TTCK năm 2019: “Nhiều gam màu sáng tối”
Năm 2018 khép lại với nhiều buồn vui trên thị trường chứng khoán. Viễn cảnh thị trường năm 2019 đang là đề tài được nhiều nhà đầu tư chú ý. Theo ý kiến của các chuyên gia, thị trường năm 2019 vẫn sẽ nhận ủng hộ từ yếu tố nội tại trong nước tốt, tuy nhiên, rủi ro vẫn đến từ các yếu tố bên ngoài.
Viễn cảnh thị trường thận trọng
Ông Trần Đức Anh - Giám đốc vĩ mô & chiến lược thị trường của CTCK KB Việt Nam (KBSV)
|
Nhận định về thị trường chứng khoán trong năm 2019, ông Trần Đức Anh - Giám đốc vĩ mô & chiến lược thị trường của CTCK KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, các yếu tố trong nước nhìn chung vẫn nghiêng về chiều hướng tích cực. Tăng trưởng GDP mặc dù có thể giảm nhẹ so với 2018 nhưng vẫn ở mức cao, lạm phát và tỷ giá dự báo vẫn trong tầm kiểm soát, chính sách tiền tệ của NHNN mang tính thận trọng hơn nhưng vẫn mang tính nới lỏng, hỗ trợ thị trường. Mặc dù vậy, tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp trên sàn sang năm 2019 dự báo có thể chậm lại, ước tính đạt 12%-14% (so với mức trên 20% của 2 năm qua).
Tuy nhiên, quan sát diễn biến thị trường năm 2018 có thể thấy TTCK Việt Nam đã chịu ảnh hưởng chi phối khá nhiều bởi biến động TTCK toàn cầu với các yếu tố tác động chính như chiến tranh thương mại, giá dầu, diễn biến và chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn, đặc biệt là Fed. Sang năm 2019, các yếu tố ngoại biên này được dự báo vẫn còn nhiều biến động khó lường và sẽ tiếp tục có tác động mạnh đến TTCK Việt Nam. Kết hợp tổng thể các yếu tố tiềm năng tác động đến thị trường, ông Anh nghiêng về kịch bản thị trường sẽ còn điều chỉnh trong giai đoạn đầu năm 2019 trước khi tạo đáy và hồi phục trở lại về cuối năm.
“Nhìn chung, tôi cho rằng diễn biến thị trường trong năm 2019 sẽ tiếp tục biến động mạnh với các nhịp tăng/giảm đan xen thay vì tăng trưởng ổn định như giai đoạn 2016-2017”, ông Anh nói thêm.
Ông Nguyễn Kim Chi - Giám đốc Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch CTCK KIS Việt Nam (KIS).
|
Về phần mình, ông Nguyễn Kim Chi – Giám đốc CTCK KIS Việt Nam chi nhánh Phạm Ngọc Thạch nhận xét thị trường vừa bước qua khỏi giai đoạn đầy phấn khởi, viễn cảnh trong năm 2019 là thận trọng. Năm 2018 khép lại là một năm không thực sự vui với giới đầu tư chứng khoán Việt Nam, các quỹ lớn và nhà đầu tư cá nhân tổ chức trong nước đa số có mức lợi nhuận âm.
Ông Chi cho rằng, tuy trong nước vẫn kiểm soát tốt mọi chỉ số vĩ mô, nhưng bối cảnh thế giới luôn đầy xáo trộn và khó lường. Ví dụ điển hình nhất giá dầu Brent giao dịch giảm liên tục trong 3 tháng từ mức 80 USD về 54 USD/thùng. Giá cả hàng hóa giảm, chỉ cố Dow Jones giảm sốc, chính sách của Tổng thống Mỹ Trump diễn biến đầy bất thường, việc này chủ yếu ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý và quyết định đầu tư của giới tài chính. Rủi ro lớn nhất xuất phát từ bên ngoài là cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ.
Mặt khác, theo dự đoán của ông Chi, năm 2019 sẽ là năm thách thức cho Chính phủ Việt Nam để duy trì tốc độ tăng GDP, lãi suất có thể tăng, chí phí vốn tăng, cung tiền rẻ không còn dư địa nhiều.
“Nhìn chung thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều nét tích cực, dư địa nằm ở câu chuyện thoái vốn Nhà nước và các nhóm ngành hưởng lợi từ các hiệp định thương mại cụ thể như CPTPP bắt đầu vào đầu 2019”, ông Chi bình luận. Nói về diễn biến của VN-Index, ông Chi cho hay “với xu hướng không thật tích cực, thì mức cao nhất của VN-Index là 1,000 điểm”.
Còn theo bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền - Giám đốc nghiên cứu Phân tích - Khách hàng cá nhân CTCK Maybank Kim Eng (MBKE), năm 2019, bức tranh triển vọng của TTCK Việt Nam sẽ có nhiều gam màu sáng tối đối nghịch nhau gay gắt.
