Tham vọng 5G
Mục tiêu tham vọng VN sẽ là một trong những nước đầu tiên trên thế giới thương mại hóa 5G vào năm 2020, đang đặt các nhà mạng trong nước vào cuộc đua nước rút về hạ tầng công nghệ, chiến lược thương mại...
Ảnh: Shutterstock
|
Nhưng cũng có những lo ngại về chất lượng dịch vụ sẽ bị “chín ép” khi thời gian còn lại không nhiều, nhất là khi chất lượng 4G hiện nay vẫn đang bị phàn nàn.
Nhà mạng chuẩn bị gì?
Từ năm 2017, VNPT đã “bắt tay” với Tập đoàn Nokia cùng ký kết 2 thỏa thuận hợp tác phát triển 5G. Với thỏa thuận thứ nhất, hai bên sẽ thiết lập phòng lab nghiên cứu về công nghệ và giải pháp, ứng dụng trong mạng di động 5G và công nghệ IoT (internet vạn vật). Ngoài ra, Tập đoàn VNPT và Nokia còn ký kết thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, khảo sát, thử nghiệm triển khai công nghệ 5G, IoT. Theo đó VNPT và Nokia sẽ phối hợp nghiên cứu triển khai các ứng dụng giải pháp IoT cũng như các công nghệ, ứng dụng trong mạng 4G, 5G. Hiện đại hóa mạng lưới VNPT theo định hướng 5G và Cloud. Ngoài ra, hai bên sẽ chia sẻ thông tin các nghiên cứu mới nhất về công nghệ và sản phẩm mới trên mạng 5G. Dự án này dự kiến được thực hiện trong vòng 3 năm với tổng giá trị khoảng 15 triệu USD (gần 350 tỉ đồng).
Mạng di động 5G được kỳ vọng tạo bước ngoặt mới
Đồ họa: Hoàng Đình - Nguồn: Ủy ban Châu Âu
|
Chủ tịch VNPT Trần Mạnh Hùng cho biết VNPT đã trình Bộ TT-TT cho mạng VinaPhone thử nghiệm 5G. Việc thử nghiệm này để VNPT làm chủ công nghệ và quy hoạch mạng lưới trong thời gian sắp tới. Bên cạnh đó, VNPT cũng thử nghiệm để chuẩn bị sản xuất các thiết bị mạng 5G.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng cũng khẳng định Viettel sẽ tham gia việc thử nghiệm 5G. “Cuộc thử nghiệm đòi hỏi những hạ tầng như cáp quang, các trạm phát sóng, chúng tôi cũng đã có sự chuẩn bị từ sớm. Giống như khi chuẩn bị triển khai mạng 4G, Viettel đã có lợi thế nhiều mạng cáp quang rộng khắp đến cả những vùng sâu vùng xa”, ông Thắng nói và mong muốn sớm có thông tin về tần số để Viettel và các nhà mạng khác có sự chuẩn bị về thiết kế, thiết bị phù hợp, nhằm đáp ứng tần số mà Bộ TT-TT dự kiến sử dụng cho 5G.
Bên cạnh đó, Viettel cũng phối hợp với các nhà cung cấp để nghiên cứu, tự sản xuất các thiết bị 5G. 5G không đơn thuần là trạm BTS 5G mà còn bao gồm hệ thống mạng lõi để hỗ trợ cho 5G, thiết bị đầu cuối 5G. “Ví dụ, nếu chúng ta chỉ có máy đầu cuối 3G thì sẽ không dùng được 4G. Vì vậy, để có được mạng hoàn chỉnh, chúng ta cần thiết bị đầu cuối, các thiết bị thu phát sóng 5G, hệ thống đường truyền, kết nối giữa trạm và tổng đài”, ông Thắng nói.
