Lão làng Thaco e dè tân binh VinFast
Chuyển sang đa ngành cũng đồng nghĩa đặt Trường Hải Thaco đối diện với nhiều thách thức và đối thủ mới.
2018 là năm đầy thách thức cho các hãng ô tô nhưng điều ngạc nhiên là làn sóng đầu tư vào ngành này bất ngờ tăng mạnh, trong đó có xuất hiện một vài cái tên khá lạ. Với tiềm lực mạnh và cách làm khá bài bản, các cái tên mới nổi đang thổi bùng lên sức ép cạnh tranh cho ngôi vương của Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco).
Một cuộc chiến mới về thị phần dự báo sẽ diễn ra rất khốc liệt kể từ năm 2019. Trường Hải đang những toan tính gì để hóa giải các thách thức mới này?
Đa ngành, đa đoan
Thị trường tiêu thụ ô tô Việt Nam trong 2018 khá trầm lắng theo đà suy giảm của lượng ô tô nhập khẩu. Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), 10 tháng đầu năm nay, tổng lượng xe tiêu thụ toàn thị trường chỉ tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước (đạt hơn 223.400 chiếc).
Thực trạng sôi động chủ yếu diễn ra ở dòng xe lắp ráp (CKD) với tỉ lệ tiêu thụ tăng 11% trong khi lượng xe nhập khẩu (CBU) giảm mạnh đến 22% do khá nhiều các hãng xe ngoại phải mất nhiều thời gian chuẩn bị thủ tục đáp ứng được các điều kiện của Nghị định 116.
Trong bối cảnh gặp nhiều thách thức, Trường Hải vẫn chứng tỏ được sức dẻo dai đáng nể. Nửa đầu năm nay, doanh thu bán xe của Công ty lên đến 24.654 tỉ đồng, tăng 8,3%. Tổng lượng xe bán được là 50.397 xe (trong đó có 32.308 xe du lịch và 18.089 xe thương mại) đưa thị phần của Trường Hải lên đến 41% trong hệ thống VAMA và bỏ xa đối thủ đứng thứ 2 là Toyota với 19,8% thị phần.
Hầu hết các dòng xe chủ lực của Trường Hải như KIA, Mazda chứng kiến tốc độ tăng trưởng khá tốt. Đáng tiếc là trường hợp của dòng xe hạng sang BMW mà Trường Hải giành quyền phân phối từ năm 2017 (và có tiềm năng mang lại tỉ suất lợi nhuận cao nhất) cho đến nay vẫn chưa có lô xe mới nào được nhập về Việt Nam.
Nếu như mảng ô tô tiếp tục sáng thì chân kiềng thứ hai là mảng bất động sản bất chợt chững lại một chút khi chỉ đạt 1.553 tỉ đồng doanh thu, giảm nhẹ 6% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, nhờ sự khởi sắc của mảng cốt lõi ô tô và các mảng kinh doanh phụ tùng, dịch vụ nên lợi nhuận trước thuế của Trường Hải tăng mạnh 500 tỉ đồng lên tới 3.326 tỉ đồng.
Đáng chú ý, tuy liên tục đối mặt với các tranh cãi liên quan đến các hợp đồng BT tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng như tiến độ Khu đô thị Sala có dấu hiệu chậm lại, nhưng chiến lược lấn sân sâu hơn vào mảng địa ốc vẫn được ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Hải, kiên định thực hiện.
Ngay sau khi thâu tóm khu phức hợp trị giá 440 triệu USD tại Myanmar của Hoàng Anh Gia Lai, Trường Hải tiếp tục rót hơn 80 triệu USD vào việc phát triển một khu phức hợp thương mại - khách sạn chuẩn 5 sao tại Khu đô thị mới Phú Cường (Rạch Giá - Kiên Giang).
Theo đánh giá của Trường Hải, những dự án như Phú Cường chính là điểm sáng giúp đáp ứng nhu cầu về chất lượng cuộc sống ngày càng cao của người dân cũng như gia tăng giá trị bất động sản trong khu vực. Giá trị dự án dự kiến còn tăng lên khi lượng khách du lịch đến đảo ngọc Phú Quốc và tỉnh Kiên Giang đang gia tăng mạnh mẽ.
Báo cáo của SSI Retail Research từng nhận định, với những kế hoạch xây dựng và bàn giao, dự kiến doanh thu thuần từ mảng bất động sản trong năm 2018 sẽ chiếm khoảng 30-35% tổng doanh thu của Trường Hải, tương đương 22.000 tỉ đồng. Tất nhiên, chiến lược mở rộng đa ngành, đầu tư thêm vào bất động sản của Trường Hải chỉ mới ở giai đoạn mở đầu và vẫn còn sớm để đánh giá về tính hiệu quả.
