|