Mua hàng qua mạng, gọi xe online... của Việt Nam đạt 9 tỉ USD
Dẫn lại nguồn từ các đơn vị nghiên cứu, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) đưa ra con số ước tính như trên.
Các dịch vụ như gọi xe online phát triển mạnh tại Việt Nam. NGỌC DƯƠNG
|
Cụ thể, Báo cáo e-Conomy SEA 2018 - một nghiên cứu về kinh tế kỹ thuật số được thực hiện giữa Temasek (Singapore) và Google - đánh giá mảng kinh tế này của Việt Nam như "con rồng chuyển mình". Quy mô kinh tế Internet tại đây đã tăng gấp 3 lần trong vòng 3 năm, nhờ có thương mại điện tử và truyền thông online.
Nền kinh tế Internet ở Việt Nam đã ghi nhận tổng giá trị lên tới 9 tỉ USD trong năm 2018, tăng trưởng 38% trong giai đoạn 2015-2018. Trong đó, thương mại điện tử gần như tăng trưởng gấp đôi so với năm 2017, quảng cáo trực tuyến và game online tăng trưởng hơn 50% mỗi năm... Dự báo đến năm 2025, tổng giá trị nền kinh tế Internet Việt Nam sẽ là 33 tỉ USD.
Theo ước tính của báo cáo, nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á đã đạt tổng giá trị 72 tỉ USD trong năm 2018, tăng 37% so với một năm trước đó. Nền kinh tế kỹ thuật số được đánh giá trên các lĩnh vực gồm du lịch trực tuyến, thương mại điện tử, truyền thông trực tuyến và dịch vụ gọi xe. Dự báo đến năm 2025, con số này tại Đông Nam Á sẽ nâng lên thành 240 tỉ USD.
Hiện tại, Việt Nam là quốc gia có tỷ trọng tổng giá trị hàng hóa của kinh tế kỹ thuật số so với GDP là 4%, lớn nhất trong khu vực. Đứng thứ 2 là Singapore với 3,2%. Nhưng xét về quy mô thì Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực, sau Indonesia và Thái Lan.
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, Việt Nam tuy vẫn xếp sau Indonesia về quy mô thị trường, nhưng đã vượt qua Thái Lan. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn 10 năm kể từ 2015 được dự báo sẽ là 43%, đưa Việt Nam trở thành đất nước có ngành thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất khu vực.
Lĩnh vực được quan tâm thứ hai trong nền kinh tế kỹ thuật số hiện tại là dịch vụ du lịch trực tuyến. Ở hạng mục này, Việt Nam tụt xuống vị trí thứ 4. Dịch vụ du lịch trực tuyến bao gồm các hoạt động như: đặt vé máy bay online, thuê khách sạn hoặc các hình thức lưu trú tương tự online.
Tiếp đến là lĩnh vực dịch vụ gọi xe online. Giờ đây không chỉ là chở khách lấy tiền, các doanh nghiệp còn phát triển cả dịch vụ chuyển phát hàng hóa, ví dụ như đồ ăn. Ở Việt Nam, người tiêu dùng đã quá quen thuộc với việc di chuyển bằng Garb, các dịch vụ vận chuyển đồ ăn như Delivery Now, Loship, Now.vn, hay các dịch vụ giao nhận hàng hóa Aha Move, Lala Move với chi phí rẻ. Tuy nhiên nếu so sánh trong khu vực, Việt Nam chỉ xếp trên duy nhất Singapore... Với tốc độ tăng trưởng dự báo 29%, đến năm 2025 quy mô ngành này tại Việt Nam sẽ đạt 2 tỉ USD, chỉ bằng một nửa Thái Lan, Singapore và bằng 1/7 Indonesia...
Mai Phương
Thanh niên
|