Nhưng với những khó khăn mà Công ty đang phải đương đầu ở Khu đô thị Thủ Thiêm cũng như khó khăn trong quá trình tái cấu trúc khối tài sản hàng tỉ USD tại Hoàng Anh Gia Lai, cũng có một số lý do để e ngại về triển vọng kinh doanh của Trường Hải trong các năm tới, đặc biệt khi mảng cốt lõi ô tô bất ngờ dậy sóng với hàng loạt đối thủ mới trỗi dậy.
MỞ MẶT TRẬN MỚI
Cuộc chiến trên thị trường ô tô bất ngờ nóng trở lại với việc xuất hiện của tân binh giàu tiềm năng là VinFast. VinFast thông qua hàng loạt các quyết định đầy quyết đoán như rót ngay 600 triệu USD xây dựng căn cứ địa sản xuất ở Hải Phòng, thâu tóm nhà máy GM Việt Nam, bắt tay nhận chuyển giao công nghệ với hàng loạt các thương hiệu ô tô hàng đầu, nhanh chóng cho ra lò 3 mẫu xe chỉ trong vòng 1 năm... Qua đó, VinFast cho thấy một tiềm năng cạnh tranh khá lớn, có thể thách thức vị thế thống trị của Trường Hải trong các năm tới.
Lời tuyên chiến của VinFast với đại gia Trường Hải, Toyota, Honda, Hyundai, KIA, Mazda... lập tức thể hiện thông qua việc chiết khấu mạnh tay giá bán và thực hiện các chiến dịch marketing hoành tráng. Đơn cử như trong 3 mẫu xe được chào bán mới đây, mức giá được VinFast “khuyến mãi” lần lượt là 336 triệu đồng cho dòng xe cỡ nhỏ Fadil, 800 triệu đồng cho dòng xe sedan Lux A2.0 và 1,136 tỉ đồng cho dòng xe SUV SU Lux A2.0.
Các mức giá này đều cách mức giá gốc hàng trăm triệu đồng, tức VinFast sẽ không đặt nặng yếu tố lợi nhuận mà ưu tiên hơn cho mục tiêu lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) dương trong ngắn hạn. “Ở giai đoạn đầu, các mẫu xe này sẽ được bán theo chính sách 3 không của VinFast: không chi phí khấu hao, không chi phí tài chính vào giá thành sản phẩm và không lấy lãi”, ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Vingroup, giải thích.
Tất nhiên, sau khi có chỗ đứng trên thị trường và giành được thị phần đáng kể, giá xe VinFast chắc chắn sẽ tăng lên để đạt được tỉ suất sinh lợi hấp dẫn hơn. Nhưng để có thể chen chân vào một nền công nghiệp ô tô thế giới mà hơn 80% thị phần đang do số ít các tập đoàn đa quốc gia chi phối là chuyện không hề đơn giản. VinFast sẽ phải xây dựng được cho riêng mình hệ thống công nghiệp hỗ trợ hùng hậu, trong khi đảm bảo các mẫu xe mới của mình phải bắt kịp với chất lượng và kiểu dáng với các thương hiệu vốn dĩ đã in sâu vào tâm trí người tiêu dùng như Nissan, Toyota, GM, BMW...
Đầu năm nay, VinFast đã gửi kiến nghị đến Bộ Công Thương đề xuất việc thay đổi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.
Nếu yêu cầu này được chấp nhận, giá thành các dòng xe lắp rắp sẽ có cơ hội cạnh tranh với ô tô nguyên chiếc nhập khẩu và người dùng sẽ hưởng lợi.
Nhưng không chỉ có VinFast, các nhà đầu tư nước ngoài cũng để mắt tới thị trường còn nhiều tiềm năng tăng trưởng như Việt Nam thông qua những thương vụ đầu tư rầm rộ. Mới đây, tập đoàn ô tô nổi tiếng của Nhật Mitsubishi Motors cho biết có kế hoạch xây dựng một nhà máy lắp ráp xe nguyên chiếc, bao gồm cả sản xuất tại chỗ các chi tiết tại Việt Nam, đưa quốc gia này trở thành cứ điểm sản xuất mới để từ đó gia tăng xuất khẩu vào các quốc gia khác ở Đông Nam Á. “Để trở thành người chiến thắng thực sự, chúng tôi phải phát triển dây chuyền sản xuất và xuất khẩu tới một mức nhất định tại mỗi quốc gia”, ông Osamu Masuko, CEO Mitsubishi, cho biết.
Không dừng lại ở các mẫu xe hiện có, nhà đầu tư này còn có ý định đầu tư thêm dây chuyền sản xuất ô tô điện tại Việt Nam. Đây là bước đi đón đầu chính sách mới về môi trường mà Quốc hội Việt Nam đang xem xét thông qua, trong đó dự kiến sẽ dành các ưu đãi cho các dòng sản phẩm thân thiện với môi trường như ô tô điện và xe đạp điện.
