Góc nhìn 23/01: Giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen
Theo dự báo của SHS, trong phiên giao dịch tiếp theo 23/01, VN-Index có thể sẽ giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen trong biên độ 900 - 920 điểm (MA20-50), thanh khoản có thể sẽ vẫn ở mức thấp.
Hạn chế mua
CTCK Sài Gòn-Hà Nội (SHS): Thị trường chùng xuống đáng kể trong phiên 22/01 khi mà thiếu đi chất xúc tác là chứng khoán Mỹ đã nghỉ giao dịch trong phiên đầu tuần. Thị trường chỉ có thể duy trì sắc xanh trong phiên sáng trước khi lực cung giá cao quanh ngưỡng 915 điểm (MA10 tuần) khiến chỉ số điều chỉnh trở lại. Sự thiếu vắng lực cầu trong phiên 22/01 là nguyên nhân chính khiến thị trường không thể hồi phục trở lại trong phiên chiều.
Trong bối cảnh mà chỉ còn gần 2 tuần nữa là đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán thì tâm lý muốn bán cổ phiếu đang có phần lấn lướt bên muốn sở hữu cổ phiếu. Chính điều này đã khiến cho áp lực cung trong phiên ATC càng mạnh hơn khiến chỉ số kết phiên ở mức thấp nhất. Hiện tại, thị trường vẫn chưa thể thoát khỏi kệnh giảm giá từ tháng 4/2018 đến nay và những nhịp hồi phục nếu có vẫn chỉ mang tính kỹ thuật và ngắn hạn.
Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 23/01, VN-Index có thể sẽ giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen trong biên độ 900 - 920 điểm (MA20-50), thanh khoản có thể sẽ vẫn ở mức thấp. Nhà đầu tư vẫn nên hạn chế mua vào trong thời điểm này và có thể tận dụng những phiên tăng điểm để cơ cấu lại danh mục.
Giao dịch thận trọng
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Chỉ số VN-Index trong phiên sáng tăng nhẹ do lực mua tập trung ở nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng và bluechips như CTG, BID, HDB, VNM và VHM.
Trong phiên chiều, chỉ số đảo chiều giảm so với phiên sáng do lực bán tiếp tục tăng mạnh ở các mã TCB, VCB và BVH và sự đảo chiều VHM. Khối ngoại mua ròng và thanh thanh khoản giảm nhẹ so với phiên 21/01.
Theo quan điểm của BSI, tâm lý thận trọng vẫn đang chủ đạo thị trường khi chưa có thông tin vĩ mô tích cực tạo động lực tăng giá cho thị trường. VN Index vẫn sẽ giao động trong vùng 900 – 910 điểm. Nhà đầu tư nên giao dịch thận trọng ở những cổ phiếu có thanh khoản cao.
Vùng hỗ trợ 890 – 900
CTCK Asean (Asean Securities): Phiên giao dịch thứ Ba (22/01), mặc dù mở cửa tăng điểm nhưng áp lực bán mạnh phiên chiều đã kéo chỉ số VN-Index giảm điểm và đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày. Trong đó, VHM, VCB, GAS, SAB, BID, TCB, MSN, PLX, BVH, VPB và MBB là những mã vốn hóa lớn giảm giá, xóa nhòa nỗ lực tăng giá của VNM, CTG, HDB, MWG, STB và EIB.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 4.50 điểm (-0.49%), đóng cửa ở mức 906.55. Thanh khoản HOSE ở mức hơn 150 triệu cổ phiếu, giá trị gần 2,700 tỷ đồng. Độ rộng thị trường nghiêng về số mã giảm giá (123 mã tăng/171 mã giảm). Về phía nước ngoài, họ mua ròng hơn 71 tỷ đồng trên HOSE.
Về kỹ thuật, đồ thị VN-Index xuất hiện cây nến đỏ dài và phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 910 là khá tiêu cực. Do đó, Asean Securities cho rằng, trong kịch bản tiêu cực, VN-Index sẽ kiểm tra ngưỡng hỗ trợ gần 906, tương ứng MA(5), vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 890 – 900. Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index dự báo ở mức 910 – 920, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 930 – 940.
Biến động đi ngang
CTCK Bảo Việt (BVS): Trong phiên kế tiếp, thị trường có thể giảm về vùng hỗ trợ 897 - 901 điểm, phản ứng hồi phục của thị trường có thể xuất hiện tại vùng điểm này. Tuy nhiên, BVS cho rằng thị trường sẽ có biến động đi ngang với các phiên tăng giảm đan xen trong những phiên sau đó.
Mặt khác, đường SMA50 sẽ vẫn đóng vai trò là vùng cản đối với thị trường trong ngắn hạn. Đây là vùng điểm hội tụ khá nhiều các ngưỡng cản như các đường MA, ngưỡng Fibonacci, dải BB… Do đó, BVS đưa ra cảnh báo về khả năng thị trường sẽ đảo chiều giảm điểm khi tiếp cận vùng cản này trong thời gian tới.
Vùng kháng cự của chỉ số nằm tại quanh 915 - 920 điểm và 925 - 930 điểm. Vùng hỗ trợ của chỉ số nằm tại 897 - 902 điểm và 888 - 892 điểm.
Nguyên Ngọc
FILI
|