Thứ Ba, 08/01/2019 16:43

Đấu thầu để đẩy nhanh công tác nạo vét

Mới tiếp nhận công tác chống ngập từ Sở GTVT, ông Trần Trọng Tuấn (ảnh), Giám đốc Sở Xây dựng đã dành cho Thanh Niên một cuộc phỏng vấn xung quanh kế hoạch, phương án giảm ngập trong thời gian tới.

Ảnh: Đình Sơn

Thưa ông vì sao đến nay TP lại chuyển lĩnh vực chống ngập, chiếu sáng và cây xanh sang Sở Xây dựng mà không để lại Sở GTVT nghe có vẻ “thuận tay” hơn?

Thực ra từ năm 2014 theo quy định của Chính phủ thì các chức năng, nhiệm vụ nêu trên là thuộc về Sở Xây dựng. Tuy nhiên trước đây khi Sở GTVT còn là Sở Giao thông công chánh thì ngoài chuyện giao thông đô thị sở này còn phải “ôm” cả cấp thoát nước, dịch vụ hạ tầng, công viên, cây xanh của ngành công chánh. Khi đổi thành Sở GTVT thì các chức năng nói trên cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp. Nhưng vì cả hai sở đều quy mô lớn, đảm đương khối lượng công việc rất nhiều nên TP vẫn duy trì như trước.

Tuy nhiên, việc này đã bộc lộ nhiều bất cập trong tổ chức thực hiện. Điển hình như khi doanh nghiệp làm một dự án nhà ở thì hạ tầng, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng là do Sở GTVT thẩm định, nghiệm thu, quản lý nhưng nhà ở lại thuộc Sở Xây dựng. Hay Sở GTVT được giao nhiệm vụ bảo dưỡng, nhưng chỉ bao gồm cây xanh và chiếu sáng còn toàn bộ hệ thống thoát nước, kênh rạch, cống thoát nước và nhà máy xử lý nước thải… là do Trung tâm chống ngập quản lý.

Chuyển giao các chức năng trên về cho Sở Xây dựng là tạo sự kết nối đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với dự án phát triển nhà ở. Đảm bảo đồng bộ thống nhất, quản lý vận hành và khai thác.

“Ôm” thêm chống ngập, một trong những vấn đề nóng nhất hiện nay trong khi Sở Xây dựng cũng đang đối mặt với rất nhiều công việc phải giải quyết liên quan đến xây dựng sai phép, không phép... ông có lo ngại về hiệu quả công việc?

Tất nhiên, nhận thêm các nhiệm vụ này khối lượng công việc cũng như trách nhiệm của Sở Xây dựng tăng lên rất nhiều bởi chúng tôi đang gánh 2 trong số 7 chương trình đột phá là chống ngập và chỉnh trang phát triển đô thị. Để đảm trách nhiệm vụ này Sở đã thành lập thêm Phòng Hạ tầng với các nhân sự tiếp nhận từ Sở GTVT..

Số lượng công chức không thay đổi, nhiệm vụ không thay đổi, chỉ thay đổi cơ quan công tác nên công việc vẫn bình thường và nguyên trạng. Ngoài ra, hiện nay Sở Xây dựng đang đề xuất TP thành lập Trung tâm quản lý và vận hành hạ tầng kỹ thuật TP trực thuộc Sở gồm các viên chức và người lao động từ Trung tâm chống ngập TP và các công chức thuộc 4 khu quản lý giao thông có liên quan chuyển về.

Theo ông, nguyên nhân nào khiến TP ngập chống mãi không bớt?

Xảy ra tình trạng ngập lụt như hiện nay là do nhiều nguyên nhân. Hệ thống thoát nước nhiều nơi đã được đầu tư hàng chục năm, nhiều nơi bị lấn chiếm, xả rác bịt ống cống, cửa xả ngăn dòng chảy.

Hệ thống cống mới thì đang trong quá trình đầu tư nên cũng chưa có sự kết nối đồng bộ. Ngoài ra, việc xây dựng nhà ở cũng diễn ra với tốc độ rất nhanh chóng.

