Lúng túng với hơn 20.000 container phế liệu tồn tại các cảng
Không phải con số dưới 10.000 container, một số liệu mới được công bố gần đây của Tổng cục Hải quan cho thấy, đến hết tháng 11.2018, còn 20.600 container phế liệu tồn tại các cảng biển.
Rác phế liệu tồn tại cảng Cát Lái (TP.HCM)
Ng.Ng
|
Trong đó, hơn 10.000 container đã tồn quá thời hạn 90 ngày, số này đang được các cơ quan quản lý tích cực kiểm tra, phân loại, đánh giá chất lượng để cho tái xuất, bán đấu giá hoặc xử lý rác thải theo quy định. Tuy nhiên, kết quả chưa đáng kể.
Lập tổ công tác liên ngành để "trục xuất" phế liệu tồn
Lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM - đơn vị có lượng phế liệu tồn lớn cũng từng cho biết, việc phân loại, xử lý không thể làm nhanh bởi không có nhiều nhân sự và việc phân loại cần chi tiết, cẩn trọng và phối hợp nhiều đơn vị chức năng. Ngoài ra, việc mời các chủ lô hàng, hãng tàu lên làm việc cũng không đơn giản do quá nhiều chủ lô hàng đã bỏ trốn, rời khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh. Trong khi đó, số phế liệu nhập khẩu về các cảng Hải Phòng, Bình Dương, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu theo báo cáo vẫn đang gia tăng.
Theo phương án xử lý phế liệu tồn tại các cảng biển, các bộ ngành đề xuất với Bộ TN-MT mới đây là sớm lập tổ công tác liên ngành để xử lý triệt để hàng phế liệu tồn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 27. Tổ công tác liên ngành này sẽ có đại diện các đơn vị: Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Bộ Giao thông vận tải...
Trong đó, đại diện Bộ TN-MT là đơn vị chủ trì xử lý các container phế liệu đang tồn đọng tại cảng. Ngoài ra, tổ công tác liên ngành sẽ có thêm đại diện hãng tàu, doanh nghiệp kinh doanh cảng, tổ chức chứng nhận sự phù hợp tham gia lấy mẫu, chứng kiến trong trường hợp phải mở container để kiểm tra.
Theo đề nghị của Bộ Tài chính, việc xác định hàng hóa tồn đọng tại cảng là chất thải hay phế liệu thuộc trách nhiệm của Bộ TN-MT. Về xử lý, riêng với các lô hàng phế liệu tồn đọng quá 90 ngày, nếu hải quan đã thông báo tìm chủ sở hữu mà không có người đến nhận, thì đơn vị này phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, khám xét phân loại để xử lý theo hướng: hàng không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường sẽ yêu cầu hãng tàu vận chuyển lô hàng phế liệu nhập khẩu vi phạm đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo. Trường hợp hãng tàu không thể vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam thì phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
Liệu có buộc được các hãng tàu tái xuất những lô phế thải thế này không?
Ng.Ng
|
Hoặc bán đấu giá và tiêu hủy?
Trong kiến nghị giải pháp xử lý phế liệu tồn đọng mới đây, Bộ Tài chính cũng cho rằng, không thực hiện tiêu hủy vì sẽ gây ô nhiễm môi trường, nhưng nếu phải sử dụng ngân sách nhà nước để tiêu hủy và các hãng tàu sẽ có lý do để không vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, sẽ biến Việt Nam trở thành bãi rác, địa điểm tiêu hủy chất thải, phế liệu gây ô nhiễm môi trường. Như vậy, nếu sau khi Bộ TN-MT phân loại, phế liệu nhập khẩu không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường, hãng vận chuyển không đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam sẽ bị xử lý, tiêu hủy. Và kinh phí thực hiện do hãng tàu và tổ chức nhập khẩu (nếu xác định được) thanh toán theo quy định và xử lý nghiêm vi phạm.
Trước đó, Bộ TN-MT cũng có ý kiến bán đấu giá, lấy tiền đó để chi cho việc xử lý. Song nhiều ý kiến cho rằng, nếu đã rác thải thì ai mua để bán?
Với việc buộc doanh nghiệp chi để xử lý, theo các chuyên gia môi trường là khó khả thi bởi “hành xử” theo kiểu nắm kẻ trọc đầu. Chuyên gia môi trường Phan Văn Hiện nói, mỗi khi chính chủ lô hàng đã cố ý “bỏ của chạy lấy người”, trốn khỏi địa phương thì lấy gì làm cơ sở để Bộ Tài chính yêu cầu họ bỏ chi phí để tiêu hủy? Thứ hai, chế tài với hãng tàu liên quan tái xuất cũng không phải hãng tàu nào cũng chấp hành được bởi các lô hàng nếu được bán theo dạng hàng giao đến cảng rồi là hãng tàu hết trách nhiệm thì việc buộc tái xuất sẽ khó khả thi hơn.
“Có một thực tế mà khiến việc xử lý rác phế liệu tồn tại cảng còn chậm là do chúng ta còn lúng túng trong cách xử lý. Chúng ta kiên quyết tái xuất nhưng chế tài còn hạn chế nên xử lý chưa mạnh. Việc lập tổ chức liên ngành xử lý lẽ ra phải được thực hiện ngay sau khi có Chỉ thị 27 của Thủ tướng và đến bây giờ phải cơ bản có hiệu quả chứ không phải cơ bản đã có hướng giải quyết. Thực trạng phế liệu tồn vẫn gia tăng tại cảng chứng tỏ sự phối hợp quản lý của các cơ quan quản lý vẫn đang yếu ở một số khâu nào đó. Chẳng nhẽ các Bộ ngành ngồi chờ Thủ tướng ra tiếp chỉ thị mới cho vấn đề này?”, ông Hiện nhận xét.
Nguyên Nga
Thanh niên
|