Nguyễn Thị Ngân Tuyền - Giám đốc nghiên cứu Phân tích - Khách hàng cá nhân CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)
|
Bà Tuyền chỉ ra rằng, ở chiều thuận lợi, các yếu tố nội tại của nền kinh tế Việt Nam là điều chắc chắn cần được lưu ý đến. Tăng trưởng GDP dự kiến duy trì tốc độ cao (6.6-6.8%), kiểm soát CPI ở quanh ngưỡng 4%, đồng nội tệ ổn định và một chính sách tiền tệ tương đối mở, tất cả tạo ra một môi trường rất thuận lợi cho các doanh nghiệp niêm yết hiện nay.
Dù vậy, ở chiều rủi ro, những bất ổn (đến mức rất khó lường) của thế giới đã và sẽ còn tạo ra nhiều khó khăn cho thị trường. Cuộc canh tranh khốc liệt giữa hai cường quốc Mỹ - Trung, thể hiện qua các căng thẳng thương mại sẽ tiếp tục là rủi ro lớn nhất dành cho TTCK toàn cầu (và Việt Nam chắc chắn không phải là một ngoại lệ). Các động thái điều hành lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng là biến số lớn có khả năng ảnh hưởng đến diễn biến của các thị trường trong năm 2019.
Thị trường Việt Nam sẽ dần quen và ổn định với biến động thị trường thế giới
Các chuyên gia cũng đưa ra bình luận về ý kiến cho rằng TTCK Việt Nam phụ thuộc, ảnh hưởng khá nhiều từ mức tăng giảm của các thị trường lớn trên thế giới dù rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phát triển tốt.
Theo ông Trần Đức Anh, TTCK càng phát triển, độ mở của nền kinh tế càng rộng thì mức độ liên thông giữa các thị trường càng cao. Theo đó, nếu tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sụt giảm, hoặc suy thoái kinh tế xảy ra ở các nền kinh tế lớn thì kinh tế Việt Nam chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Điểm khác biệt ở đây là tác động của những yếu tố ngoại biên sẽ có độ trễ, có thể tính bằng một vài quý, và cường độ ảnh hưởng đối với mỗi quốc gia sẽ khác nhau.
Trong chu kỳ hồi phục lần này của nền kinh tế và TTCK Việt Nam, mặc dù có thể đã qua nửa đầu của chu kỳ hồi phục và giai đoạn tăng trưởng mạnh, ông Anh vẫn chưa nhìn thấy những rủi ro quá lớn xuất phát từ các yếu tố nội tại trong nước để có thể chuyển sang giai đoạn suy thoái ngay trong 2019. Điều này hàm ý, mặc dù khó tránh được những ảnh hưởng ngoại biên nhưng sức đề kháng của nền kinh tế và TTCK Việt Nam trong năm 2019 vẫn ở mức tương đối tốt, giúp làm nhẹ bớt những tác động tiêu cực có thể xảy ra.
Đối với vấn đề này, bà Tuyền chia sẻ cần nhìn nhận rằng TTCK Việt Nam hiện tại đã khác rất nhiều so với giai đoạn quá khứ. Mức độ hội nhập sâu rộng, độ mở lớn của nền kinh tế và sự cải thiện cả về chất và lượng của các NĐT nước ngoài khiến diễn biến của TTCK Việt Nam cũng phần nào “đồng pha” hơn với các diễn biến trong khu vực và thế giới.
Bà Tuyền cho rằng đây không hẳn là vấn đề đáng lo ngại. Dù vậy, dĩ nhiên cần phân biệt rõ sự sụt giảm “hợp lý” và “bất hợp lý” theo diễn biến của thị trường thế giới. Bên cạnh đó, dĩ nhiên yếu tố nội tại của Việt Nam sẽ là tác nhân quan trọng để tạo ra sự khác biệt đối với khu vực. Nếu có thể tiếp tục duy trì tốt việc điều hành kinh tế vĩ mô và tận dụng tốt các yếu tố có lợi trong những câu chuyện “bất lợi” của khu vực (hiện thực hóa việc hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung là một ví dụ), về lâu dài mức độ hấp dẫn của TTCK Việt Nam sẽ được nhìn nhận tốt hơn.
Ông Chi thì nhận xét TTCK Việt Nam còn quá non trẻ nên sự phụ thuộc mang tính tâm lý vào các diễn biến có tính nhạy cảm từ thị trường thế giới là dễ hiểu, nhất là khi thành phần đầu tư chiếm tỉ trọng lớn là nhà đầu tư cá nhân và tham gia trong ngắn hạn. Năm 2019, thị trường Việt Nam sẽ dần quen và ổn định hơn, lý do là các thị trường chứng khoán thế giới sẽ dần thích nghi tìm ra cách vận động phù hợp nhưng điều này không có nghĩa thị trường Việt Nam có thay đổi về chất, ông Chi nhấn mạnh.
Chí Kiên
FILI
|