“Với 5G, tôi nghĩ rằng các nhà mạng đã sẵn sàng với các hạ tầng có sẵn. Mấu chốt của chúng ta là độ sẵn sàng của người dùng. Khi thị trường đã sẵn sàng, máy đầu cuối sẵn sàng, người dùng cũng sẵn sàng thì các nhà mạng với hạ tầng sẵn có, việc triển khai các thiết bị 5G trên các trạm là nằm trong tầm tay”, ông Thắng nói.
Cuộc đua tốc độ
Về mật độ thuê bao di động băng rộng, năm 2017, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) xếp VN đứng thứ 115/193, dưới mức trung bình của thế giới. Muốn lọt top dẫn đầu 5G cũng như để cải thiện thứ hạng trên bản đồ thế giới, VN không chỉ phải đi nhanh mà phải đua tốc độ với cả nhà mạng và cơ quan quản lý.
Tại một hội thảo về công nghệ diễn ra cuối tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đặt mục tiêu đến 2020 VN đạt mật độ thuê bao di động băng rộng 100%; về cơ cấu dịch vụ, để thoại và nhắn tin chỉ còn chiếm dưới 30% tổng doanh thu; về tiêu dùng dữ liệu trên đầu người, VN vào top 30 - 50 trên thế giới. Về cách mạng công nghiệp 4.0, các nhà mạng phải là người ứng dụng đầu tiên, hiệu quả các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), IoT.
Theo ông Thiều Quang Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương, muốn đạt mục tiêu VN là một trong những nước đầu tiên triển khai 5G thì tiến độ là yếu tố quan trọng nhất. Bước đầu tiên về phía cơ quan quản lý phải công bố sớm quy hoạch về dải băng tần để nhà mạng chuẩn bị. Thứ hai, nhà mạng phải có kế hoạch chiến lược thiết kế, xây dựng hạ tầng cùng với hoạch định triển khai thương mại. Đặc biệt, để triển khai thương mại 5G, cần sự sẵn sàng của các thiết bị đầu cuối. Nếu 3G, 4G sử dụng cho smartphone, thì 5G phục vụ cho IoT, ô tô tự tái, TP thông minh, ứng dụng trong cả giáo dục, y tế..., nên nhà mạng phải có hoạch định chiến lược thị trường hoàn toàn mới.
Về phía cơ quan quản lý, theo ông Lê Văn Tuấn, Phó cục trưởng phụ trách Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT-TT), hiện nay thế giới đang chốt lại băng tần 5G vào 2019. Cục sẽ sớm đề xuất băng tần cơ bản, để có được tài nguyên cho 5G, doanh nghiệp linh hoạt sử dụng ngay băng tần hiện nay.
Lo ngại và tranh cãi
Nhiều nước phương Tây, đặc biệt là những đồng minh của Mỹ đang tỏ thái độ dè dặt trước hãng viễn thông Trung Quốc Huawei về công nghệ 5G. Hồi tháng 8, chính quyền Úc cấm Huawei tham gia phát triển hệ thống mạng 5G tại nước này vì lý do an ninh quốc gia.
Mới đây nhất, New Zealand cũng đưa ra lệnh cấm tương tự. Trong tuyên bố đưa ra ngày 28.11, Huawei nói sẽ “giải quyết mọi lo ngại và hợp tác với chính quyền New Zealand” để tìm giải pháp, đồng thời nhấn mạnh công ty đã ký hơn 20 hợp đồng cung cấp mạng 5G trên thế giới, theo Reuters.
Tại Đức và Anh, 2 nước dự kiến mời thầu xây dựng hệ thống mạng 5G trong đầu năm 2019, cũng đã có nhiều ý kiến lo ngại về nguy cơ mà Huawei đặt ra cho an ninh quốc gia.
Trả lời phỏng vấn Đài CNBC ngày 29.11, Chủ tịch Huawei Từ Dũng (Eric Xu) tuyên bố mục tiêu của Mỹ trở thành nước dẫn đầu trong công nghệ mạng 5G “sẽ không thể thành hiện thực” nếu không để Huawei gia nhập thị trường nước này.
