Vladimir Putin: Nga và Ả-rập Xê-út sẽ gia hạn thỏa thuận OPEC+
Nga và Ả-rập Xê-út đồng ý gia hạng thỏa thuận sang năm 2019 để kiểm soát thị trường dầu, được biết tới là OPEC+, mặc dù Moscow và Riyadh vẫn chưa xác nhận về bất kỳ đợt cắt giảm sản lượng nào mới.
Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman (bên trái) và Tổng thống Nga, Vladimir Putin (bên phải)
|
Tổng thống Nga, Vladimir Putin, tuyên bố về việc gia hạn thỏa thuận sau cuộc họp ngày thứ Bảy (01/12) bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 với Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman. Nhận định trên để ngõ về khả năng đưa ra một thỏa thuận tại cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ở Vienna vào tuần tới. Các đại diện từ OPEC cho biết, các nhà lãnh đạo đều ủng hộ tiến tới một thỏa thuận, nhưng vẫn còn khá nhiều việc cần phải thực hiện, bao gồm cả quy mô của đợt cắt giảm sản lượng tiềm năng.
“Chưa có quyết định cuối cùng về khối lượng cắt giảm, nhưng cùng với Ả-rập Xê-út, chúng tôi sẽ thực hiện nó”, ông Putin nói với các phóng viên về việc gia hạn thỏa thuận ở Buenos Aires (Argentina). “Và cho dù con số là bao nhiêu thì cũng sẽ dựa trên quyết định chung, chúng tôi đồng tình rằng chúng tôi sẽ giám sát tình hình thị trường và phản ứng một cách nhanh chóng”.
Hôm Chủ nhật (02/12), Chủ tịch OPEC – Bộ trưởng Năng lượng UAE (Các tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất) – cho biết, ông lạc quan về chuyện OPEC+ sẽ tiến tới một thỏa thuận về việc cắt giảm sản lượng trong năm 2019 khi họp mặt tại Vienna vào tuần tới. Nhóm kỹ thuật đang nghiên cứu về mức độ cắt giảm sản lượng cần thiết và cơ sở tham chiếu cho đợt cắt giảm, ông chia sẻ.
“Tôi lạc quan cho rằng chúng tôi sẽ tiến tới một giải pháp hợp lý và một thỏa thuận tốt để điều chỉnh sản lượng đi xuống, để cắt giảm sản lượn, để đảm bảo rằng chúng tôi giữ được sự ổn định trên thị trường và giữ các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC phối hợp cùng nhau”, Al Mazrouei cho biết.
Ả-rập Xê-út cho biết Ả-rập Xê-út và Nga đã tổ chức trao đổi về chuyện “tái cân bằng” thị trường dầu ở Buenos Aires. Mặc dù cả hai đều bàn luận về tiến triển và việc gia hạn thỏa thuận, nhưng không bên nào đưa ra tuyên bố chính thức về mức sản lượng.
“Đây có thể là một bước đột phá quan trọng cho các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC”, Derek Brower, Giám đốc tại công ty tư vấn RS Energy Group, nhận định. “Thế nhưng, các thông tin chi tiết mới là điều quan trọng – cắt giảm bao nhiêu, từ khi nào, trong bao lâu và dựa trên mức tham chiếu nào”.
Sự gắn kết giữa ông Putin và Thái tử Ả-rập Xê-út tại hội nghị thượng đỉnh G20 bất chấp mọi tranh cãi đã chuyển hướng tâm lý sang ủng hộ một thỏa thuận mới, Ildar Davletshin, Chuyên gia phân tích dầu khí tại Wood & Co. Financial Services AS, cho hay.
“Mối quan hệ cá nhân giữa họ đã gia tăng khả năng tiến tới một thỏa thuận cắt giảm sản lượng mới”, ông nhận định. “Nhiều khả năng là Nga sẽ đồng tình cắt giảm hơn 200,000 thùng/ngày từ mức tham chiếu gần đây, có lẽ là mức đạt được trong vài tháng qua”. Dù vậy, vẫn chưa rõ là các nhà sản xuất Nga có thể sẵn lòng thực hiện cắt giảm sản lượng nhanh tới mức nào, ông nói thêm.
Trước đó, một nhóm tư vấn cho OPEC nói với các bộ trưởng rằng thị trường đã rơi vào trạng thái dư cung và cần phải cắt giảm khoảng 1.3 triệu thùng/ngày từ mức của tháng 10/2018. Các đề xuất của nhóm tư vấn này không hề mang tính ràng buộc và các bộ trưởng OPEC thường chọn hướng khác đi. Dù vậy, quan điểm cho rằng thị trường dầu đã rơi vào trạng thái dư cung là một tín hiệu cho thấy OPEC sắp hành động.
OPEC – vốn sản xuất tới 40% lượng dầu trên thế giới – sẽ tổ chức họp ở Vienna vào ngày 06/12 để bàn luận về các đợt cắt giảm sản lượng sau khi giá dầu chứng kiến tháng giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Giá dầu Brent hiện mất 33% so với mức đỉnh tháng 10/2018 khi nguồn cung từ khu vực dầu đá phiến Mỹ, Ả-rập Xê-út, Nga ngày càng tăng, trong khi tăng trưởng nhu cầu thấp hơn và Mỹ miễn lệnh trừng phạt cho một số quốc gia. Vào đầu tháng 10/2018, giá dầu Brent chạm đỉnh 4 năm tại 86.76 USD/thùng trước khi trượt về mức 58.71 USD/thùng trong ngày thứ Sáu.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|