Toyota cũng có ý định đầu tư thêm 40 triệu USD để nâng công suất sản xuất xe tại Việt Nam từ 50.000 xe/năm lên 90.000 xe. Tập đoàn Groupe PSA của Pháp với hai thương hiệu xe nổi tiếng là Peugeot và Citroën còn lên kế hoạch đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Hiện tại, Groupe đang hợp tác với Trường Hải để phân phối các dòng xe là chính và việc chính thức lập căn cứ lắp ráp tại Việt nam sẽ giúp Công ty bám rễ sâu hơn tại thị trường hơn 92 triệu dân.
Có thể thấy các chính sách ưu đãi của Chính phủ theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP đang bắt đầu phát huy tác dụng. Tuy phải đối phó với nhiều điều kiện ràng buộc về chất lượng dòng xe nhập khẩu hơn, nhưng các nhà đầu tư ngoại khó có thể làm ngơ trước một trong những thị trường có nhiều tiềm năng như Việt Nam nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, thị trường tiêu thụ ô tô của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng khả quan ở mức 22,6%/năm trong giai đoạn năm 2018-2025 và 18,5% mỗi năm trong giai đoạn năm 2025-2035. Tương tự, sản xuất ô tô được dự báo sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số với 18,5% và 13,5% tương ứng với 2 giai đoạn kể trên. “Động lực tăng trưởng trong toàn ngành là nhờ tỉ lệ sở hữu ô tô còn thấp, thu nhập khả dụng tăng và cơ sở hạ tầng được cải thiện cũng như các quy định dần được nới lỏng”, Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định.
Không khí đầu tư rầm rộ của các đối thủ chắc chắn sẽ mang tới những thách thức mới cho Trường Hải, nhất là trên phân khúc ô tô du lịch khi áp lực so kè giữa các hãng đang rất quyết liệt (Trường Hải phân phối được 47.123 xe trong 9 tháng đầu năm, Toyota tiêu thụ 41.086 chiếc và Honda cũng bán được 17.579 chiếc).
Tất nhiên, trong cuộc chiến lần này, Trường Hải cũng chủ động thực thi những nước cờ riêng. Đó là chiến lược mở rộng thêm công suất lắp ráp (như giai đoạn 1 của dây chuyền lắp ráp xe Mazda 100.000 chiếc mới khánh thành đầu năm), đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng cảng biển và logistics và nhất là tiếp tục nâng cấp quy mô showroom/đại lý trên cả nước lên con số 179 vào cuối năm nay. Chiến lược gia cố thêm hệ thống công nghiệp hỗ trợ là chìa khóa để Tập đoàn hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất và nâng cao tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm.
Đơn cử như trong năm nay, Trường Hải đang đầu tư thêm các nhà máy linh kiện nhựa, nhà máy sản xuất máy lạnh xe tải, xe bus, nhà máy sản xuất khung gầm xe bus, nhà máy sản xuất ống xả ô tô, nhà máy sản xuất xi-lanh thủy lực, nhà máy sản xuất mâm ô tô, nhà máy sản xuất thùng nhiên liệu ô tô và các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng cho xe du lịch và các linh kiện cơ khí khác ngoài ngành ô tô.
Đồng thời, mở rộng sản xuất các thiết bị cơ khí nông nghiệp, cơ khí xây dựng và thiết bị cơ khí công nghiệp khác. “Chỉ khi gia tăng tỉ lệ nội địa hóa mới đảm bảo cho doanh nghiệp làm chủ sản xuất, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm”, ông Phạm Văn Tài, CEO Trường Hải, nhận định.
Hiện các sản phẩm ô tô do Trường Hải sản xuất đã đạt tỉ lệ nội địa hóa từ 15-25% đối với xe con, 35-45% đối với xe tải và 60% đối với xe bus. Đặc biệt, Thaco đã xuất khẩu được các dòng xe bus đầu tiên sang thị trường Thái Lan, Philippines và tiếp đến sẽ là thị trường Campuchia, Singapore và Đài Loan. Đối với xe du lịch, doanh nghiệp đang thực hiện kế hoạch xuất khẩu xe du lịch KIA Sedona sang thị trường Thái Lan và gia tăng tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm xe du lịch Mazda và Peugeot để xuất khẩu sang các nước ASEAN từ năm 2020.
Nhìn chung, đối với một ngành hàng có tính chất độc quyền thiểu số như sản xuất ô tô, việc gia tăng sản lượng sản xuất và kiểm soát tốt chi phí sẽ là chìa khóa để các hãng giành được ưu thế trên thị trường, đồng thời thiết lập quyền lực quy định giá. Với quy mô và thị phần hiện có, nhiều khả năng Trường Hải vẫn là cái tên sáng giá nhất cho vị trí dẫn đầu, ít nhất là trong vòng 3-5 năm tới mặc dù một cuộc chiến nóng bỏng hơn đang gia tăng.
Sơn Nguyễn
NHỊP CẦU ĐẦU TƯ
|