Những người giàu có nhất hành tinh “bốc hơi” 511 tỷ USD trong năm 2018
Những người giàu có nhất hành tinh mất tổng cộng 511 tỷ USD trong năm nay, sau khi những thành quả trong 6 tháng đầu năm bị thổi bay sạch sẽ bởi hàng loạt làn sóng bán tháo tàn khốc trên thị trường.
Căng thẳng thương mại toàn cầu và nỗi lo về khả năng suy thoái tại Mỹ đã kéo thị trường lao dốc khi gần về những tháng cuối năm. Tính tới thời điểm hiện tại, 500 người giàu có thuộc chỉ số Bloomberg Billionaires Index có tổng tài sản là 4.7 ngàn tý USD tính tới ngày thứ Sáu (21/12). Đây chỉ mới là năm giảm thứ hai của chỉ số này kể từ khi ra đời năm 2012 và cũng đánh dấu một sự đảo chiều so với thời điểm đầu năm, khi những nhà đầu tư đầy lạc quan góp phần thúc đẩy tài sản của những người giàu có nhất lên mức kỷ lục 5.6 ngàn tỷ USD.
“Gần đây, nhà đầu tư ngày càng hoang mang về thị trường”, Katie Nixon, Giám đốc đầu tư tại Northern Trust Wealth Management, nhận định. “Chúng tôi không kỳ vọng sẽ có suy thoái, nhưng cũng thận trọng về các rủi ro suy giảm đối với tăng trưởng toàn cầu”.
Ngay cả Jeff Bezos – người có mức tăng tài sản mạnh nhất trong năm 2018 – cũng không tránh khỏi sự biến động. Tổng tài sản của người giàu nhất hành tinh đạt đỉnh tại 168 tỷ USD hồi tháng 9/2018, tăng 69 tỷ USD, nhưng sau đó quay đầu giảm 53 tỷ USD (còn nhiều hơn cả giá trị vốn hóa của Delta Air Lines hoặc Ford Motor) xuống còn 115 tỷ USD vào cuối năm.
Dù vậy, nhà sáng lập Amazon vẫn được xem là có một năm khá khẩm hơn so với Mark Zuckerberg – người vừa ghi nhận tài sản giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2018. Tài sản của ông Mark Zuckerberg mất 23 tỷ USD khi Facebook bị vướng vào nhiều vụ bê bối và khủng hoảng. Nhìn chung, 173 tỷ phú Mỹ có mặt trong danh sách – chiếm tỷ trọng cao nhất – mất tổng cộng 5.9% tài sản và chỉ còn 1.9 ngàn tỷ USD.
Ông Mark Zuckerberg
|
Châu Á
Ngay cả “cỗ máy” sản sinh sự giàu có, châu Á, cũng tụt dốc, khi 128 tỷ phú ở khu vực này mất tổng cộng 144 tỷ USD trong năm 2018. Ba người châu Á mất nhiều tài sản nhất đều đến từ Trung Quốc, dẫn đầu là ông Wang Jianlin của Wanda Group (mất 11.1 tỷ USD trong năm qua).
Bất chấp bất ổn, châu Á tiếp tục sản sinh ra các thành viên mới của câu lạc bộ tỷ phú. Cụ thể, giới tỷ phú có thêm 39 tỷ phú mới từ châu Á trong năm 2018, mặc dù một số người chỉ giữ được danh hiệu ấy khoảng thời gian ngắn ngủi.
Trung Đông đã trải qua một năm biến động mạnh hơn tất cả khu vực khác. Tỷ phú giàu nhất Ả-rập Xê-út, Hoàng tử Alwaleed, mất tổng cộng 3.4 tỷ USD. Tổng tài sản của ông đã giảm 60% so với mức đỉnh hồi năm 2014.
Châu Âu
Từ nhà sáng lập Zara, Amancio Ortega, cho tới cựu Thủ tướng Italya, Silvio Berlusconi, tài sản của phần lớn tỷ phú châu Âu đều giảm. Gia đình Schaeffler ở Đức – là cổ đông kiểm soát tại công ty sản xuất phụ tùng xe hơi Continental AG, mất nhiều nhất, khi chi phí bổ sung và các điều kiện kinh doanh khó khăn ở châu Âu và châu Á tác động tiêu cực tới thành quả của công ty.
Georg Schaeffler và mẹ của ông, Maria-Elisabeth Schaeffler-Thumann, mất tổng cộng 17 tỷ USD trong năm nay. Chỉ cần có 17 tỷ USD là đã đủ để một người lọt vào top 100 người giàu nhất trên thế giới.
Tài sản của ông Carlos Slim (Mexico), cổ đông kiểm soát tại công ty điện thoại di động lớn nhất Mỹ-Latinh, cũng giảm mạnh. Từng là người giàu có nhất trên thế giới, ông Slim giờ chỉ đứng vị trí thứ 6 với 54 tỷ USD tài sản. Jorge Paulo Lemann, đồng sáng lập của 3G Capital, mất nhiều nhất trong số các tỷ phú Mỹ-Latinh, “bốc hơi” 9.8 tỷ USD. Nhưng ngay cả với mức giảm tài sản trên, ông vẫn còn là người giàu nhất của Brazil.
Trong khi đó, tài sản của 25 người giàu nhất ở Nga chỉ giảm nhẹ xuống mức 255 tỷ USD.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|