Giá điện mặt trời áp mái người dân bán cho EVN được tính như thế nào?
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành quyết định thay đổi cách tính giá điện mặt trời áp mái.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 11 ngày 11-4-2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Trong đó, quyết định sửa đổi quy định về giá điện đối với dự án điện mặt trời trên mái nhà.
Theo quy định mới, giá sẽ được tính theo 2 chiều giao và nhận riêng biệt của công tơ, thay vì cơ chế bù trừ điện năng như quy định cũ. Bên bán điện sẽ thanh toán lượng điện nhận từ lưới điện theo quy định hiện hành.
Bên mua thanh toán lượng điện từ dự án trên mái nhà phát lên lưới điện, với giá mua bán như với dự án điện mặt trời nối lưới. Các bên có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về thuế và phí.
Quy định mới này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế thanh toán, cách tính giá điện thời gian qua khiến một số địa phương chưa ký được hợp đồng mua bán điện. Quyết định có hiệu lực từ ngày 8-1.
Thủ tướng vừa ký quyết định thay đổi cách tính giá điện mặt trời áp mái - Ảnh: Nguyễn Hải
Trước đó, Quyết định số 11 quy định các dự án trên mái nhà được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng (net-metering) sử dụng hệ thống công tơ hai chiều.
Trong một chu kỳ thanh toán, lượng điện phát ra từ các dự án trên mái nhà lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp. Khi kết thúc năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện với giá bán điện theo quy định đối với dự án nối lưới.
Hằng năm, căn cứ vào tỉ giá trung tâm của VNĐ so với USD do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày công bố tỉ giá cuối cùng của năm trước, Bộ Công Thương ban hành giá mua bán điện mặt trời đối với dự án trên mái nhà cho năm tiếp theo.
Liên quan đến điện mặt trời áp mái, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từng kiến nghị Chính phủ triển khai mạnh hơn nữa biện pháp điện mặt trời áp mái và xem đây là giải pháp căn cơ cho thời gian tới trước nguy cơ thiếu điện đang hiện hữu. Ông Tri cho rằng, mỗi gia đình có thể lắp đặt máy điện mặt trời công suất 3-10 KW trên mái nhà, phù hợp với lưới điện hạ thế.
"Mỗi gia đình sẽ chủ động được nguồn điện để sử dụng cho các thiết bị gia đình. Khi không dùng điện có thể bán lại cho EVN. Ban ngày sẽ sử dụng được điện mặt trời, có thể giảm được tiền điện, giảm được lượng điện tiêu thụ của EVN. Nếu ban ngày không sử dụng điện đó, tự động lưới điện của EVN tiếp nhận hết, có công tơ 2 chiều để đo"- ông Tri nói.
Ông Tri cho biết sẽ có kiến nghị với các ngân hàng, tổ chức tín dụng về việc hỗ trợ vốn cho người dân lắp đặt điện mặt trời. Phó tổng giám đốc EVN cho rằng công suất 3-5 KW thì nghe không lớn, nhưng nếu tính tổng 30 triệu hộ trên cả nước hiện nay nhân với công suất đó thì sẽ sản sinh lượng điện 3.000 MW.
Minh Chiến
Người Lao động
|