Huawei bị cấm cung cấp hệ thống mạng cho Mỹ từ năm 2012 vì lo ngại những lỗ hổng trong thiết bị giúp tình báo Trung Quốc tiếp cận hệ thống mạng viễn thông Mỹ trong khi hãng này phủ nhận mọi cáo buộc. Theo ông Từ, việc cấm Huawei sẽ khiến “các nhà mạng Mỹ mất đi đối thủ cạnh tranh lành mạnh để phát triển trong khi người dùng cũng mất đi nhà cung cấp chất lượng”.
Bảo Vinh
|
5G là gì?
Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng thì công nghệ 2G là công nghệ điện thoại không dây thuần túy đàm thoại. Công nghệ 3G là “nửa thoại, nửa data” (data: dữ liệu). Công nghệ 4G là thuần túy data, nhưng kết nối thiết bị người dùng với nhau. Công nghệ 5G là công nghệ data, nhưng là công nghệ đầu tiên được thiết kế cho kết nối vạn vật, với một loạt tính năng mới, như độ trễ thấp, tiêu thụ nguồn nhỏ. Điển hình như công nghệ 5G sẽ giúp kết nối hiệu quả hơn để mạng lưới xe không người lái hoạt động chính xác hơn nữa.
Đối với một người sử dụng điện thoại thông thường, khác biệt lớn nhất giữa mạng 4G và 5G là tốc độ. Trên lý thuyết, tốc độ nhanh nhất của mạng 4G là 1 Gigabit/giây dù trong thực tế hiếm khi vượt mức 45 Megabit/giây. Trong khi đó, nhà sản xuất con chíp Qualcomm dự đoán 5G có thể đạt tốc độ truy cập và tải xuống nhanh gấp 10 - 20 lần 4G, còn nhà mạng Verizon của Mỹ tuyên bố đang thử nghiệm mạng 5G có tốc độ nhanh gấp 30 - 50 lần. Điều đó có nghĩa một bộ phim có thời lượng dài và chất lượng hình ảnh cao được tải xuống bằng mạng 5G sẽ chỉ tính bằng giây.
Ngoài ra, một ưu điểm khác của 5G so với 4G là rút ngắn độ trễ (khoảng thời gian từ khi mệnh lệnh được đưa ra cho đến khi hành động được thực hiện). Hiện tại mạng 4G có độ trễ từ 40 - 60 ms gây khó khăn khi người dùng cần độ phản hồi nhanh (1 giây=1.000 ms). Đây chính là yếu tố quan trọng áp dụng trong công nghệ xe tự hành, giúp xe có thể phản ứng nhanh hơn khi gặp những tình huống ngẫu nhiên trên đường phố.
Theo giới chuyên gia, tiềm năng sử dụng của mạng 5G là cực kỳ lớn. Với lượng thông tin được truyền đi với tốc độ cực nhanh, kết hợp cùng độ trễ thấp, mạng 5G được dự đoán sẽ tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực từ chăm sóc sức khỏe cho đến xây dựng thành phố thông minh. Những cuộc gọi video sẽ mượt mà, hình ảnh sắc nét hơn; phim ảnh được tải nhanh hơn; máy móc, robot được điều khiển từ xa; xe tự hành hoạt động ổn định và an toàn hơn.
Chủ tịch Ronan Dunne của Verizon Wireless dự báo đến năm 2035, mạng 5G sẽ tạo ra 12.300 tỉ USD (286 triệu tỉ đồng) giá trị cho nền kinh tế toàn cầu và hỗ trợ 22 triệu việc làm nhờ áp dụng 5G vào các lĩnh vực giao thông vận tải, nông nghiệp, sản xuất và các ngành công nghiệp máy móc khác.
Vi Trân
|
MAI HÀ - ANH VŨ
THANH NIÊN
|