Nỗi đau từ chiến tranh thương mại sẽ thể hiện rõ trong năm 2019? Mặc dù 2018 là năm cuộc chiến thương mại nổ ra, nhưng 2019 mới là năm nền kinh tế toàn cầu cảm nhận thấy nỗi đau từ nó. Chỉ số Global Trade Tracker của Bloomberg đang suy giảm khi tình trạng đổ xô xuất khẩu trước khi các hàng rào thuế quan có hiệu lực đã không còn mạnh như trước. Và khối lượng thương mại tiếp tục giảm tốc ngay cả khi Mỹ và Trung Quốc tìm cách giải quyết những bất đồng về thương mại, trong đó các công ty cảnh báo về tình trạng gián đoạn vì cuộc chiến thương mại. Và cũng đã có những thiệt hại từ cuộc chiến này. GoPro Inc. sẽ chuyển phần lớn hoạt động sản xuất camera ra khỏi Trung Quốc vào mùa hè năm tới, trở thành một trong những công ty sản xuất thiết bị điện tử đầu tiên thực hiện động thái này. “Bất kỳ sự can thiệp nào vào hoạt động thương mại sẽ được xem là một khoản thuế lên nền kinh tế”, Hamid Moghadam, Giám đốc điều hành tại Prologis Inc. có trụ sở ở San Francisco, cho hay. “Và nền kinh tế thế giới có thể giảm tốc vì cuộc chiến thương mại này”. Các thị trường tài chính đã cảm nhận trước về nỗi đau từ cuộc chiến thương mại. Bank of America Merrill Lynch (BoAML) ước tính, thông tin về chiến tranh thương mại khiến S&P 500 giảm khoảng 6% trong năm nay. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã mất 2 ngàn tỷ USD vốn hóa trong năm 2018 và đang ngập lặn trong thị trường con gấu. Dữ liệu gần đây càng củng cố thêm cho nỗi lo ngại rằng thương mại sẽ là một yếu tố kìm hãm tăng trưởng kinh tế Mỹ vào năm tới. Người tiêu dùng Mỹ đang cảm thấy ít lạc quan nhất về tương lai của nền kinh tế trong 1 năm, trong khi tâm lý lạc quan của các doanh nghiệp nhỏ về nền kinh tế giảm xuống đáy 2 năm và các công ty kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn trong năm 2019. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, giá trị thương mại sẽ giảm tốc xuống 4% trong năm 2019, từ mức tăng trưởng 4.2% trong năm nay và 5.2% trong năm 2017. Họ cảnh báo rằng các rào cản thương mại đã trở nên rõ rệt hơn. Châu Âu cũng không miễn nhiễm trước tác động từ cuộc chiến thương mại. Mặc dù lĩnh vực máy móc chủ chốt của Đức sẽ tạo ra 228 tỷ Euro (tương ứng 260 tỷ USD) trong năm nay, mức kỷ lục. Xung đột thương mại đang là lý do giải thích tại sao tăng trưởng sẽ chậm lại, theo hiệp hội ngành VDMA. Sản lượng thực sẽ tăng 5% trong năm 2018, mức mạnh nhất kể từ năm 2011, trước khi giảm về 2% vào năm tới. Kế đến là rủi ro Mỹ áp hàng rào thuế quan lên xe hơi nhập khẩu từ châu Âu và Nhật Bản – một động thái sẽ gây tổn thương tới mối quan hệ giữa một số nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vụ bắt giữ Giám đốc tài chính của Huawei Technologies, Meng Wanzhou, cũng cho thấy rủi ro từ những diễn biến bất ngờ. “‘Sự phân kỳ về thương mại’ kể từ năm 2018 và ‘bất ổn về thuế quan’ trong năm 2019 có thể giữ mức độ bất ổn ở mức cao và tiếp tục tác động tới thương mại và kế hoạch đầu tư”, Cesar Rojas, Chuyên gia kinh tế thị trường toàn cầu tại Citigroup có trụ sở ở New York, cho biết trong một báo cáo gần đây. Câu hỏi quan trọng ở đây là liệu Washington và Bắc Kinh có thể tiến tới một thỏa thuận trước hạn chót 01/03/2018 hay không. Nếu họ thành công, thì nền kinh tế thế giới sẽ bớt đi một mối lo ngại. Thế nhưn, tại thời điểm này, sự đe dọa từ căng thẳng thương mại chính là yếu tố kìm hãm các kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh và từ đó tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu. Dippin’ Dots LLC là một trong những công ty bị mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Hãng sản xuất kem và hàng chục sản phẩm đông lạnh khác ở Mỹ đã dành ra 3 năm để cố gắng thâm nhập vào thị trường Trung Quốc và mở ra cửa hiệu đầu tiên ở quốc gia này trong năm nay, nhưng rồi sau đó phải trả mức thuế tới con số cho các sản phẩm sữa nhập khẩu. CEO Scott Fischer cho biết, nếu các cuộc đàm phán Mỹ-Trung thất bại và họ áp thêm thuế thì ông sẽ buộc phải nghĩ lại về chiến lược, chuỗi cung ứng và sẽ phải mở rộng ở nơi đâu trên thế giới. “Từ góc nhìn của một nhà khởi nghiệp, câu hỏi của chúng tôi là chuyện này sẽ kéo dài thêm bao lâu?”, ông Fischer cho biết. “Khó mà lên kế hoạch kinh doanh trong môi trường này”. Vũ Hạo (Theo Bloomberg) FiLi
|