Thứ Năm, 06/12/2018 06:28

Kinh tế tư nhân là đòn bẩy quan trọng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và có những hành động cụ thể nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Ngày 5-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2018 với sự tham dự của khoảng 500 đại biểu. Chính phủ đã đối thoại với đại diện khu vực tư nhân, giới học giả, nghiên cứu, truyền thông nhằm ghi nhận các đề xuất hợp lý để chuyển hóa thành các hành động cải cách.

Cần những hành động rất cụ thể

Tại diễn đàn, các diễn giả dành thời gian để "mổ xẻ" vấn đề phát triển khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) ở Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam chính là cải cách thể chế kết hợp tập trung nâng cao năng suất lao động, đồng thời phát triển KTTN trong mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Rich McClellan, cố vấn cấp cao Công ty McKinsey Việt Nam, cho biết khu vực KTTN chính thức ở Việt Nam chiếm ít hơn 10% GDP. Tuy nhiên, khu vực tư nhân phi chính thức (hộ gia đình) chiếm 1/3 GDP. Tổng của khu vực tư nhân gồm cả chính thức và phi chính thức trong GDP là 42%. "Có nhiều yếu tố khiến các chủ kinh doanh nhỏ không muốn chuyển thành doanh nghiệp chính thức như các khó khăn liên quan nộp thuế, thương mại quốc tế, tiếp cận vốn, đất đai, hạn ngạch xuất khẩu" - ông Rich McClellan nhấn mạnh và cho rằng Việt Nam sẽ bỏ qua cơ hội lớn nếu không thúc đẩy hơn nữa đóng góp của khu vực này vào tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Đến từ Ngân hàng Thế giới (WB), ông Ousmane Dione cho rằng cải cách để thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân trong nước sẽ cần phải được đẩy mạnh để trở thành động lực chính nhằm tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Điều này đòi hỏi phải nỗ lực để loại bỏ những trở ngại cho doanh nghiệp tư nhân và tăng cường môi trường pháp lý.

Để giúp khu vực tư nhân trong nước tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, ông Ousmane Dione khuyến nghị Việt Nam cần chuyển từ số lượng sang chất lượng khi thu hút vốn đầu tư nước ngoài. "Chính phủ cần tập trung vào đầu tư công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn, khai thác mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tạo điều kiện cho khu vực KTTN" - đại diện WB nói và khẳng định điều này sẽ giúp khu vực tư nhân trong nước tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các chuyên gia nhận định chính sách thường ở tầm vĩ mô, trong khi khu vực tư nhân cần có những hành động rất cụ thể, sát sườn nhưng mang lại hiệu quả lớn cho họ.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của KTTN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đây là một trong các đòn bẩy quan trọng, tạo sức cạnh tranh, sự linh hoạt cho nền kinh tế. Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và có những hành động cụ thể nhằm phát triển khu vực KTTN, hướng tới mục tiêu năm 2020 có khoảng 1 triệu doanh nghiệp, chủ yếu trong khu vực tư nhân. "Sáng tạo và khởi nghiệp tập trung vào tầng lớp thanh niên trẻ, có khát vọng, sáng tạo, dám làm, chấp nhận vấp ngã và biết đứng lên" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các diễn giả tại diễn đàn

Giải quyết 3 điểm nghẽn

Ghi nhận những khuyến nghị và ý kiến đóng góp từ các diễn giả, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam tiếp tục tập trung giải quyết 3 điểm nghẽn để chuyển hóa thành 3 đột phá chiến lược thực sự phục vụ cho yêu cầu phát triển, gồm: Thể chế, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ cải cách mạnh mẽ hơn nữa về thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh, tạo kênh tương tác trực tiếp giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp.

Khẳng định nhân lực là "chìa khóa vàng" cho sự thành công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Chính phủ đang tìm kiếm những giải pháp hiệu quả để xây dựng được nguồn lực con người chất lượng phục vụ tăng trưởng bền vững. Thủ tướng cho rằng con người và công nghệ giống như chiếc chìa khóa và cái ổ khóa, phải tương thích với nhau. Do đó, để theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì cần phải có con người 4.0.

Cùng với việc thực hiện các đột phá chiến lược, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ bổ sung 2 đột phá mới, coi đó là 2 động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam trong thập niên tới, gồm: Thúc đẩy năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ 4.0. Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh này, mọi quốc gia đều có thể vươn lên và bứt phá; đồng thời lạc quan trước không khí khởi nghiệp mạnh mẽ, rộng khắp ở Việt Nam thời gian qua.

"Chưa bao giờ có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới - sáng tạo thành công như bây giờ. Tôi khẳng định đây không phải phong trào mà là một tinh thần và một quyết tâm. Người dân, doanh nhân, dưới sự hỗ trợ và hợp tác của các đối tác phát triển, cùng song hành với Chính phủ để đưa kinh tế Việt Nam đột phá, bắt kịp và cùng tiến với các nước phát triển" - Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh thêm cần có chính sách phù hợp, tập trung vào hoàn thiện cơ sở pháp lý, sở hữu trí tuệ, cơ chế thị trường, khoa học, công nghệ, tạo sự liên kết cơ sở đào tạo và nơi sử dụng nguồn nhân lực, sử dụng hiệu quả vật chất hiện có. Bên cạnh đó, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, ươm mầm cho các doanh nghiệp vươn lên tầm cỡ.

Tại diễn đàn, các chuyên gia, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, trường đại học trên thế giới đã đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững. Những khuyến nghị này tập trung vào việc cải cách doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy phát triển khu vực KTTN; tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cao năng suất, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. 

 Giảm bớt "chấn thương" do chiến tranh thương mại

Tham gia diễn đàn, ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, cho rằng để "giảm bớt chấn thương" trong bối cảnh cuộc chiến thương mại hiện nay, Việt Nam cần tập trung vào các vấn đề: Gia tăng nội lực bản thân trong khi hết sức tích cực tranh thủ nguồn lực thế giới; tiếp tục cùng cộng đồng thế giới, trong đó tự do hóa thương mại là chủ yếu và thích nghi với thay đổi. Theo ông Vũ Khoan, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam sẽ phải chọn lựa một mô hình thích hợp để phát triển, mà nhân tố quyết định là chất lượng nguồn nhân lực.

Minh Chiến

NGƯỜI LAO ĐỘNG

Các tin tức khác

>   Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ giảm thời gian bay chờ, chậm chuyến (05/12/2018)

>   Công suất 21 sân bay Việt Nam chỉ bằng một sân bay của Malaysia, Singapore (05/12/2018)

>   Phó Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu giải pháp sử dụng than trộn cho sản xuất điện (05/12/2018)

>   Hành khách tấn công nhân viên hàng không (05/12/2018)

>   Thành công xưởng mới của thế giới, VN cần làm gì tiếp theo? (05/12/2018)

>   Reuters: Foxconn cân nhắc xây dựng nhà máy sản xuất iPhone ở Việt Nam (05/12/2018)

>   'Siêu' dự án sân Chi Lăng không nằm trong quy hoạch (05/12/2018)

>   Vì sao trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc bị phản đối? (05/12/2018)

>   Tiềm năng điện mặt trời áp mái (05/12/2018)

>   Đại án DongA Bank: Vũ 'nhôm' không được bàn vụ chiếm đoạt 200 tỉ đồng? (05/12/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật