Khốc liệt thị trường bán lẻ
Một số thương hiệu lặng lẽ biến mất, một số lại rầm rộ đầu tư mở rộng, cuộc cạnh tranh trên thị trường bán lẻ đã diễn ra cả thập niên qua nhưng vẫn chưa bao giờ hết nóng.
Bán lẻ hiện đại đang "ép" nhà sản xuất ẢNH: N.NGA
|
Thị trường phát triển thứ 6 toàn cầu
Sau Maximark, Ocean Mart và Metro AG, đầu tháng 10 vừa qua, Fivimart tiếp tục bị xóa tên khỏi thị trường bán lẻ, sau khi được sáp nhập vào hệ thống siêu thị Vinmart của Tập đoàn VinGroup. Theo đó, 23 siêu thị Fivimart được đổi thành tên Vinmart từ tháng 10 năm nay.
Theo VinCommerce (đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ thương hiệu Vinmart và Vinmart+), thương vụ này là bước đi nhằm hiện thực hóa kế hoạch mở rộng tới từng khu dân cư của doanh nghiệp (DN) này. Đến nay, VinCommerce sở hữu hệ thống bán lẻ quy mô lớn nhất VN với khoảng 100 siêu thị VinMart và 1.400 cửa hàng tiện lợi Vinmart+ trên toàn quốc. Kế hoạch nhà bán lẻ đưa ra đến năm 2020 là mở rộng 200 siêu thị và 4.000 cửa hàng tiện lợi.
Hệ thống Saigon Co.op, một tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ nội địa cũng khai trương siêu thị mới tại tỉnh An Giang, nâng tổng số siêu thị Co.op Mart trên toàn quốc lên 99 cái. Dự kiến, đến hết năm nay, chuỗi siêu thị này sẽ tiếp tục khai trương thêm 4 - 5 siêu thị Co.opMart và Co.opXtra, 10 cửa hàng thực phẩm Co.op Food tại hai thành phố lớn.
Không chỉ nhà bán lẻ trong nước đua nhau mở rộng, các hãng bán lẻ ngoại tại VN cũng rầm rộ bành trướng quy mô. Giữa tháng 11 vừa qua, Tập đoàn Central Group (Thái), đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị BigC tại VN đã khai trương Trung tâm thương mại GO!Mỹ Tho tại TP.Mỹ Tho (Tiền Giang). Tập đoàn này cũng từng tuyên bố đổ thêm 500 triệu USD vào để mở 500 điểm bán lẻ tại VN trong 5 năm tới. Các "ông lớn" Aeon (Nhật), Lotte Mart (Hàn Quốc) đều có tham vọng sẽ mở rộng con số 20 siêu thị Aeon vào năm 2025 và 60 siêu thị Lotte Mart vào năm 2020 tại VN.
Ở phân khúc tiện lợi, sau Vinmart dẫn đầu số lượng điểm kinh doanh, chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh của Thế Giới Di Động từ 405 cửa hàng, đặt mục tiêu nâng lên 500 vào cuối năm nay. 7-Eleven và GS25 vào VN cũng có kế hoạch mở cả nghìn cửa hàng trong vòng 10 năm tới. Chuỗi Family Mart đang có 130 cửa hàng tại VN cũng có kế hoạch mở 700 cửa hàng nữa vào năm 2020.
Bán lẻ VN vừa được Hãng A.T.Kearney xếp hạng là thị trường có chỉ số phát triển bán lẻ thứ 6 trên toàn cầu. Thống kê của Hiệp hội Bán lẻ VN cho thấy, tổng mức bán lẻ của thị trường bán lẻ VN đang tăng mạnh trong các năm qua.
"Cửa" vào siêu thị cũng khốc liệt
Nhìn vào tốc độ cũng như tham vọng mở rộng hệ thống của các DN trên thị trường bán lẻ, có cảm giác chúng ta đang thừa siêu thị. Ở TP.HCM và Hà Nội, chuyện bước chân ra ngõ gặp cửa hàng tiện lợi là phổ biến. Thế nhưng thực tế, bán lẻ hiện đại mới chỉ chiếm khoảng 25% trong tổng kênh phân phối tại VN. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nhận xét: Hệ thống phân phối hiện đại của VN còn thiếu, nếu thừa chỉ tập trung tại 2 thành phố lớn nên dư địa vẫn rất lớn.
Cũng vì thiếu, để đưa hàng hóa lọt và đứng vững trong các hệ thống siêu thị không đơn giản, không ít nhà sản xuất bỏ cuộc vì mức chiết khấu cao, bảo quản hàng kém... Ông Lê Q.H., chủ cơ sở nem chả sạch Q.H., cho biết: “Chiết khấu lên đến 29% cho hàng ký gửi nhưng siêu thị lại bảo quản kém để hàng hỏng hàng loạt, DN phải đổi trả liên tục. Trong gần 1 năm đưa hàng vào chuỗi siêu thị C., chúng tôi phải rút lui vì lỗ hơn 200 triệu đồng, một con số không nhỏ với cơ sở nhỏ lẻ”.
Theo ông Vũ Vinh Phú, nhà bán lẻ khuyến khích nhà sản xuất đưa hàng vào siêu thị với cam kết năm đầu tiên không trích chiết khấu như Vinmart đang triển khai ở Hà Nội là trường hợp hiếm hoi đáng ghi nhận. Chuỗi hệ thống siêu thị Hapro đang chiết khấu 15 - 17% là “dễ thở”. Còn đa số các nhà bán lẻ đều rất "chảnh" do lượng hàng hóa muốn vào siêu thị cao hơn nhu cầu của nhà phân phối rất nhiều.
Không chỉ chiết khấu có nơi tới 30%, ông Phú còn dẫn chứng một số liệu được cung cấp bởi một lãnh đạo ngành thuế trao đổi với ông mới đây là DN muốn đưa hàng vào siêu thị, phải trích 20% chiết khấu cứng, 12% chiết khấu mềm. “Cộng thêm 5% hóa đơn và chi mềm cho quầy kệ nữa, mức chi nhà sản xuất bỏ ra gần 40%! Đây là điều đáng báo động cho nền kinh tế, không chỉ với ngành sản xuất”, ông Phú bức xúc.
“Giá hàng hóa trong nước kém cạnh tranh so với hàng xuất khẩu, một phần là từ hệ thống phân phối. Để hạn chế tình trạng bán lẻ đang gây khó cho sản xuất trong nước, nhất thiết phải có sự can thiệp của nhà nước. Thái Lan có luật phân phối lợi nhuận, nhà nông hưởng 70% trên lợi nhuận, 30% thuộc về khâu trung gian và phân phối. VN đang làm ngược lại...”, ông Phú nói.
Nguyên Nga
Thanh Niên
|