Khi chính sách thu hút FDI không còn phù hợp
Vấn đề quan ngại nhất là sự "ưu ái" quá mức dành cho khu vực doanh nghiệp FDI, khiến việc phân bổ nguồn lực bị méo mó, khu vực tư nhân trở nên ngày càng bị lép vế trước khu vực FDI...
Khu vực FDI đang áp đảo nhiều lĩnh vực, ngành nghề, chiếm cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam, và hơn hết là làm nền kinh tế trở nên phụ thuộc.
|
Chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo chiều rộng đã không còn phù hợp. Theo các chuyên gia cần cân bằng những nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp nội và đầu tư FDI để tăng tính liên kết giữa hai luồng đầu tư. Trong thời gian tới, cần tạo môi trường bình đẳng trong kinh doanh.
Thống kê cho thấy, ít nhất có 7 luật, nghị định đang có các quy định liên quan tới khuyến khích, ưu đãi đầu tư. Đó là Luật Đầu tư 2014, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi 2013, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu 2016, Luật Sử dụng đất phi nông nghiệp 2010, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, Nghị định 123/2017/NĐ-CP sửa đổi một số điều quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Vốn FDI và vấn đề lao động
Trong đó, chỉ tính riêng Luật Đầu tư 2014 đã quy định 13 nhóm lĩnh vực và 3 loại địa bàn khuyến khích đầu tư. Nghị định 118 hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư quy định chi biết 30 lĩnh vực khuyến khích đầu tư và 27 lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư được hưởng ưu đãi về đầu tư, trong đó có ưu đãi về thuế. Bên cạnh đó, có hơn 300 loại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được hưởng ưu đãi thuế với các hình thức khác nhau như ưu đãi về thuế suất và miễn giảm thuế có thời hạn về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bình luận về những chính sách ưu đãi này tại Hội thảo "Đánh giá hiệu quả chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư tại Việt Nam" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức mới đây, chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Hoè cho rằng, thu hút đầu tư chỉ giải quyết được vấn đề lao động, việc làm trong khi rủi ro cho người lao động, ô nhiễm môi trường rất khó dự báo.
"Rất nhiều doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ lạc hậu đang xả thải, gây hại trầm trọng cho môi trường. Không biết chúng ta phải chi bao nhiêu để xử lý những vấn đề này?", ông Hoè đặt câu hỏi.
Dẫn trường hợp của Samsung trong chính sách ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10%, miễn 4 năm, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo, trong tham luận gửi tới hội thảo, ông Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, Bộ Tài chính cho biết dù vào Việt Nam khá lâu nhưng Samsung chỉ bắt đầu phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2013.
Theo tính toán của vị này, tổng số tiền nộp thuế của Samsung trong năm 2014 là 165 triệu USD, năm 2015 tăng lên 186 triệu USD, năm 2016 là 300 triệu USD và nửa đầu năm 2017 là 186 triệu USD. Nếu tính tới những lợi ích khác thu được từ nhà đầu tư này, theo ông Cường, đó là đóng góp hơn 50 tỷ USD vào xuất khẩu của Việt Nam năm 2017, tạo ra khoảng 160.000 công ăn việc làm, thúc đẩy công nghiệp phụ trợ và đem lại lợi ích cho các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan. Vì vậy, vị này đặt câu hỏi về chi phí cơ hội mà Việt Nam mất đi từ việc miễn giảm thuế, ưu đãi về đất đai, hạ tầng...
Thu hút FDI theo chiều sâu
Nhưng vấn đề quan ngại nhất, theo ông Hoè, đó là sự "ưu ái" quá mức dành cho khu vực doanh nghiệp FDI đang khiến việc phân bổ nguồn lực bị méo mó, khu vực tư nhân vốn nhỏ bé lại không nhận được sự hỗ trợ trở nên ngày càng bị lép vế trước khu vực FDI.
"Khu vực FDI đang áp đảo nhiều lĩnh vực, ngành nghề, chiếm cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam, và hơn hết là làm nền kinh tế trở nên phụ thuộc. Giả sử nếu "ông lớn" Samsung chuyển hoạt động kinh doanh ra nước ngoài, điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới nền kinh tế Việt Nam?", ông Hoè nói.
Chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư không chỉ đang làm "xáo trộn" một số ngành kinh tế, mà theo Oxfam, có rất ít bằng chứng chứng minh ưu đãi thuế theo địa bàn khó khăn là có hiệu quả thu hút đầu tư vào các khu vực này. Thậm chí, theo Ngân hàng Thế giới chính sách ưu đãi về thời gian miễn, giảm thuế có thể khuyến khích doanh nghiệp tránh thuế thông qua việc cơ cấu lại đầu tư, thành lập dự án đầu tư mới để tiếp tục được hưởng ưu đãi.
Dẫn kết quả khảo sát doanh nghiệp, TS. Đinh Trọng Thắng, Trưởng Ban Chính sách đầu tư (CIEM) cho biết thuế chỉ nằm ở ưu tiên thứ ba khi xem xét đầu tư. Các yếu tố mà nhà đầu tư quan tâm khi thực hiện đầu tư, sắp xếp theo thứ tự từ quan trọng nhất, là sự ổn định về kinh tế - chính trị, chi phí lao động rồi mới đến chính sách thuế và tiếp đó là khung pháp lý và chất lượng kết cấu hạ tầng.
"Từ trước đến nay, chúng ta mới chỉ chú trọng, dựa vào chi phí thấp về lao động thấp, đất đai, tài nguyên để thu hút FDI. Nhưng, trong bối cảnh mới không còn quá nhiều dư địa tận dụng những lợi thế mang tính tĩnh này để thu hút đầu tư", TS. Thắng chia sẻ quan điểm.
Vì vậy, ông Thắng đề nghị, cần cân bằng những nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp nội và đầu tư FDI để tăng tính liên kết giữa hai luồng đầu tư. Trong thời gian tới, cần tạo môi trường bình đẳng trong kinh doanh.
Kết luận lại, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM khẳng định, trong xu thế kinh tế mới, thu hút đầu tư theo chiều rộng không còn phù hợp và không mang lại hiệu quả như mong muốn, chính vì vậy cần có chính sách mới về vấn đề thu hút FDI.
ANH NHI
VNECONOMY
|