Dầu suy yếu khi sản lượng tại Mỹ tăng
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu giảm nhẹ vào ngày thứ Năm (17/01), chịu sức ép bởi dữ liệu gần đây cho thấy sản lượng dầu thô tại Mỹ tăng, nhưng thông tin cuối ngày về việc Mỹ có thể dỡ bỏ thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã giúp xoa dịu lo ngại về sự suy yếu nhu cầu năng lượng từ Trung Quốc, MarketWatch đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2 trên sàn Nymex lùi 24 xu (tương đương 0.5%) xuống 52.07 USD/thùng, sau khi giảm xuống dưới mức 51 USD/thùng hồi đầu phiên.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 3 trên sàn Luân Đôn mất 14 xu (tương đương 0.2%) còn 61.18 USD/thùng.
Các hợp đồng dầu WTI đã chỉ ghi nhận sắc đỏ trong 3 phiên kể từ ngày 28/12/2018, dữ liệu từ FactSet cho thấy.
Sự không chắc chắn về việc liệu Mỹ và Trung Quốc sẽ giải quyết được xung đột thương mại kéo dài hay không đã gây áp lực lên tâm lý đầu tư và làm dấy lên nghi ngờ về sức khỏe của Trung Quốc, một trong những nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, vào chiều ngày thứ Năm – khoảng thời gian các hợp đồng dầu tương lai chốt phiên tại New York - Wall Street Journal đưa tin rằng các quan chức Mỹ đang tranh luận về việc liệu có nên dỡ bỏ thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc hay không trong một động thái nhằm thúc đẩy Bắc Kinh nhượng bộ hơn trong tranh chấp thương mại. Giá dầu WTI đã xóa bớt đà sụt giảm đầu phiên ngay khi chốt phiên, rồi sau đó đảo chiều tăng ngay sau khi đóng cửa.
Hôm thứ Tư (16/01), giá dầu đã tăng sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô nội địa giảm mạnh hơn dự báo – sụt 2.7 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 11/01/2018, nhưng dự trữ xăng lại vọt 7.5 triệu thùng trong thời gian này. Báo cáo từ EIA cũng cho biết sản lượng dầu thô nội địa tăng 200,000 thùng trong tuần trước lên 11.9 triệu thùng/ngày.
“Con số sản lượng dầu thô tại Mỹ là một diễn biến tiêu cực bất ngờ và quan trọng, cùng với việc làn sóng mới của đà tăng sản lượng tại Mỹ sẽ kìm hãm giá dầu trong trung hạn khi chiến tranh thương mại và nỗi lo tăng trưởng đã làm suy giảm dự báo nhu cầu”, Tyler Richey, Đồng biên tập tại Sevens Report, nhận định.
Trong phiên ngày thứ Năm, dầu đã tìm thấy một số hỗ trợ sau khi một báo cáo định kỳ hàng tháng từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết sản lượng của các thành viên đã giảm trong tháng 12/2018 khi nhóm này dường như có được bước nhảy vọt trong cam kết sản lượng và các nhà sản xuất ngoài OPEC sẽ cắt giảm sản lượng bắt đầu từ tháng 1/2019. Cụ thể, sản lượng của các thành viên OPEC đã giảm 751,000 thùng/ngày xuống 31.6 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2018.
Ả-rập Xê-út, nhà lãnh đạo thực sự của OPEC, đã cắt giảm sản lượng mạnh hơn kỳ vọng, giảm 468,000 thùng/ngày xuống chỉ còn hơn 10.5 triệu thùng/ngày, theo dữ liệu từ các quốc gia độc lập, CNBC đưa tin.
Ngoài ra, các chỉ số chứng khoán Mỹ, bao gồm Dow Jones và S&P 500, cũng tăng điểm khi các hợp đồng dầu chốt phiên.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng xăng giao tháng 2 tiến 1% lên 1.43 USD/gallon. Trong khi đó, hợp đồng dầu sưởi giao tháng 2 lùi 0.5% xuống 1.884 USD/gallon.
Các hợp đồng khí thiên nhiên khởi sắc trong ngày thứ Năm khi EIA ghi nhận rằng nguồn cung khí thiên nhiên tại Mỹ sụt 81 tỷ feet khối trong tuần kết thúc vào 11/01/2019, cao hơn so với dự báo giảm 77 tỷ feet khối từ cuộc thăm dò của Platts, nhưng vẫn thấp hơn mức sụt giảm bình quân 5 năm là 218 tỷ feet khối.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 2 cộng 0.9% lên 3.413 USD/MMBtu.
An Trần
Fili
|