Có những con đường đáng lẽ phải có cống rồi mới làm nhà nhưng thực tế không có cống mà nhà đã xây dày đặc. Nhiều tuyến đường trước đây là đường liên tỉnh, liên huyện, liên xã, về nguyên tắc thì không có vỉa hè, không có cống thoát nước nhưng trong quá trình đô thị hóa thì đã biến thành đường đô thị nhưng vẫn không có cống thoát nước. Do đó, khi mưa, triều cường, nước thải sinh hoạt của dân không có chỗ thoát, gây ngập.

Nói một cách sòng phẳng, TP đã và đang đầu tư rất nhiều cho chống ngập và trên thực tế đã chứng minh hiệu quả. Như Q.6, Q.11 (khu vực Đầm Sen) trước đây ngập nhưng hiện nay vừa giải quyết bài toán giao thông, chỉnh trang đô thị và giảm ngập. Do vậy, để giảm ngập đòi hỏi phải có thời gian, kinh phí, chung tay góp sức của từng người dân TP trong việc không xả rác thải xuống sông rạch, cống thoát nước.

Ông có thể cho biết công tác chống ngập trong thời gian tới?

Hiện nay TP đang đầu tư mới hệ thống thoát nước nhưng phải hoàn thiện theo từng giai đoạn, phải có thời gian và kinh phí.

Nên trước mắt TP sẽ nâng cao năng lực duy tu hệ thống thoát nước, cụ thể là nạo vét để đảm bảo dòng chảy thông suốt. Hiện nay nạo vét khối lượng đạt rất thấp, chỉ dưới 5% khối lượng bùn, rác thải và dưới 50% hệ thống cống được nạo vét vì chủ yếu làm thủ công.

Trong thời gian tới việc nạo vét sông rạch, cống phải tiến tới đấu thầu để buộc các nhà thầu phải nâng cao năng lực, đầu tư hệ thống máy móc, phương tiện và trang thiết bị cho người lao động.

Hệ thống thoát nước tự nhiên là sông kênh rạch, đầm hồ cũng sẽ được nạo vét, duy tu. Tuyên truyền người dân không xả rác đồng thời xử lý triệt để lấn chiếm ngăn dòng chảy. Trước đây việc này phân tán nên tình trạng lấn chiếm sông rạch diễn ra nhiều, còn nay chỉ thu về đầu mối là Sở Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý nên sẽ đồng bộ cả trên bờ và dưới sông. Tiếp tục xây dựng bờ kè, giải tỏa nhà trên sông rạch… đẩy nhanh tiến độ thi công để giải quyết thoát nước, ô nhiễm môi trường, giao thông, cảnh quan đô thị.

Đình Sơn

Thanh Niên

Các tin tức khác

>   Cao tốc Bắc-Nam: Đấu thầu chọn nhà đầu tư ‘lời ăn, lỗ chịu’ (08/01/2019)

>   Cao tốc Bắc-Nam: Đấu thầu chọn nhà đầu tư ‘lời ăn, lỗ chịu’ (08/01/2019)

>   Không lùi tiến độ sân bay Long Thành (08/01/2019)

>   Đổi tiền lẻ 'hét giá' dịp Tết (08/01/2019)

>   Cẩn trọng mua bán tiền USD lì xì (08/01/2019)

>   Kinh tế phi chính thức đã vào tầm ngắm chống thất thu thuế (07/01/2019)

>   Ô tô dưới 16 chỗ ngồi sẽ chỉ được nhập qua 5 cảng biển (07/01/2019)

>   Ngành nông nghiệp hướng tới mục tiêu xuất khẩu 42-43 tỷ USD năm 2019 (07/01/2019)

>   Bộ Nông nghiệp sẽ cắt giảm 2,5% biên chế trong năm 2019 (07/01/2019)

>   Gỡ vướng cho cảng Liên Chiểu (07/01/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật