Thứ Tư, 28/11/2018 08:45

Nông nghiệp Việt đang ở đâu?

Người đứng đầu Chính phủ nêu câu hỏi liệu Việt Nam có thể lọt vào 15 nền nông nghiệp hàng đầu của thế giới?

Ngày 27-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đột phá

Báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế trung ương Cao Đức Phát khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng cũng như đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước. Đến tháng 6-2018, cả nước có 3.069 xã và 43 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Những chuyển biến tích cực trong sản xuất, dịch vụ nông nghiệp đã giúp thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được nâng cao, số hộ nghèo giảm nhanh. Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng 3,49 lần, lên 32 triệu đồng năm 2017. Tỉ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 1,5%/năm, riêng ở các huyện nghèo giảm tới 4%/năm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị sáng 27-11Ảnh: Quang Hiếu

Từ thực tế địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết nông nghiệp Hà Tĩnh từ chỗ khó khăn, tăng trưởng 2,08% giai đoạn 2008 - 2012 đã liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, đạt 4,87% giai đoạn 2013 - 2017. "Tuy nhiên, cần đổi mới mạnh hơn nữa cơ chế, chính sách để tích tụ, tập trung ruộng đất, hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn để thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả cao. Xây dựng nông thôn mới cần gắn với phát triển đô thị" - ông Sơn kiến nghị.

Cho rằng nông nghiệp không thể đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan nhấn mạnh địa phương đang hướng đến nền nông nghiệp thông minh. Đồng Tháp đã và đang gắn kết chính quyền - doanh nghiệp (DN) - nông dân. Theo đó, DN sẽ mang tri thức đến cho bà con nông dân, hướng dẫn nông dân ứng dụng, sử dụng công nghệ vào sản xuất, nuôi trồng để tạo ra sản phẩm của nền nông nghiệp thông minh.

Đồng Tháp cũng là địa phương tiên phong về hoạt động hội quán nông dân - mô hình tập hợp nông dân có chung chí hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. "Hội quán ở Đồng Tháp là một hình thức liên kết tự nguyện của nông dân nhằm chia sẻ "chuyện làng, chuyện xóm" và hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh" - ông Hoan cho biết.

Tương tự, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, khẳng định địa phương luôn xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội. "Tỉnh sẽ rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp, các quy hoạch chuyên ngành theo hướng tiếp cận đa ngành; tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh 4.0, nông nghiệp hữu cơ tại các vùng theo quy hoạch trên cơ sở lấy khoa học công nghệ là khâu đột phá" - ông Phạm S nhấn mạnh.

Còn khiêm tốn

Mặc dù một số địa phương đạt được những kết quả cao sau 10 năm nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra một số tồn tại, yếu kém của ngành nông nghiệp cần được khắc phục sớm.

Cụ thể, nông nghiệp phát triển manh mún, diện tích canh tác trung bình ở nông thôn chỉ có 0,18 ha/thửa đất và 2,5 thửa đất/hộ gia đình. Dịch vụ phát triển chưa đủ mạnh để thu hút khu vực nông nghiệp chuyển dịch nhanh hơn. Chính vì quy mô nhỏ dẫn đến khó có thể cơ giới hóa, hiện đại hóa và tiến hành thực hiện nền sản xuất lớn. Kết quả là quy mô trang trại của hộ gia đình Việt Nam vào loại nhỏ nhất Đông Nam Á và trên thế giới.

Ngành nông nghiệp chỉ thu hút một lượng vốn khiêm tốn, chiếm 5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Số DN đầu tư sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 15% trong cả nền kinh tế, chủ yếu là quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Trong khi đó, nông dân lại gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn chính thức từ ngân hàng. Cụ thể, chỉ có 1/2 số hộ gia đình ở nông thôn tiếp cận được nguồn vốn chính thức, làm cho tín dụng đen đã có những diễn biến phức tạp ở nông thôn.

Ngoài ra, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn yếu dẫn đến giá thành sản phẩm cao. Điều này còn khiến sản phẩm của Việt Nam chủ yếu là xuất thô, chưa đột phá trong nâng cao giá trị gia tăng. "Việc xây dựng thương hiệu nông nghiệp còn yếu kém, mới chỉ có 15% sản phẩm có thương hiệu, thậm chí một số thương hiệu nổi tiếng mất đi do nước ngoài mua lại" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thay đổi tư duy, cách làm

Để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nông dân phải chủ động, sáng tạo, loại bỏ tâm lý ỷ lại. Song hành cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là lòng yêu nước, tự lực, tự cường vươn lên của nông dân. Thủ tướng đặt câu hỏi thời gian qua, Việt Nam đứng ở đâu trên bản đồ nông nghiệp thế giới và liệu rằng có thể đứng thứ 15 các nước có nền nông nghiệp phát triển được hay không? "Cần tư duy nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp, cùng với đó là nhận diện cơ hội và thách thức để đề ra chiến lược mới" - Thủ tướng yêu cầu.

Xác định các nhà đầu tư, DN là "bà đỡ" cho nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các bộ - ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN. Phải "suy nghĩ lại" xem vì sao nông nghiệp Việt Nam chậm hơn một số nước trong khu vực, đặc biệt là so sánh với Thái Lan.

Ngoài ra, để hạn chế tình trạng "được mùa mất giá", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải đặt vấn đề thị trường trước khi sản xuất. "Phải thay đổi tư duy, cách làm; sản xuất nông nghiệp phải xuất phát từ nhu cầu thực tế sản xuất, gắn chặt với yêu cầu thị trường, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc" - Thủ tướng nói.

Để tháo gỡ vấn đề vốn cho nông dân, Thủ tướng đề nghị hệ thống ngân hàng tiếp tục cung ứng lượng vốn tín dụng với cơ chế phù hợp vào lĩnh vực nông nghiệp.

Thủ tướng khen ngợi hàng nông sản

Trong khuôn khổ hội nghị còn có 100 gian hàng của các bộ - ngành, địa phương, DN trưng bày, giới thiệu về sản phẩm nông nghiệp, máy móc kỹ thuật. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các mặt hàng nông sản như cam sành Tuyên Quang, hải sản Sông Cầu (Phú Yên), bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây (Hà Tĩnh). Ông khen ngợi các sản phẩm nông nghiệp ngày càng được đầu tư hơn về công nghệ sản xuất, dây chuyền, bao bì. Các thành tựu về khoa học công nghệ trong nông nghiệp cũng được Thủ tướng khích lệ và kỳ vọng sẽ giúp nông dân tăng năng suất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng nông sản Ảnh: Minh Chiến

Vẫn chạy theo phong trào

Ông Cao Đức Phát chỉ ra nhiều năm tăng trưởng nông nghiệp thấp hơn mục tiêu 3,5%-4% như nghị quyết. Nông nghiệp vẫn dựa chủ yếu vào nông hộ nhỏ thiếu liên kết, chất lượng và khả năng cạnh tranh chưa cao. "Còn tình trạng một số địa phương chạy theo phong trào nên thực chất chưa cao. Cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông, thủy lợi, điện còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hóa quy mô lớn" - ông Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân còn thấp, có nơi tỉ lệ hộ nghèo còn cao. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỉ lệ tái nghèo bình quân chiếm 5,1% số hộ thoát nghèo. Ngoài ra, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang đe dọa sự phát triển của ngành nông nghiệp.

Trong quá trình thực hiện nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ông Cao Đức Phát cho biết nhiều nơi có biểu hiện lạm dụng sự đóng góp của người dân để thực hiện các nhiệm vụ công cộng. Trong khi đó, cơ sở vật chất về y tế, giáo dục và văn hóa ở một số vùng nông thôn còn thiếu, chất lượng cuộc sống chưa cao. "Do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, một số mục tiêu do nghị quyết đề ra có khả năng không đạt. Nhiều tồn tại, yếu kém chậm được khắc phục, nhất là về tổ chức sản xuất, chất lượng, hiệu quả, tính bền vững của sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn" - Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương chỉ rõ.

 

Minh Chiến

Người Lao động

Các tin tức khác

>   “Giải mã” hiện tượng doanh nghiệp giải thể ngày càng tăng mạnh (27/11/2018)

>   PMI tháng 11 tăng lên 56.5 điểm, lĩnh vực sản xuất cải thiện mạnh mẽ (03/12/2018)

>   Thâm hụt thương mại với thị trường Hàn Quốc lên đến 24 tỉ USD (26/11/2018)

>   Tổng bí thư: "Kỷ luật một vài người để cứu muôn người" (25/11/2018)

>   Lợi ích nhóm: Xử lý là nhiệm vụ khó khăn (23/11/2018)

>   Chuyển vụ việc dấu hiệu vi phạm sang cơ quan điều tra thông qua kiểm toán (23/11/2018)

>   Công bố 100 Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2018 (23/11/2018)

>   Không hợp pháp hóa tài sản bất minh (21/11/2018)

>   Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải: Đủ công cụ xử lý nợ xấu (18/11/2018)

>   Đầu tư công: Không thêm thủ tục mới, quy trình đơn giản nhất (16/11/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật