Chứng khoán châu Á biến động mạnh trước cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung
Chứng khoán châu Á quay đầu giảm vào phiên chiều ngày thứ Hai (28/01) sau một phiên giao dịch đầy biến động khi nhà đầu tư trông chờ vào vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung cấp cao – dự kiến bắt đầu sau đó trong tuần này.
Khép lại phiên giao dịch ngày thứ Hai (28/01), thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục – vốn được theo dõi sát sao vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung – đánh mất đà tăng đầu phiên và quay đầu giảm. Cụ thể, chỉ số Shanghai Composite hạ 0.18% xuống 2,596.98 điểm, còn Shenzhen Component lùi nhẹ xuống 7,589.58 điểm. Shenzhen Composite hạ 0.377% xuống 1,314.99 điểm.
Bên cạnh đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông quay đầu tăng vào cuối phiên, tăng 0.03% lên 27,576.96 điểm, dù cổ phiếu của ông lớn Tencent lùi hơn 0.5%.
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 hạ 0.6% xuống 20,649 điểm, còn Topix lùi 0.68% xuống 1,555.51 điểm. Cổ phiếu của tập đoàn đa ngành SoftBank Group hạ hơn 1.17%.
Bên cạnh đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm nhẹ xuống 2,177.30 điểm, khi cổ phiếu Samsung Electronics tăng 0.67%. Tuy nhiên, cổ phiếu của các công ty công nghệ khác lại gặp khó khăn: SK Hynix rớt 3.75%, LG Electronics giảm 2.59% và Samsung SDI hạ 0.22%.
Thị trường chứng khoán Australia tạm ngưng hoạt động trong ngày thứ Hai (28/01) nhân dịp lễ.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc khép phiên ngày 28/01/2019
Nguồn: CNBC
|
Cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung tuần này
Trung Quốc dự kiến cử phái đoàn dưới sự dẫn dắt của Phó Thủ tướng Lưu Hạc tới Washington để đàm phán thương mại cấp cao trong tuần này.
Nhà đầu tư sẽ theo dõi bất kỳ diễn biến quan trọng nào về thương mại Mỹ-Trung, trong đó cả hai bên đang cố gắng tạo ra một thỏa thuận trước tháng 3/2019. Bắc Kinh và Washington đã mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại từ giữa năm 2018, trong đó cả hai bên đã áp thuế hàng trăm tỷ USD lên hàng hóa của nhau.
“Hy vọng đang dâng cao với việc Phó Thủ tướng Lưu Hạc tới Mỹ để dẫn dắt các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ lần này. Hy vọng sẽ là một cuộc trao đổi cởi mở và mang tính xây dựng. Thế nhưng việc tiến tới một thỏa thuận toàn diện sẽ khó mà đạt được”, Vishnu Varathan, Trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược tại Mizuho Bank, cho biết trong một báo cáo buổi sáng.
Trước cuộc đàm phán thương mại ngày thứ Tư (30/01), Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, cho biết ông nghĩ cả hai quốc gia đã có nhiều bước tiến trong các cuộc đàm phán thương mại và ông trông đợi vào cuộc trao đổi với ông Lưu Hạc, Reuters đưa tin trong ngày thứ Sáu (25/01).
Những nhận định của ông Mnuchin chỉ được đưa ra vài giờ sau khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Wilbur Ross, cho biết Mỹ vẫn còn cách xa “hàng dặm” trong việc tiến tới thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
“Vẫn còn có sự chưa sẵn sàng nhượng bộ từ phía Trung Quốc về đầu tư và một sân chơi công bằng mà các công ty Mỹ mong muốn”, Simon Baptist, Chuyên gia kinh tế trưởng tại The Economist Intelligence Unit, cho biết trong ngày thứ Hai (28/01).
Cuộc họp Fed là tâm điểm chú ý
Thêm một sự kiện đáng chú ý khác trong tuần này sẽ là cuộc họp chính sách 2 ngày của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC), dự kiến bắt đầu từ ngày thứ Ba (29/01). Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell, và các thành viên khác của FOMC được dự báo giữ nguyên lãi suất, sau khi đã nâng lãi suất 4 lần trong năm 2018.
“Chúng tôi nghĩ Fed có thể có giọng điệu ‘bồ câu’ hơn và phù hợp hơn với kỳ vọng thị trường về khả năng nâng lãi suất trong năm nay”, Tai Hui, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại J.P. Morgan Asset Management, cho biết trong báo cáo.
“Chúng tôi cũng sẽ trông chờ tín hiệu thay đổi trong chiến lược thu hẹp số dư trên bảng cân đối kế toán, mặc dù đà tăng trưởng kinh tế vẫn đủ mạnh để Fed duy trì chiến lược hiện tại”, ông cho hay.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|